.

Dạy thêm, học thêm: Chỉ quản lý chứ không cấm

.

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của học sinh nên chỉ quản chứ không cấm, quản để hoạt động này đi vào nền nếp, bảo đảm công bằng, đúng quy định.

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 13 của UBND thành phố về quản lý dạy thêm, học thêm do UBND thành phố tổ chức chiều 27-3.

Một điểm dạy thêm cho học sinh tiểu học ở địa bàn quận Hải Châu mà trước đây Báo Đà Nẵng từng phản ánh.                                                                           Ảnh: NGỌC ĐOAN
Một điểm dạy thêm cho học sinh tiểu học ở địa bàn quận Hải Châu mà trước đây Báo Đà Nẵng từng phản ánh. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Có nên cho Trung tâm lưu trú dạy văn hóa?

Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, tại nhiều trường tiểu học, nhất là những trường ở khu vực trung tâm, học sinh chỉ được học 1 buổi/ngày thì cha mẹ nhờ giáo viên chủ nhiệm lớp hợp đồng với một cơ sở lưu trú đã được Phòng GD-ĐT cấp phép đưa đón về tại cơ sở đó để quản lý, giảng dạy kỹ năng sống. Riêng ở quận Hải Châu có đến 50% số học sinh không được học buổi thứ 2 ở trường mà phải đến các cơ sở lưu trú.

Theo ông Mai Phương Linh, Phó Chánh thanh tra Sở GD-ĐT, việc này tạo ra nhiều hệ lụy. “Các em đến các cơ sở lưu trú vừa phải mất chi phí cao hơn nhưng chủ yếu là chơi chứ không được học văn hóa như các em được học 2 buổi ở trường. Buổi tối, nhiều phụ huynh lại phải kèm thêm cho các em hoặc nhờ gia sư kèm nên các em không được nghỉ ngơi”, ông Linh nói.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thừa, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng, nên cho phép các Trung tâm lưu trú dạy văn hóa. “Nên chăng chúng ta có thể cho các Trung tâm lưu trú dạy văn hóa như tại các trường có dạy 2 buổi/ngày để các em bảo đảm được việc học văn hóa”, bà Thừa nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT, không nên cho các cơ sở này dạy văn hóa vì chưa chắc đã đủ điều kiện. Hơn nữa, khi Đà Nẵng thực hiện bảo đảm 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày vào năm 2016 thì không cần đến các Trung tâm lưu trú này nữa. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, phải cân nhắc thật kỹ vấn đề này nhưng với tinh thần chung là giảm nhẹ áp lực học tập cho học sinh. Thời gian qua, thành phố cũng đã có quy định cấm học sinh học trái tuyến để giảm tải học sinh đổ xô vào học các trường trọng điểm tại các quận trung tâm như: Hải Châu, Thanh Khê.

Hiệu trưởng khó “quản” dạy thêm, học thêm

Ông Nguyễn Quang Hưng, Hiệu phó Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết, đơn vị đã thành lập Ban quản lý dạy thêm, học thêm luôn nhắc nhở giáo viên về vấn đề này tại nhiều cuộc họp. “Tuy nhiên, vì không được tham gia vào quá trình kiểm tra, chúng tôi chủ yếu chỉ động viên tuyên truyền là chính, chứ không thể kiểm tra, nắm bắt được các hoạt động dạy thêm, học thêm của giáo viên trường mình nên rất khó quản”, ông Hưng nói.

Sau khi nghe các ý kiến trên, ông Lê Trung Chinh cho biết, thời gian đến sẽ cụ thể hơn vai trò của hiệu trưởng trong việc tham gia các hoạt động kiểm tra, thanh tra. Tuy nhiên, theo ông Chinh, không ít hiệu trưởng vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề quản lý việc dạy thêm, học thêm cũng được Sở GD-ĐT đưa ra như: lực lượng thanh tra còn mỏng nên chưa thể kiểm tra, kiểm soát hết các cơ sở dạy thêm chưa được cấp phép, cơ sở dạy thêm còn mượn người đứng tên nên gây khó khăn cho việc quản lý. “Hoạt động dạy thêm, học thêm thường diễn ra ngoài giờ hành chính nên kiểm tra rất khó bởi các cơ sở tìm cách đối phó, xử lý ở điểm này thì tiếp tục manh nha hoặc vi phạm ở điểm khác”, ông Chinh cho biết. Ngoài ra, theo ông Chinh, hiện chưa có quy định cụ thể về quản lý, rèn luyện kỹ năng học tập văn hóa, giáo dục kỹ năng sống và nhân cách, dạy tiếng Anh và các môn năng khiếu cho học sinh tiểu học theo nhu cầu của cha mẹ học sinh nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý.

“Dạy thêm là nhu cầu thực tế nên chúng ta không cấm mà chỉ quản lý để đảm bảo công bằng, đúng quy định, đi vào nền nếp. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, kiểm tra phải khéo léo, không làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín người thầy”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Hiện Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng đã cấp phép cho 85 cơ sở, 77 cá nhân ngoài nhà trường và 14 cơ sở, 568 cá nhân trong nhà trường về dạy thêm. Phòng GD-ĐT quận, huyện cấp cho 65 cơ sở kể cả quản lý lưu trú học sinh tiểu học, 236 cá nhân ngoài nhà trường và 39 cơ sở, 257 cá nhân trong nhà trường dạy thêm. Đến nay, Sở đã phạt hành chính đối với 6 cơ sở, phạt tiền 5 cơ sở và phạt cảnh cáo 1 cơ sở, phạt tiền và đình chỉ hoạt động đối với 14 cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.