Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn từ lâu đã khẳng định được vị thế, tầm vóc của một trường chuyên. Đây là cái nôi của nhiều thành tích như: 20 giải Olympic quốc tế, 100% học sinh đỗ vào các trường đại học, nhiều học sinh giành được học bổng vào các trường đại học nổi tiếng trên thế giới.
Thành tích đạt được này có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiều kinh nghiệm, trình độ cao và tâm huyết với nghề, những người không đơn thuần “dạy học” mà là “dạy cách học”.
Học sinh hào hứng trong giờ Giáo dục công dân của cô Nguyễn Thị Huyến. |
Để có được đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ, tâm huyết này, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã không ngừng đổi mới công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Giám hiệu, tăng cường trách nhiệm cá nhân, phát huy và giao quyền chủ động nhiều hơn cho tổ chuyên môn, phát huy dân chủ cơ sở, tranh thủ ý kiến đóng góp có tính xây dựng của cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, trường còn thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; có kế hoạch đưa giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng; luôn vận động, khuyến khích giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng truyền thụ…
Theo cô Lê Thị Châu, Phó Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn, các thầy, cô không chỉ là người có khả năng phân tích đáng ngưỡng mộ mà còn có khả năng truyền thụ, giúp học sinh không cảm thấy khô khan. Thầy, cô không chỉ truyền thụ câu chữ trong sách vở, không chỉ dạy diễn biến, công thức mà còn phân tích cái hay trong diễn biến, nguyên nhân, ý nghĩa của công thức. Chính nhờ những cái “hay” này nên hầu hết các học sinh đều cảm thấy hứng thú với việc học, từ đó thúc đẩy hoạt động tự học, sáng tạo, chủ động trong quá trình lĩnh hội kiến thức.
Đặc biệt, thầy và trò nhà trường luôn có thái độ tôn trọng như nhau với tất cả các bộ môn kể cả những môn được xem là “khô khan” như Lịch sử hay Giáo dục công dân với mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện của học sinh. Thầy, cô không chỉ sát cánh cùng các em trong học tập mà còn tận tình chỉ bảo cả cách đối nhân xử thế, cách hoàn thiện kỹ năng mềm, phát huy tính sáng tạo… từ đó giúp các em thêm vững vàng khi bước ra khoảng trời rộng lớn ngoài trường học.
Nêu lên những suy nghĩ về thầy cô, bạn Trần Hoàng Hạnh, cựu học sinh chuyên Sử của Trường Lê Quý Đôn chia sẻ: “Những ngày đầu bước chân vào trường, dù được chọn để học Sử nhưng em và các bạn trong lớp luôn cảm thấy hoang mang, mơ hồ về bộ môn được xem là “đi sau thời đại” này”. Bộ môn Lịch sử với những trang sách khô khan ban đầu đã khiến chúng em mệt mỏi, áp lực và muốn từ bỏ. Tuy nhiên, các thầy, cô đã bằng tình yêu nghề, bằng kỹ năng sư phạm và sự nhẫn nại đã giúp chúng em khám phá ra tình yêu sử, tình yêu xuất phát từ lòng tự hào to lớn và sự ngưỡng mộ dành cho quá khứ gian lao mà hào hùng.
Nhờ cách dạy sáng tạo với các nguồn tư liệu phong phú như những thước phim, tài liệu lịch sử ngoài sách giáo khoa, các thầy, cô đã giúp chúng em - những người học trò luôn kính cẩn nhìn về lịch sử - nghiệm ra rằng, phải phân tích, so sánh để thực sự hiểu nguyên nhân, phải biết đặt câu hỏi “vì sao” chứ không đơn thuần là học thuộc lòng. Việc học thuộc làu sách giáo khoa nhưng nếu thiếu đi sự truyền thụ của thầy, cô chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là chìa khóa để hiểu và yêu lịch sử”.
Nhờ đó, Trần Hoàng Hạnh đã đoạt giải nhì và giải ba quốc gia môn Lịch sử năm 2010, 2011 và là thủ khoa Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh năm 2011. Với thành tích xuất sắc này, Hạnh vinh dự nhận được học bổng toàn phần du học tại Úc. Hạnh luôn khẳng định, chính môi trường của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, giúp Hạnh có được những thành công như hôm nay.
Những câu chuyện, những lời tri ân được chia sẻ trên mạng xã hội “Hội những người không ngừng hâm mộ thầy, cô Lê Quý Đôn” có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng cũng như là món quà ý nghĩa mà học sinh các thế hệ gửi đến những thầy, cô tâm huyết, sáng tạo, luôn hết mình với sự nghiệp “dạy cách học” của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Bài và ảnh: MAI TRANG