.

13 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

.

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến nay cả nước đã có 13 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Hưng Yên.

 Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Các địa phương đã quan tâm quy hoạch đất đai để xây dựng trường mầm non công lập ở các phường nội thành, tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do tăng dân số cơ học nhanh (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh); đầu tư mở rộng đủ diện tích đất cho các trường mầm non (Vĩnh Phúc).

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường mầm non, giao quỹ đất ở các khu đô thị mới, cho thuê đất mở thêm các trường mầm non tư thục như: Đà Nẵng, Quảng Trị, Lâm Đồng, Yên Bái, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Tuyên Quang; thu hẹp các điểm trường lẻ để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên trẻ 5 tuổi học tại các điểm trường chính (Hòa Bình, Hải Dương).

Cũng hơn 3 năm qua, quy mô và tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đều tăng. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp tăng bình quân hằng năm 3%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo đạt 86,5%. Riêng tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày cũng tăng. Trẻ em mẫu giáo thuộc gia đình nghèo, cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được học tại các cơ sở giáo dục mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa, đã góp phần quan trọng thu hút trẻ đến trường và thực hiện phòng chống suy dinh dưỡng; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình Giáo dục mầm non ở các vùng, miền.

Đáng chú ý, nhiều tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với trẻ em, như: Vĩnh Phúc miễn học phí cho trẻ mẫu giáo nông thôn; Khánh Hòa hỗ trợ cho trẻ 5 tuổi khó khăn 220.000 đồng/trẻ/tháng để duy trì ăn trưa tại trường; Bình Dương hỗ trợ ăn trưa và chi phí học tập cho trẻ em xã nghèo theo tiêu chí của tỉnh…

Cuối năm học 2012 - 2013, số phòng học kiên cố hóa của Giáo dục mầm non là trên 89 nghìn phòng, đạt tỷ lệ 55,15%, so với năm học 2010 - 2011 tăng 23.393 phòng. Cũng trong 3 năm qua, cả nước đã có thêm 877 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 3.331 trường (đạt tỷ lệ 24,2%), tăng 5,3% so với năm học 2010 - 2011.

Cả nước đã chuyển 4.592 trường mầm non bán công sang công lập. Riêng trong 3 năm học gần đây, các địa phương đã chuyển 3.914 trường bán công sang công lập. Cùng với quá trình chuyển đổi này cả nước đã có thêm 310 trường mầm non tư thục được thành lập mới, nâng tổng số trường tư thục lên 1.347 trường, đạt tỷ lệ 10,5%.

Cũng nhờ đó, 3 năm qua, tại 35 tỉnh thực hiện chuyển đổi trường bán công sang công lập, đã tuyển dụng vào biên chế 39.677 giáo viên mầm non, trong đó có những tỉnh tuyển dụng số lượng lớn giáo viên vào biên chế như: Thanh Hóa là 8.483, Nghệ An 5.864, Hà Nội 5.835…

Ngân sách chi thường xuyên cho Giáo dục mầm non đã được quan tâm hơn, bình quân chi thường xuyên cho trẻ em mầm non ước đạt 5,5 triệu/trẻ/năm. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã ưu tiên vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, đặc biệt Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới… Nhiều tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho công tác Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.

Theo mục tiêu của Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, cả nước phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.

ĐCSVN

;
.
.
.
.
.