.

Thi tốt nghiệp THPT: Ít học sinh chọn Sử, Địa

.

ĐNĐT - Mặc dù chưa tới thời điểm các trường THPT cho học sinh (HS) đăng ký chính thức môn thi tốt nghiệp (TN) năm 2014 song qua thăm dò ý kiến, rất ít HS chọn môn Lịch sử, Địa lý làm môn thi TN tự chọn.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng).
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng).

HS "né" môn Sử, Địa

Ông Trần Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) cho biết, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể lượng HS sẽ đăng ký chọn thi TN môn Sử, Địa, song do đa số HS của trường chọn thi đại học (ĐH) khối A, D nên hai môn này có khả năng sẽ không thu hút các em đăng ký. Theo ông Quang, năm nay, trường có hơn 1.500 HS dự thi TN nhưng qua thăm dò, số HS chọn thi các môn khối C là rất thấp.

“Các em không chọn môn Sử để thi TN không có nghĩa là HS học yếu hay "ghét" môn Sử, bởi qua những lần dự giờ, khảo sát, chúng tôi nhận thấy HS vẫn rất yêu quý môn này. Các em có thể không lựa chọn môn Sử vì muốn chọn môn thi TN trùng với môn thi ĐH. Như ở trường chúng tôi, HS chọn thi khối C các năm đều rất ít, nay 2 môn này lại trở thành môn thi tự chọn thì số lượng HS đăng ký sẽ còn ít hơn là điều đương nhiên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chú trọng giảng dạy đầy đủ và sẽ tổ chức ôn thi bình thường cho các em”, ông Quang cho hay.

Ông Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) cũng cho rằng, khi HS được chọn môn thi TN thì xu hướng của các em là chọn “một công đôi việc”, tức là chọn những môn vừa thi TN, vừa thi ĐH. Việc chọn theo hướng đó sẽ thuận lợi hơn, giúp các em có thêm nhiều thời gian để ôn tập.

“Chỉ có một số em HS thi ĐH khối C mới chọn thi Sử, Địa; song số này thường rất ít nên việc HS đăng ký thi môn Sử, Địa có khả năng "èo uột" là điều dễ hiểu”, ông Tánh nói và cho hay, trường năm nay có gần 580 HS thi TN thì qua khảo sát, chỉ có khoảng 13 HS đăng ký thi Sử và 58 HS chọn thi môn Địa. Riêng môn Vật lý được các em HS chọn nhiều nhất, sau đó đến môn Anh văn.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu), số HS đăng ký thi Sử, Địa có "nhỉnh" hơn, nhưng cũng chỉ có 15 em đăng ký thi Sử, 169 em chọn thi Địa. Ông Lê Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sở dĩ môn Địa của khối C nhưng được các em theo khối tự nhiên chọn nhiều là vì trong đề thi môn Địa có phần số liệu, tính toán..., tức là nghiêng về ban tự nhiên nhiều hơn.

Còn theo thầy Hoàng Văn Khánh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Phan Châu Trinh, mỗi năm học, thầy thường tư vấn cho khoảng 10 em HS thi khối C nhưng năm nay mới nhận được đề nghị của một nhóm HS khoảng 4-5 em nhờ tư vấn cách học và làm bài thi môn Sử. Dù vậy, cũng chưa biết chắc chắn là các em có đăng ký thi TN môn này hay không. “Đa số HS của trường đều chọn thi ĐH khối A và D nên khi chọn môn thi TN, các em sẽ chọn môn phù hợp với khối thi ĐH. Việc có ít HS chọn thi Sử là tất nhiên”.

Nguyên nhân do đâu?

Thầy Khánh cho rằng, đặc điểm của 2 môn Sử, Địa là có nhiều chi tiết nhỏ, khó nhớ nên thường làm cho HS “sợ”. Tuy nhiên, trong thực tế, 2 môn học này cũng không đến mức quá khó.

“Tôi thấy phần đông các em trong trường tôi có thế mạnh ở các môn tự nhiên thì việc tiếp thu môn xã hội như Sử, Địa là rất tốt. Bằng chứng là điểm thi và học lực bình quân của các em ở môn Sử tôi dạy trên lớp đều khá. Thế nhưng, khi bảo các em chọn làm môn thi TN thì các em ít chọn vì sẽ bất lợi”, vị giáo già đã hơn 30 năm kinh nghiệm trong giảng dạy môn Lịch sử này nói và cho biết, ngay cả những em HS trong đội tuyển thi HS giỏi môn Sử của thành phố, học rất tốt, rất đam mê nhưng các em vẫn chọn thi khối A chứ không chọn khối C.

Còn theo ông Tánh, tâm lý của số đông HS hiện nay đều sợ học Sử vì ngại chương trình môn này nặng nề, nhiều số liệu, sự kiện ngày, tháng phải ghi nhớ. Giữa hai môn thi tự luận có thời gian thi tương đương là môn Sử và Địa, HS cũng sẽ nghiêng về môn Địa hơn vì không phải học thuộc nhiều và môn Địa lại có thể sử dụng atlat nên dễ đạt được điểm trung bình hơn. Do đó, một số em thi khối D có thể chọn thi Địa chứ không thi Sử.

Em Trần Thị Minh Khánh, HS lớp 12/7 Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng, kiến thức và đề thi môn Sử lâu nay về cơ bản vẫn là trình bày lại diễn biến sự kiện, trong đó yêu cầu thí sinh phải nhớ chi tiết, như vậy là quá nhiều. Trong khi với mỗi HS, các em còn phải sắp xếp thời gian để học tốt được cả 13 môn nên không có thời gian đầu tư cho môn này. Khánh cho biết, em dự định sẽ thi khối A1 (Toán - Lý - Anh văn) vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay nên ngoài 2 môn thi TN bắt buộc là Toán và Ngữ văn, thì Vật lý là môn tất nhiên em sẽ chọn.

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, hiện chưa có con số thống kê chính xác về số lượng HS lựa chọn môn thi, khối thi liên quan tới môn Sử, Địa, nhưng qua tham khảo ở một số trường THPT trên địa bàn thành phố, số này có thể sẽ rất thấp. Ngay từ khi đầu vào lớp 10 các em đã xác định xu hướng chung đi theo các ngành kinh tế hoặc tự nhiên nên lựa chọn những khối thi liên quan, do đó số HS theo ban khoa học xã hội-nhân văn rất ít.

"Kể cả khi rớt ĐH thì các em thi CĐ. Nhưng hầu hết các trường CĐ đều tuyển khối A, một số tuyển khối B, còn tuyển khối C lại hầu như rất ít. Thi năng khiếu thì không đủ khả năng. Còn hệ trung cấp thì cũng hầu hết tuyển khối A nên việc có quá ít HS chọn thi TN THPT môn Sử, Địa là dễ hiểu”, ông Chinh nói.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh
 

;
.
.
.
.
.