ĐNĐT - Việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm là nhu cầu rất lớn của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấm dạy thêm ngoại ngữ trong trường mầm non thì các trung tâm ngoại ngữ vẫn nhận dạy trẻ nhỏ môn học này, đưa đến thực trạng “trong cấm, ngoài thả”.
Trẻ sớm được tiếp xúc và giỏi ngoại ngữ là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh. Ảnh: Internet |
Đổ xô cho con học ngoại ngữ sớm
Ngoại ngữ là một trong những môn học quan trọng và bắt buộc trong chương trình giáo dục cũng như là công cụ giao tiếp cần thiết cho sự nghiệp sau này. Vì thế, với mỗi phụ huynh, việc đầu tư cho con học ngoại ngữ càng trở nên cấp thiết với tâm lý “học ngoại ngữ càng sớm càng tốt”.
Tại Đà Nẵng, hiện có hàng trăm trung tâm ngoại ngữ quảng cáo việc dạy ngoại ngữ sớm cho trẻ (nhất là tiếng Anh) sẽ hiệu quả, mang lại kết quả nhanh…, khiến nhiều phụ huynh đau đầu không biết có nên cho con trẻ tiếp xúc ngoại ngữ sớm hay không và nếu học phải chọn trung tâm nào.
Chị H.T.H.L có con 3 tuổi đang học mẫu giáo tại một trường thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, sau 1 ngày con đi học về, chị thuê gia sư tiếng Anh… tiếp tục kèm thêm cho bé. Chị cho biết: “Tôi xem ti vi người ta nói trẻ nhỏ có thể học ngoại ngữ một cách dễ dàng. Trau dồi ngôn ngữ sớm không những giúp các em thông thạo ngoại ngữ mà còn có lợi cho sự phát triển bộ não về mọi mặt”. Kết quả, con của chị giỏi tiếng Anh thế nào chưa biết mà ông bà ngoại bé đau đầu, than phiền: “Thằng nhỏ mới 3 tuổi, tiếng Việt nói chưa sõi mà nó (mẹ bé-PV) bắt học thêm tiếng Anh. Giờ thằng nhỏ cứ nói ngọng líu ngọng lịu, nhiều lúc cháu nói mà tôi không hiểu nó nói ngôn ngữ gì nữa”.
Tâm lý trẻ nhỏ “hấp thụ” ngoại ngữ nhanh tồn tại trong suy nghĩ của rất nhiều bậc phụ huynh. Chị N.T.Q.P (trú đường Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà) băn khoăn vì con chị 4 tuổi rồi mà chưa học ngoại ngữ, trong khi con bạn bè chị (ở lứa tuổi mầm non từ 3 tuổi trở lên) đều đã đi học thêm ngoại ngữ vào thứ 7, Chủ nhật. “Tôi không biết có nên cho con học tiếng Anh sớm hay không vì bé còn nhỏ, học ở trường mầm non cả ngày rồi, nhồi nhét cháu quá, tôi lo bé sẽ sợ học. Mà thấy người ta cho con đi học ầm ầm mình cũng băn khuăn, có khi sắp tới chắc mình sẽ đăng ký cho con học 1 tuần 2 buổi tại trung tâm ngoại ngữ uy tín nào đấy”, chị N.T.Q.P nói.
Trong khi Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong trường mầm non, thì bên ngoài, các trung tâm ngoại ngữ vẫn thường xuyên chiêu sinh những đối tượng "nhí" này để dạy ngoại ngữ. Các trung tâm ngoại ngữ như: Trung tâm Anh văn thiếu nhi Fisher’s SuperKids, Học viện Anh ngữ AMA, Trung tâm Anh ngữ Equest, Trung tâm ngoại ngữ Apollo… đều có chương trình dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non từ 4-6 tuổi. Trên trang web chính thức của các trung tâm này có lời giới thiệu về việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm. Điển hình là lời giới thiệu của Trung tâm Anh văn thiếu nhi Fisher’s SuperKids: “Tiếng Anh Mầm non (4-6 tuổi). Đây là tuổi lý tưởng nhất để các em bắt đầu học tiếng Anh vì các em có thể đạt được chất giọng (accent) hay nhất, phát âm và ngữ điệu tốt, giao tiếp tự nhiên và dung nạp từ vựng tốt nhất. Lớp học ở độ tuổi này luôn sôi động như một cuộc chơi, vui tươi và đầy tiếng cười”.
“Quản lý chặt các trung tâm dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non”
Ngoài các trung tâm ngoại ngữ, tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các trường mầm non chất lượng cao, học sinh nhí của các trường này đều được tiếp xúc với tiếng Anh, tuy không nhiều. Chị N.T.V.N có con 3 tuổi học trường mầm non Bé Hạnh Phúc, cho biết: “Tôi không biết chương trình học cụ thể của bé nhưng bé nhà tôi có thể nói được các loại trái cây bằng tiếng Anh. Theo bé kể thì cô bày như vậy”.
Trả lời về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, cho biết: Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo và hướng dẫn các trường mầm non tổ chức cho trẻ mầm non năm tuổi làm quen tiếng Anh nếu có đủ các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thực hiện theo các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Sở và các Phòng GD&ĐT. Đây là việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, không phải là tổ chức dưới hình thức dạy thêm có thu thêm tiền của phụ huynh học sinh nên được cho phép.
Còn về các trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, bà Huỳnh Thị Tam Thanh khẳng định, Sở GD&ĐT vẫn tiếp tục quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ theo Quy chế hiện hành của Bộ GD&ĐT và các quy định về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố. “Thực ra, các trung tâm ngoại ngữ được tổ chức giảng dạy theo nhu cầu người học. Chương trình đào tạo do trung tâm xây dựng phù hợp với người học và sự phát triển của địa phương, không trái với các quy định của Bộ GD&ĐT. Tất nhiên là tất cả giáo trình, tài liệu giáo dục phải tuân theo quy định của Bộ GD&ĐT”, bà Thanh nói.
Ngày 18-22014, Bộ GD&ĐT có công văn số 694/BGDĐT-GDMN về việc chấn chỉnh việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc một số hoạt động sau: - Hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ theo từng độ tuổi. - Quản lý chặt chẽ việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm, dạy học trước chương trình. - Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng. - Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm, về quản lý, thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non. |
Quỳnh Trang