.
ĐĂNG KÝ MÔN THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2014

Đìu hiu môn Lịch sử (!)

.

Qua khảo sát tại nhiều trường THPT cho thấy, học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 các môn thuộc khối A, khối B, D chiếm tỷ lệ khá cao. Trong khi đó, môn Sử khối C rơi vào cảnh đìu hiu, học sinh không mấy mặn mà.

Học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT môn Sử ở nhiều trường THPT tỷ lệ rất thấp, có trường chỉ 15 em. TRONG ẢNH: Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT môn Sử ở nhiều trường THPT tỷ lệ rất thấp, có trường chỉ 15 em. TRONG ẢNH: Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Một trường chỉ có 15 học sinh thi môn Sử

Chiều 1-4, ông Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, trường có 998 học sinh lớp 12 dự thi. Ngoài hai môn Toán và Văn bắt buộc, nhà trường đã cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn để có kế hoạch ôn tập cho các em. Theo danh sách học sinh đăng ký cho thấy, hai môn Lý và Hóa chiếm ưu thế, đều có tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi là 56%; môn Sinh 16%; môn Ngoại ngữ 52%; môn Địa 15%. Riêng môn Sử chỉ có 0,15% (15 học sinh) đăng ký dự thi.

Ở Trường THPT Thái Phiên, kỳ thi năm nay cũng có 1.012 học sinh dự thi và tỷ lệ học sinh đăng ký môn dự thi cho thấy các môn tự nhiên khá cao, trong khi đó môn Sử chỉ có 3,45% trên tổng số 1.012 học sinh. Một lãnh đạo nhà trường cho biết, đa số các em học sinh chọn môn thi tốt nghiệp trùng với khối thi ĐH sau này để tiện trong việc ôn tập bài vở. Trước khi đăng ký môn thi, nhà trường yêu cầu học sinh cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng không ngờ kết quả học sinh chọn môn Sử thấp đến vậy.

Theo ông Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, kỳ thi tốt nghiệp năm nay trường có 441 học sinh dự thi. Qua khảo sát, tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi môn tự nhiên khá cao, trong khi đó môn Sử chỉ có 31 học sinh đăng ký. “Tâm lý học sinh muốn đăng ký các môn thi trắc nghiệm để dễ làm bài. Còn môn Sử, Địa học sinh phải học bài, số liệu nhiều nên khó nhớ, khó thuộc. Đó là chưa kể bài thi môn Sử theo hình thức tự luận, khó “ăn điểm” nên học sinh ngại, các em không chọn dự thi thì cũng dễ hiểu thôi”, ông Hảo nói thêm. Ở nhiều trường THPT khác, cũng chung tình trạng có quá ít học sinh đăng ký thi môn Sử. Ngày 2-4, Ban giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền cho biết, trong tổng số 438 học sinh của trường đăng ký dự thi tốt nghiệp, phần lớn các em chọn môn Hóa và Lý. Trong khi đó, môn Sử chỉ có 36 học sinh đăng ký mà thôi.

Trò chuyện với chúng tôi sáng 2-4, một nhóm gần 10 học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú cho biết, hầu hết các em thi ĐH khối A, B, nên không mắc chi phải đăng ký thi tốt nghiệp môn Sử. Và hầu hết các em chọn môn Hóa, Lý, Sinh để thuận lợi cho việc ôn tập thi ĐH sau này. “Môn Sử khô khan, nhiều số liệu em không thích thú lắm. Vì vậy em chọn thi ĐH khối A, chứ học khối C sau này khó xin việc làm”, Ch., một nữ học sinh trường này, tâm sự.

Học sinh chán khối C

Trước thực trạng đáng buồn là học sinh “lơ” môn Sử, ông Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết là do nhiều học sinh không dự thi ĐH khối C nên các em không chọn dự thi tốt nghiệp môn Sử. Kế đến là khả năng học bài và làm bài tự luận yếu nên các em ngại chọn môn Sử. Ông Lê Vinh nói thêm, cả trường có 15 học sinh chọn môn Sử dự thi tốt nghiệp, cũng đồng nghĩa 15 em này dự thi ĐH khối C.

Đồng với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, cho rằng vì môn Sử ra đề theo hình thức tự luận, nhiều sự kiện, số liệu nên học sinh khó nhớ, khó học. Mà đã bị coi là khó, thì không dại gì các em chọn thi, bởi khó đạt điểm cao như những môn khác. Ngoài nguyên nhân này, ông Phương cũng nhìn nhận, do cánh cửa vào ĐH, xin việc làm sau này của học sinh khối C hẹp hơn những khối khác, nên tâm lý cả phụ huynh lẫn học sinh ngại chọn khối này.

Trao đổi với chúng tôi sáng 2-4, ông Huỳnh Tấn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT, cho biết tỷ lệ học sinh chọn thi môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 khá thấp so với các môn khối tự nhiên. Về tình trạng học sinh ngán các môn khối C, ông Phúc lý giải có nhiều nguyên nhân như chương trình sách giáo khoa còn nặng, số liệu nhiều, cánh cửa việc làm của học sinh tốt nghiệp ĐH khối C hẹp hơn so với khối thi khác... nên học sinh không mặn mà.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.