.

Những bài học lịch sử từ bảo tàng

.

Hai năm qua, Sở GD-ĐT phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức  chương trình học tập ngoại khóa “Hành trình đến với Bảo tàng - Thành Điện Hải” dành cho học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Đến nay đã có hơn 12.000 lượt học sinh của các trường học trên địa bàn thành phố tham gia chương trình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong dạy và học bộ môn Lịch sử…

Các em học sinh khối THCS tham gia hoạt động ngoại khóa tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Các em học sinh khối THCS tham gia hoạt động ngoại khóa tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Sinh động, hấp dẫn

Trong chương trình ngoại khóa học kỳ 1 năm học 2013-2014, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà đã tổ chức cho các em học sinh lớp 9 đến tham quan, học tập tại Bảo tàng Đà Nẵng. Được tận mắt xem các hiện vật, tư liệu trưng bày trong bảo tàng, xem triển lãm các chuyên đề như “Những tư liệu mới về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” và “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”, tham gia các hoạt động đố vui, thuyết trình… hầu hết các em học sinh rất hào hứng, thích thú.

Em Thảo Nguyên, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ cho biết, được tham gia chương trình này em cảm thấy thích thú, bổ ích lắm. Những kiến thức tiếp thu được từ các nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng rất phong phú, sinh động giúp em dễ nhớ, dễ thuộc, chứ không khô cứng như bài giảng trong sách giáo khoa.

Không chỉ học sinh THCS, trong năm 2013, nhiều học sinh ở các trường THPT cũng đã được ban giám hiệu nhà trường tổ chức đến học tập, tham quan ở Bảo tàng Đà Nẵng. Qua một buổi đến với bảo tàng, được tận mắt xem các hiện vật lịch sử cha ông để lại qua các thời kỳ, học sinh Trường THPT Trần Phú còn được tham gia các hoạt động lồng ghép như: Viết bài cảm tưởng; thi tìm hiểu về lịch sử địa phương; thi thuyết trình; tổ chức các hoạt động Đoàn tại bảo tàng… Nhiều học sinh cho hay, khi tự mình khám phá, đọc những lời giới thiệu về các hiện vật, tranh ảnh trực quan sẽ giúp khắc họa kiến thức sâu hơn so với những bài học lý thuyết suông ở lớp.

Là người trực tiếp dẫn học sinh đến Bảo tàng Đà Nẵng tham quan, học tập, ông Võ Xuân Tấn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ nhìn nhận, so với những giờ học lý thuyết trên lớp, giờ học ở Bảo tàng Đà Nẵng khá sinh động, gây hứng thú cho học sinh. Đặc biệt, sau khi tham quan, các thầy cô đặt câu hỏi, học sinh trả lời ngay tại chỗ khá hào hứng, sôi nổi.  Phương pháp giáo dục này buộc học sinh phải làm việc nhiều hơn, phải tự suy nghĩ và có những ý kiến riêng của bản thân.

Nâng cao hiệu quả giáo dục

Cô Lê Thị Bích Thuận, Hiệu phó Trường THPT Trần Phú nhận xét, chính cách làm mới của Bảo tàng Đà Nẵng đã khiến các hoạt động dạy học môn Lịch sử trở nên phong phú, cuốn hút học sinh hơn. Điều này cũng góp phần kích thích tính ham tìm tòi, học tập và nghiên cứu của các em. Và cũng thông qua hoạt động này cho thấy khả năng tiếp thu của học sinh khá tốt, nhiều em có hiểu biết khá tốt về lịch sử hay các vấn đề thời sự biển đảo.

Ông Nguyễn Xuân Tấn cho biết thêm, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ đã 3 lần cho học sinh tham quan, học tập ngoại khóa ở Bảo tàng Đà Nẵng và mang lại hiệu quả giáo dục khá tốt. Trong thời gian đến, nhà trường sẽ tiếp tục đưa học sinh đến đây tham quan, học tập để giúp các em có môi trường học tập sinh động, khơi dậy tình yêu bộ môn Lịch sử trong lòng học sinh, cũng như giúp các em có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua đó giúp các em xây dựng tình yêu quê hương, đất nước, ý thức gìn giữ, trân trọng những gì cha ông để lại.

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT, mục tiêu của chương trình học tập ngoại khóa “Hành trình đến với Bảo tàng-Thành Điện Hải” mà Sở GD-ĐT phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện là hướng đến tất cả học sinh trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho các em có môi trường học tập bổ ích, yêu thích hơn bộ môn Lịch sử, cũng như có những hiểu biết nhất định về các vấn đề chủ quyền biển đảo. Qua hoạt động giáo dục ngoại khóa này, học sinh có điều kiện được tiếp cận các tư liệu, hiện vật lịch sử cha ông để lại qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi cá nhân.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.