Đó là khẳng định của ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, trong cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng xung quanh tình trạng học sinh Đà Nẵng nói riêng, học sinh cả nước nói chung đăng ký môn Sử thấp đến báo động trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Thí sinh làm bài thi môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: PHƯƠNG CHI |
Ông Thiện nói: Tôi nghĩ không riêng gì cá nhân tôi, những nhà Sử học, giáo viên bộ môn Sử và nhiều người dân trong xã hội rất đau xót trước thực tế ngày càng có nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh phổ thông xa rời, không mặn mà với bộ môn Lịch sử ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Môn Sử góp phần hình thành nhân cách học sinh
* Môn Sử ở trường phổ thông có vai trò như thế nào, thưa ông?
- Trong giáo dục phổ thông, các môn xã hội nói chung, môn Sử nói riêng có vai trò rất quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực, tư duy của con người. Sinh thời, Bác Hồ từng dạy “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nếu ở nhà trường, học sinh được giáo dục tốt, hiểu biết về lịch sử dân tộc sẽ biết quý trọng những gì cha ông đã gầy dựng nên. Qua đó hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, trách nhiệm công dân của các em sau này với đất nước.
* Theo ông, tại sao môn Sử không hấp dẫn học sinh?
- Tôi nghĩ không phải môn Sử không có sức hấp dẫn học sinh, cũng không phải do học sinh quay lưng mà là do cách dạy môn Sử ở trường phổ thông hiện nay. Chương trình học nặng kiến thức, sự kiện, số liệu dày đặc, buộc học sinh phải học thuộc lòng. Trong khi đó, giáo viên lên lớp không đủ thời gian để lồng ghép các hình ảnh minh họa hay chiếu những thước phim tư liệu gắn với những sự kiện lịch sử, nhân vật… minh họa cho bài học, mà chỉ dạy chay một cách khô khan thiếu hấp dẫn, lôi cuốn nên học sinh cảm thấy nhàm chán.
* Số liệu thống kê kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỷ lệ học sinh trên cả nước đăng ký dự thi môn Sử rất thấp. Riêng tại Đà Nẵng, khoảng 4,5% trên tổng số 10.748 học sinh đăng ký môn Sử. Ông có nhận xét gì về tình trạng này?
- Đây là hệ quả tất yếu của cách dạy học khô khan, chương trình sách giáo khoa quá tải, dày đặc sự kiện, số liệu khó nhớ, khó thuộc. Tâm lý học sinh muốn chọn những môn học gọn nhẹ, dễ hệ thống kiến thức để thi cho khỏe nên các em không chọn môn Sử cũng là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ, việc Bộ GD-ĐT cải cách thi cử để giảm áp lực cho học sinh là cần thiết. Nhưng sau khi Bộ GD-ĐT chủ trương thi hai môn Toán và Văn bắt buộc, còn học sinh tự chọn hai môn thi khác cho đủ 4 môn thi, thì tôi không ngạc nhiên trước tình trạng học sinh “né” không chọn môn Sử. Bởi những năm qua, trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và tốt nghiệp THPT tỷ lệ học sinh đạt điểm kém môn Sử khá nhiều, cho thấy các em lười học Sử, chán học Sử. Mặt khác, những năm qua, không chỉ môn Sử, các môn xã hội nói chung bị hạ thấp, bị coi là môn phụ. Theo cá nhân tôi, trong chương trình thi cử phải có những môn bắt buộc, không nên vắng môn Sử.
Cải cách chương trình, thay đổi cách dạy học
* Vậy theo ông, làm cách nào để “thổi” tình yêu môn Sử vào học sinh?
- Tôi nghĩ trước hết, trong chương trình sách giáo khoa môn Sử cần cải cách mạnh mẽ, lượt bỏ bớt đi những nội dung không cần thiết, dành thời gian lồng ghép những tiết học ngoại khóa giúp học sinh có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu những di tích lịch sử, chiến trường xưa… để giờ học sinh động, hấp dẫn. Tạo điều kiện cho học sinh được thường xuyên đến với bảo tàng, di tích lịch sử, chiến trường xưa để các em khám phá, tìm hiểu một cách sinh động. Bên cạnh đó, người thầy phải thật sự tâm huyết, đổi mới phương pháp dạy học sinh động, tạo được cảm hứng, lôi cuốn học sinh. Dạy Sử không chỉ đơn thuần là đọc chép, hay chỉ chuyển tải nội dung một cách khô khan, đơn điệu, bởi điều ấy sẽ dễ làm người học nhàm chán.
