.

Nan giải trong đào tạo học sinh sau THCS

.

ĐNĐT - Sau lớp 9 (hết THCS), một bộ phận học sinh được "phân luồng" để tham gia chương trình hoàn thiện văn hóa phổ thông, đào tạo nghề trong 3 năm tại các trường CĐ, TCCN, trường dạy nghề. Mô hình "phân luồng học sinh sau THCS" này không chỉ giảm chi phí, thời gian đào tạo mà còn đáp ứng được nguồn lao động cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc thực hiện kế hoạch, lộ trình “phân luồng” vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Một giờ học lý thuyết của học sinh trường Cao đẳng Phương Đông.
Một giờ học lý thuyết của học sinh trường Cao đẳng Phương Đông.

Đối tượng tuyển sinh ngày càng “co” lại

Việc tuyển sinh đối tượng học sinh đã tốt nghiệp THCS vào hệ trung cấp để vừa học tiếp văn hóa, vừa học nghề là một chủ trương đúng của Bộ GD&ĐT nhưng so với những năm đầu, hiện tại, việc tuyển sinh đối tượng này trở nên khó khăn hơn đối với các trường CĐ, TCCN.

Tại Đà Nẵng, chủ trương này được áp dụng từ sớm. Khoảng trước năm 2007, đa số các trường CĐ, TCCN đều có hệ đào tạo này. Nhưng thời điểm này, chỉ còn trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng và Cao đẳng Phương Đông là tiếp tục duy trì với số lượng tuyển sinh mỗi năm mỗi ít.

Cụ thể, tại trường Cao đẳng Phương Đông, từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm trường tuyển được 80 em vào hệ này. Số lượng cao nhất vào năm 2010 là 186 em, đến năm 2013 chỉ còn 25 em nhưng trường vẫn cố gắng mở lớp. Tại trường Cao đẳng Nghề (trường duy nhất khá thành công với hệ đào tạo này tại Đà Nẵng), từ năm 2009 đến nay, mỗi năm tuyển sinh được hơn 200 em, năm 2011 cao nhất với 350 em, đến năm 2013 thì lùi xuống 176 em.

Việc tuyển sinh đầu vào với đối tượng này đã khó, việc tốt nghiệp còn gian nan hơn. Ông Hồ Viết Hà, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Nghề, cho biết: “Đa số những em vào học hệ này đều mất căn bản kiến thức trầm trọng nên việc giúp các em duy trì việc học đến cùng để tốt nghiệp là nỗ lực rất lớn của bản thân các em và nhà trường. Mỗi năm ở trường tôi, hệ đào tạo này tốt nghiệp được 70%, 30% các em còn lại bỏ nửa chừng khi theo học văn hóa được một thời gian”.

Tình trạng tốt nghiệp “lèo tèo” này cũng diễn ra tại Cao đẳng Phương Đông. Ông Lê Ngọc Nguyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng đào tạo của trường than phiền: “Đối với đối tượng này, mỗi khóa tốt nghiệp được 50% đã là quý lắm rồi”.

Nguyên do vì đâu?

Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Sở GD&ĐT thành phố nhận định, nguyên nhân của tình trạng “tắc” phân luồng là do hằng năm, các trường THPT tuyển sinh học sinh vào lớp 10 với số lượng lớn, trên 90%, nên không còn học sinh đi học TCCN. Hơn nữa, tâm lý chung của nhiều phụ huynh là dù biết học lực con em mình yếu nhưng vẫn không muốn cho con vào học nghề, mà vẫn mong muốn con học ôn để thi lại năm sau, “đường cùng” lắm mới vào TCCN hoặc trường nghề. Ngoài tâm lý phụ huynh, nhiều học sinh cũng còn mang nặng quan điểm nếu không thi đậu vào THPT chính quy sẽ đi học bổ túc THPT để còn có cơ hội thi ĐH, CĐ chứ nhất quyết không vào trường nghề.

Cùng nhận định với ông Dũng, ông Lê Ngọc Nguyên, cho biết khối lượng kiến thức văn hóa ở các trường CĐ, TCCN dành cho hệ tuyển sinh sau THCS chỉ ở dạng kiến thức bổ sung, gồm 6 môn học: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Anh và do các trường tự điều chỉnh giáo trình dạy, không theo chương trình chính quy của Bộ GD&ĐT nên đối tượng này không thể thi tốt nghiệp THPT để rồi thi CĐ hay ĐH. Vì vậy, đa phần học sinh “lưỡng lự” trước khi nộp hồ sơ vào học.

