.
ĐH Đà Nẵng:

Đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh các ngành bị đình chỉ

.

Cuối tháng 1-2014, Bộ GD-ĐT công bố quyết định: dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo bậc ĐH ở 71 cơ sở đào tạo trên cả nước. Trong đó, tại ĐH Đà Nẵng có 4 ngành: Luật kinh tế (ĐH Kinh tế), Ngôn ngữ Thái Lan, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật (Trường ĐH Ngoại ngữ) bị dừng tuyển sinh.

Thí sinh dự thi vào ĐH Đà Nẵng năm 2013.
Thí sinh dự thi vào ĐH Đà Nẵng năm 2013.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng ngày 12-2, PGS, TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết ĐH Đà Nẵng đang giải trình với Bộ GD-ĐT đề nghị tiếp tục tuyển sinh những ngành này trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

* Thưa PGS, TS Đoàn Quang Vinh, ông nhận xét thế nào về quyết định bất ngờ của Bộ GD-ĐT, khi mùa tuyển sinh 2014 cận kề? Và việc đình chỉ này ảnh hưởng thế nào đến công tác tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng?

- Quyết định này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và gây thắc mắc cho học sinh, sinh viên đang có ý định đăng ký dự thi vào các trường thành viên ĐH Đà Nẵng ở 4 ngành nói trên.

Về phía ĐH Đà Nẵng, việc bị đình chỉ 4 ngành tuyển sinh có ảnh hưởng nhất định đến công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với thế mạnh là ĐH vùng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chúng tôi tin chắc rằng các thí sinh đã có ý định đăng ký dự thi vào ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục chọn ĐH Đà Nẵng, vì có rất nhiều ngành nghề khác để lựa chọn đăng ký dự thi.  

* Bộ GD-ĐT có quy định mở là từ nay đến năm 2015, cơ sở đào tạo nào bổ sung đủ đội ngũ giảng viên sẽ được mở ngành trở lại. Vậy ĐH Đà Nẵng dự định tuyển sinh lại những ngành này khi nào?

- Với ngành Ngôn ngữ Nhật, hiện nay chúng tôi có 4 thạc sĩ là giảng viên người Việt Nam, 3 thạc sĩ người Nhật Bản hợp đồng liên tục, cũng đã đủ điều kiện. Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc chúng tôi có 3 thạc sĩ là giảng viên người Việt Nam, 2 thạc sĩ, và 2 GS, TS người Hàn Quốc. Đối với các ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Thái Lan, tuy chưa đủ số lượng giảng viên cơ hữu theo quy định (1 TS và 3 thạc sĩ hoặc 5 thạc sĩ ) nhưng Trường ĐH Ngoại ngữ từ nhiều năm nay đã hợp đồng với các giảng viên người Hàn, Thái để tham gia giảng dạy. Cụ thể: ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc có 5 GS, TS và 1 thạc sĩ người Hàn Quốc được biệt phái giảng dạy tại Trường ĐH Ngoại ngữ; ngành Ngôn ngữ Thái Lan có 2 thạc sĩ người Thái đang giảng dạy hợp đồng. Bên cạnh đó, ĐH Đà Nẵng cũng đã chủ động cử giảng viên đi học thạc sĩ, TS đúng ngành đào tạo. Đến năm 2015 sẽ có 2 TS ngành Ngôn ngữ Nhật, 1 TS ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc.

Với đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên người nước ngoài đang giảng dạy cho các ngành ngôn ngữ, ĐH Đà Nẵng đang đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét để cho phép ĐH Đà Nẵng được tiếp tục đào tạo các ngành nêu trên.

Còn đối với ngành Luật kinh tế, hiện tại ĐH Đà Nẵng đã đủ giảng viên cơ hữu (1 TS Luật kinh tế và 4 thạc sĩ Luật kinh tế) để có thể tiếp tục đào tạo. Nếu cộng thêm ngành Luật (có 1 TS, 4 thạc sĩ) là ngành có chuyên môn rất gần Luật kinh tế thì ngành Luật kinh tế đã hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo.

Như đã nói ở trên, hiện nay chúng tôi đã bảo đảm số giảng viên có học vị đúng theo quy định đối với ngành Luật kinh tế, ngành Ngôn ngữ Nhật đến cuối năm 2014 sẽ có thêm TS và thạc sĩ. Và hiện nay ĐH Đà Nẵng đang giải trình cụ thể hơn các điều kiện liên quan đến 4 ngành bị đình chỉ nói trên để Bộ GD-ĐT xem xét cho phép tiếp tục tuyển sinh trong năm 2014.

* Với những sinh viên đang theo học những ngành trên (nghĩa là học với đội ngũ giảng viên có trình độ chưa đủ chuẩn theo quy định), ĐH Đà Nẵng có giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi của người học?

- ĐH Đà Nẵng tiếp tục duy trì các lớp học đã tuyển sinh theo thông báo của Bộ GD-ĐT. Và ĐH Đà Nẵng đã đề ra một số giải pháp để bảo đảm chất lượng như: tăng cường số lượng, thời lượng giảng dạy hợp đồng với các giảng viên người bản ngữ (Nhật, Hàn, Thái). Tiếp tục cử đi đào tạo trình độ TS, thạc sĩ đối với các ngành ngôn ngữ Nhật, Hàn, Thái và xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ bền vững. Mời thỉnh giảng các giảng viên trình độ TS các ngành ngôn ngữ Nhật, Hàn, Thái của các trường trong nước tham gia giảng dạy trong những năm trước mắt.

NGỌC ĐOAN thực hiện

;
.
.
.
.
.