Con được hay không được học ngoại ngữ ngay ở lứa tuổi mầm non vẫn là vấn đề bàn cãi chưa có hồi kết. Với mẹ cũng vậy, từ hồi con chưa biết nói cho đến lúc con đã vào mẫu giáo, mẹ cứ loay hoay với câu hỏi liệu có nên cho con tiếp cận ngoại ngữ sớm trong bối cảnh này.
Thời gian đâu có chờ đợi, vì con mỗi ngày một lớn và chẳng mấy chốc lại qua mất giai đoạn mầm non, nên mẹ buộc phải đưa ra quyết định. Nhưng mọi thứ đâu có dễ dàng.
Một lần dự hội thảo về tầm quan trọng của việc cho trẻ học ngoại ngữ trong giai đoạn từ 0-5 tuổi, mẹ được nghe những chuyên gia uy tín phân tích về sự phát triển hệ thần kinh của trẻ ở độ tuổi này và đây được xem là “giai đoạn vàng” của đời người trong việc học cái mới, nhất là ngôn ngữ mới. Mẹ nhận ra việc học ngoại ngữ là cần thiết và thật sự quan trọng đối với trẻ. Có hôm tình cờ đưa con đi ăn vỉa hè, mẹ nghe ở bàn bên có ba mẹ con ngồi ríu ra ríu rít đố nhau bằng tiếng Anh thật thú vị. Người mẹ gặp vật gì, cái gì cũng thử tài hai cu cậu bé nhỏ của mình bằng cách gọi tên tiếng Anh hoặc hỏi lại nhau bằng tiếng Anh. Mọi thứ diễn ra tự nhiên và vui vẻ. Không ngạc nhiên khi hai em bé này dù chưa vào tiểu học nhưng có thể nhớ và diễn tả trôi chảy không ít từ. Mẹ muốn con cũng có được điều đó, đến với tiếng Anh một cách tự nhiên và hào hứng rồi giỏi lúc nào không hay biết.
Nhưng không phải ai cũng đủ trình độ dạy con ê a tiếng Anh như người mẹ kia, bởi vùng tiếp nhận kiến thức của con như trang giấy trắng, nếu mẹ “viết” lên đó cách phát âm sai, nhấn trọng âm sai thì dấu vết này thật khó xóa, thậm chí hại nhiều hơn lợi. Nhiều lần nghe nhà hàng xóm dạy con cái học tiếng Anh mà mẹ thật sự ái ngại. Ông bố nói tiếng Anh nghe như tiếng Việt rồi buộc con đọc theo ra rả. Có lẽ, điều người bố này hướng tới là con họ biết được bao nhiêu từ mới, không quan trọng cái chúng ta biết có chuẩn xác về mặt từ vựng hay không. Thấy vậy nên mẹ càng rút lui ý định tự dạy con học tiếng Anh, mà phải trông chờ vào trường mẫu giáo và các nơi dạy ngoại ngữ cho trẻ.
Nhưng sự trông chờ thật nhiều hoang mang khi ngay cả ngành giáo dục, đơn vị cầm trịch trong việc này, cũng còn bối rối. Mẹ thấy nhiều phụ huynh đặt niềm tin vào những nơi tổ chức dạy ngoại ngữ có giáo viên bản ngữ, bởi họ nghĩ hơn ai hết, người dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ sẽ có cách đọc chuẩn. Điều này không sai, nhưng rất nhiều lúc không đúng. Mẹ từng học qua các trung tâm có người nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Một nơi tự dưng “bốc hơi” khi khóa học chưa kết thúc, một nơi có những “vị thầy” chẳng khác Tây ba lô ghé vào dạy học qua đường, nghĩa là họ chẳng có cái gì khác ngoài “mác” Tây. Thế nên, nếu biết nơi con học có giáo viên bản xứ, mẹ cũng không thật sự lấy đó làm hào hứng.
Cái mà mỗi người mẹ mong muốn là con được học tiếng Anh hiệu quả và nhẹ nhàng. Nghĩa là không chỉ học như chơi cho vui, đúng sai không thành vấn đề để rồi chẳng “viết” được cái gì đáng giá trong giai đoạn này. Càng không phải học nhồi nhét để đến mức bị áp lực với tiếng Anh. Làm sao con học được điều hay, làm nền tảng cho sự phát triển của việc học ngoại ngữ sau này là điều rất đáng quan tâm. Đặc biệt, sự học khiến con cảm thấy vui thích mới thật khó.
Đến nay, việc học tiếng Anh cho lứa tuổi mẫu giáo vẫn còn là hoạt động thí điểm. Như vậy, ít nhất một hoặc vài năm nữa chúng ta mới chốt vấn đề dạy và học tiếng Anh trong trường mầm non. Cả con và mẹ đều phải đợi xem nên làm như thế nào là tốt nhất. Chỉ tiếc, đến lúc chúng ta biết sáng tỏ mình cần học hay không học thì con đã là…tốt nghiệp mầm non. Trong độ tuổi được đánh giá là giai đoạn vàng về sự phát triển trí thông minh thì các con cứ phải đợi vì bao nhiêu sự loay hoay của người lớn. Thật là tiếc!
HƯỚNG DƯƠNG