Quan trọng hơn, đề thi môn Sử phải ra theo hướng mở, kích thích tư duy của học sinh chứ không nên ra theo kiểu học thuộc lòng khiến học sinh ngại học bài.
* Thực tế trong những năm gần đây, học sinh thi ĐH, CĐ đa số chọn khối tự nhiên chứ không chọn khối khoa học xã hội (khối C), bởi cho rằng học khối C sẽ khó kiếm việc làm, lương thấp… Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Phải thừa nhận rằng, tình trạng không có việc làm với những sinh viên tốt nghiệp khối C cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên ít đăng ký dự thi. Thực tế những năm gần đây, nhiều sinh viên tốt nghiệp khối C ra trường khó xin việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp cũng là vấn đề nan giải trong xã hội. Còn một bộ phận sinh viên tốt nghiệp khối C, chẳng hạn như những ngành Sư phạm Văn, Sử, Địa… may mắn được tuyển dụng đi dạy thì lương cũng chỉ ba cọc, ba đồng không đủ sống (giáo viên mới ra trường lương khoảng 2,5 triệu/tháng). Trong khi đó, một kỹ sư tốt nghiệp khối A, khối B đi làm cho công ty Nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài thì lương lại cao gấp đôi so với giáo viên, nên học sinh đổ xô vào khối tự nhiên cũng là điều dễ hiểu.
Tình trạng một bộ phận khá lớn học sinh không mặn mà với khối C, trong đó có môn Sử cũng xuất phát từ sự mất cân đối trong thị trường lao động. Theo tôi nghĩ, các cấp chính quyền, bộ, ngành cần sớm giải quyết sự mất cân đối trong thị trường lao động, cũng như có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho những người tốt nghiệp khối khoa học xã hội, đặc biệt là đối với giáo viên.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Tôi cảm thấy hụt hẫng Cô Trần Thị Hoa, Tổ trưởng tổ Sử Trường THPT Ngô Quyền đã nói như vậy với chúng tôi trong cuộc trao đổi sáng 11-5, chung quanh tình trạng học sinh ngày càng xa rời môn Sử. Theo cô Hoa, vốn lâu nay học sinh phổ thông đã không thích học môn Sử, nay Bộ GD-ĐT cho phép học sinh tự lựa chọn môn thi đã tạo cơ hội tốt cho các em xa rời môn Sử là điều dễ hiểu. “Là một giáo viên dạy Sử, tôi rất trăn trở trước thực trạng ngày càng có nhiều học sinh xa rời, hay không hiểu biết về lịch sử, những giá trị truyền thống trong quá trình đấu tranh giữ nước của cha ông”, cô Hoa buồn bã nói. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh xa rời, không thích học sử, cô Hoa cho rằng, một mặt do chương trình sách giáo khoa quá tải, dày đặc con số, sự kiện khó nhớ, khó thuộc. Mặt khác, các em bị tác động bởi các yếu tố xã hội, nhiều người xem môn Sử là môn phụ. Sinh viên tốt nghiệp khối khoa học xã hội ra trường khó có việc làm... Giáo viên Sử ít được thăm di tích lịch sử Cô Đinh Thị Dương, Tổ trưởng tổ Sử Trường THPT Phạm Phú Thứ cho rằng, nguyên nhân học sinh ít đăng ký môn Sử là do các khối tự nhiên học sinh có nhiều trường, nhiều ngành để thi, trong khi đó khối C thi được ít trường ĐH nên học sinh ngại. Đó là chưa kể, sau khi sinh viên khối C ra trường khó xin việc làm, lương thấp nên đa số phụ huynh lựa chọn cho con em mình chọn khối tự nhiên để có tương lai, nghề nghiệp thuận lợi hơn. Có phải chương trình dạy học nặng nề, giáo viên chưa tâm huyết trong quá trình giảng dạy môn Sử? Trả lời câu hỏi này, cô Dương thừa nhận chương trình dạy học nặng về nội dung, giáo viên lên lớp chủ yếu chỉ tái hiện các sự kiện lịch sử để học sinh nhận biết qua biểu đồ, sự kiện chứ không có điều kiện cho các em tham quan thực tế các di tích lịch sử, chiến trường xưa… Nghĩa là những giờ học lịch sử chỉ được tái hiện qua sách vở mà thôi. “Ngay cả giáo viên dạy bộ môn Sử còn ít có điều kiện được thăm các chiến trường xưa, di tích lịch sử ghi dấu những trận đánh của cha ông qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ hay gặp gỡ các cựu chiến binh để nghe kể về những trận đánh hào hùng của dân tộc thì làm sao mà truyền đạt bài học sinh động cho các em”, cô Dương bộc bạch. |
NGỌC ĐOAN thực hiện