Một chuyện đau lòng xảy ra ngay đúng ngày Valentine - ngày lễ tình nhân 14-2, tại Đà Nẵng: một sinh viên mang dao vào ký túc xá đâm chết bạn gái, sau đó nhảy từ lầu 9 xuống đất tự tử. Qua sự việc đau lòng này mới thấy rằng, vụ án nói trên cũng là một trong những hệ quả của việc xem thường dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Gần đây, đọc trên báo chí, dường như ngày nào cũng có án mạng, trong đó phần lớn hung thủ và nạn nhân đều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên - những thế hệ tương lai của đất nước. Trong số những vụ án mạng liên quan đến lứa tuổi học sinh, sinh viên mấy năm qua, có thể thấy rằng những vụ án liên quan đến mâu thuẫn tình cảm chiếm phần lớn. Riêng ở Đà Nẵng, các vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn tình cảm nam nữ ngày càng tăng và phức tạp. Chỉ trong năm 2013 và đầu năm 2014, ở Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ “tình án” gây chấn động, trong đó có hai vụ dùng xăng đốt chết người yêu vì bị chia tay, và nay là đâm chết người yêu rồi tự tử cũng vì bị chia tay.
Trước những vụ “đốt người yêu”, “giết người yêu”, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau: sao ngày trước người ta thất tình thì làm thơ, viết nhạc, làm nên những tác phẩm để đời nhưng nay bị thất tình là giết người, là đốt người dã man như thế? Suy cho cùng, nguyên nhân chính vẫn là sự bế tắc trong tình yêu, trong ứng xử dẫn đến bế tắc trong cuộc sống và cái kết là gây án. Nhưng, vì đâu dẫn đến sự bế tắc ấy? Đó chính là hệ quả tất yếu của thiếu kỹ năng sống! Hay nói cách khác, họ không được đào tạo cách “thoát thân” khi gặp nguy hiểm, gặp bế tắc.
Không chỉ lớp trẻ hiện nay mới thiếu kỹ năng sống. Người Việt bao đời nay dường như không được đào tạo kỹ năng sống một cách bài bản mà chủ yếu sống theo bản năng của mình. Chỉ có điều khác nhau là trước đây, khi xã hội chưa phát triển, cuộc sống còn nghèo, vì vậy ai cũng “đầu tắc mặt tối” với công việc mới có thể nuôi sống bản thân và gia đình nên không quá nuông chiều bản thân như ngày nay. Nói cách khác, kiểu sống trước đây là “sống cho người khác” nên con người trở nên có trách nhiệm với nhau dù rất thiếu kiến thức về kỹ năng sống. Trong khi đó, hiện nay, khi xã hội phát triển, kinh tế phát triển, đời sống vật chất phong phú khiến con người trở nên sống thiên về hưởng thụ hơn là sống cho người khác. Thế nhưng, chính sự phát triển lại gây ra mặt trái cho xã hội khi những người sống trong xã hội ấy lại thiếu đi kỹ năng... hưởng thụ, trong khi kỹ năng hưởng thụ mới là điều làm nên hạnh phúc chứ không phải vật chất, tiền bạc. Và từ không biết sống cho người khác dẫn đến một bộ phận giới trẻ sống ích kỷ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và sẵn sàng đổ bi kịch lên cuộc sống của người khác.
Trong một xã hội hiện đại, ngoài đòi hỏi con người phải có kiến thức, năng động còn đòi hỏi phải có kỹ năng để thích nghi và ứng phó, tự bảo vệ trước những biến cố của môi trường sống. Vì thế, từ rất lâu, các nước phát triển đã đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong nhà trường. Không những thế, họ còn thông qua phim ảnh, game show... để giáo dục kỹ năng sống cho người dân, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Trong khi đó, ở Việt Nam, dù là thị dân và nông dân, ai ai cũng thiếu kỹ năng một cách nghiêm trọng, trong khi bản năng lại có thừa. Một người nông dân có thừa khả năng tồn tại ở trong rừng, ở dưới nước, hoàn toàn có thể thích nghi với thiên nhiên nhưng lại không có kỹ năng tồn tại ở thị thành nên họ hoàn toàn có thể bị mất mạng khi qua đường hay lên xuống xe buýt. Một thị dân có thể điều khiển xe điêu luyện giữa một rừng người, có thể kiếm sống chốn vũ trường, quán bar đầy hiểm nguy, đâm chém nhưng lại nhiều khi chết khát, chết đói khi chỉ đi lạc vài ngày trong rừng. Qua đó để thấy rằng, những bản năng tồn tại của người nông dân và thị dân nếu được bổ sung cho nhau thì khả năng tồn tại trong xã hội sẽ cao hơn. Bản năng chỉ trở thành kỹ năng khi và chỉ khi nó được đào tạo, trang bị một cách khoa học.
Và, chừng nào chúng ta còn coi thường việc trang bị, giáo dục kỹ năng cho con người khi từ nhỏ thì chúng ta vẫn còn phải tiếp tục chứng kiến những cái chết mà đáng ra không có.
THANH TUYỀN