Điều quan trọng nhất khiến hệ tuyển sinh này ngày càng èo uột hoặc “vào nhiều ra ít” là do năng lực học của đối tượng này. Hầu hết các em thi rớt lớp 10 vào THPT có học lực trung bình hoặc yếu nên mới đăng ký vào TCCN để vừa học nghề, vừa có bằng THPT. Và các trường CĐ, TCCN đều đưa chương trình văn hóa vào dạy trước (1 năm) rồi sau đó, tùy theo năng lực của học sinh để hướng nghiệp, theo học các nghề dịch vụ hay kinh tế, kỹ thuật. “Điều đáng buồn là do các em mất căn bản quá trầm trọng nên khi vào đây, phải học văn hóa tiếp nên các em tiếp thu không nổi, hoặc nản chí mà bỏ học. Đa phần các em bỏ học nửa chừng đều ở giai đoạn học văn hóa 1 năm. Còn những em đã cố gắng học xong văn hóa 1 năm thì sẽ tiếp tục học nghề để lấy bằng”, ông Nguyên nói.

Giải bài toán khó

Để việc phân luồng học sinh đạt hiệu quả, không chỉ ngành Giáo dục nỗ lực mà các ban, ngành, đoàn thể khác cũng phải vào cuộc. Cần xác định TCCN, dạy nghề là con đường thứ hai được mở ra cho học sinh, vì thế phải có nhiều chính sách phù hợp với đối tượng này.

“Đầu tiên phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp để học sinh nhận thức được tầm quan trọng của công tác phân luồng. Cần chú trọng các tiết hướng nghiệp để học sinh tự xác định trình độ của mình phù hợp với nghề nào nếu không theo học tiếp THPT. Mặt khác, trước mỗi kỳ tuyển sinh vào THPT, nhà trường cần tư vấn cụ thể để các em nhận rõ lực học của mình, không nên làm hồ sơ theo trào lưu. Các trường THCS cần làm tốt công tác đó. Mặt khác, để phụ huynh có thể tin tưởng trao con em mình, các  trường nghề nên công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp sau này”, ông Nguyễn Viết Dũng nói.

Ông Dũng thừa nhận, việc giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường hiện nay còn yếu. Doanh nghiệp đòi hỏi người dự tuyển lao động phải tốt nghiệp THPT... cũng là trở ngại cho công tác phân luồng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, hệ đào tạo này trong tương lai sẽ được chú trọng phát triển tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế địa phương thông qua các giải pháp như: giao chỉ tiêu cho các trường CĐ, TCCN nâng tỉ lệ tuyển sinh học sinh THCS; thu hẹp tuyển sinh đối tượng THPT; tiếp tục đa dạng hóa các loại hình học tập, ngành nghề nhằm hấp dẫn đối tượng này theo học.

Về phía các trường CĐ, TCCN, ông Lê Ngọc Nguyên cho biết, sắp tới trường Cao đẳng Phương Đông sẽ phối hợp với TTGDTX trên địa bàn thành phố để họ đảm nhận việc dạy văn hóa cho học sinh sau THCS và dạy theo chương trình bổ túc THPT để các em ở hệ này vẫn có thể thi tốt nghiệp THPT và cao hơn là CĐ, ĐH. Còn tại trường Cao đẳng Phương Đông chỉ đảm nhiệm phần dạy nghề. “Việc phối hợp như vậy sẽ khiến hệ đào tạo này hiệu quả hơn. Các em sau THCS vừa có thể được đảm bảo về kiến thức THPT, vừa có một nghề chắc chắn trong tay”.

Thêm vào đó, theo ý kiến của những người làm giáo dục, ngành Giáo dục cần đầu tư hơn nữa cho các trường nghề, các trung tâm dạy nghề; nâng cao chất lượng của hệ đào tạo này. Hiện tại, trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng có nhiều chính sách tốt cho đối tượng này như các em sau THCS có hộ khẩu Đà Nẵng sẽ được miễn giảm 50% học phí; những đối tượng đang theo học nếu vì một lý do nào đó mà bỏ học nửa chừng, sau này muốn đi học lại, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ; khi nộp hồ sơ vào trường nếu sau một thời gian nhận thấy ngành nghề không phù hợp có thể làm đơn xin chuyển ngành…

Với sự hỗ trợ của Sở GD&ĐT và quyết tâm của các trường nghề, trong tương lai, hệ đào tạo này nếu được vận hành tốt sẽ đáp ứng được một số lượng lao động không nhỏ cho xã hội.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.