“Ở những nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu, các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ.” Đây là một trong những nội dung trong công văn về việc Tổ chức cho trẻ làm quan với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các sở trực thuộc ngày 18-3-2014.
Cũng theo công văn này, các trường chỉ được cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động làm quen với ngoại ngữ của trẻ. Giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non. Nội dung và tài liệu thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải được sở giáo dục và đào tạo thẩm định và cho phép thực hiện.
Việc tổ chức thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh…, tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới đồng thời không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, việc huy động trẻ ra lớp và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
Các sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện một số cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo cho thấy có không ít cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ nhưng người dạy chưa đảm bảo về trình độ ngoại ngữ hoặc chưa có nghiệp vụ sư phạm; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ; nội dung tài liệu chưa phù hợp với độ tuổi, gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Trước đó, ngày 18-2-2104, Bộ đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyệt đối không tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ trong trường mầm non. Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến đồng tình và cũng có ý kiến cho rằng nên để các trường có đủ điều kiện tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ.
Sự thay đổi trong quyết định của Bộ chỉ trong vòng một tháng một mặt cho thấy Bộ đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản hồi của dư luận xã hội, nhưng mặt khác cũng cho thấy Bộ đã thiếu nghiên cứu, cân nhắc một cách cẩn trọng khi ban hành các văn bản.
Vietnam+