Sẽ thay ngưỡng tối thiểu vào ĐH là điểm sàn như hiện nay bằng một tiêu chí khác, tổ chức thi ĐH trước sau đó thí sinh mới đăng ký trường học, sáp nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH làm một…
Đó là những ý kiến đóng góp cho dự thảo đổi mới tuyển sinh ĐH năm 2014 mà Bộ GD-ĐT nhận được trong thời gian qua. Tại buổi họp báo sáng 10-2, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ vẫn đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến và chưa có quyết định nào.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ đã nhận được nhiều rất ý kiến đồng tình cũng như băn khoăn về dự thảo quy chế thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Các băn khoăn tập trung vào vấn đề điểm sàn, việc đăng ký chọn trường và vấn đề sáp nhập hai kỳ thi. Cụ thể, về điểm sàn, đa số các ý kiến đề xuất Bộ tiếp tục thực hiện phương án 3 chung vì cho rằng đây là kỳ thi nghiêm túc, nhưng cần cải tiến phương án điểm sàn. “Năm 2013, Bộ đã thay đổi phương án tính điểm sàn là xác định trên cơ sở phổ điểm. Đây cũng là bước cải tiến. Bây giờ, nếu thay điểm sàn đó bằng một tiêu chí nào thì phải đề ra tiêu chí ấy, ví dụ điểm sàn trước đây là 13 điểm, thay vào 13 điểm đó là cái gì để xác định ngưỡng?”, ông Bùi Văn Ga đặt câu hỏi.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT chưa tốt, số lượng tốt nghiệp cao. Vì vậy, việc xác định ngưỡng là cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo ở bậc ĐH, CĐ.
Về việc đăng ký chọn trường, nhiều ý kiến cho rằng việc đăng ký vào các trường trước khi kỳ thi diễn ra dẫn đến nhiều may rủi. Có ý kiến đề xuất Bộ tổ chức thi trước, sau khi có kết quả thí sinh sẽ cân nhắc chọn trường. Nhiều đề xuất Bộ GD-ĐT nên nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH làm một kỳ thi quốc gia; trong đó có những phần thi đơn giản để dùng đánh giá tốt nghiệp và câu hỏi khó hơn để phân loại thí sinh nhằm tuyển vào ĐH, CĐ. Có thể có khoảng 4 bài thi về các mặt logic, văn hóa xã hội, tự nhiên, ngoại ngữ.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết việc Bộ dừng tuyển sinh năm 2014 của 207 ngành đào tạo bậc ĐH là kết quả cuộc rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong năm 2013 của các trường ĐH. Theo ông, đào tạo ĐH khác phổ thông là phải có người đầu tàu để dẫn dắt, một ngành không có một tiến sĩ sẽ rất khó bảo đảm chất lượng, dù tiến sĩ có thể chỉ dạy một vài môn.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng việc kiểm tra rà soát để bảo đảm chất lượng đào tạo là việc thường xuyên phải triển khai. Năm 2010, Bộ đã rà soát đào tạo với bậc tiến sĩ đã dừng đào tạo 58 ngành. Năm 2012, Bộ rà soát đào tạo bậc thạc sĩ và dừng đào tạo 141 ngành. Năm 2013, Bộ rà soát ở bậc ĐH và năm 2014 sẽ tiến hành với bậc CĐ.
Cũng theo ông Tuấn, Bộ sẽ xử lý ngiêm và đây là hành động kiên quyết của Bộ để chấn chỉnh chất lượng đào tạo. Sắp tới, Bộ sẽ yêu cầu các trường công bố công khai danh sách đội ngũ giảng viên để xã hội giám sát. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các trường, Bộ đang triển khai đề án 911 nhằm bồi dưỡng lực lượng giảng viên của các trường ĐH, CĐ trên cả nước.
TTXVN