.

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 diễn ra trong các ngày 2, 3 và 4-6. Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức cho học sinh thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Văn và Toán, ngoài ra thí sinh đăng ký 2 môn tự chọn.

Ông Lê Trung Chinh
Ông Lê Trung Chinh

Xung quanh công tác chuẩn bị cho kỳ thi, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết:

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án và giải pháp mang tính khả thi cao để chuẩn bị tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Đối với việc thay đổi số môn thi từ 6 môn còn 4 môn, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, thực hiện nghiêm túc quy chế thi; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tổ chức tư vấn học sinh chọn các môn thi phù hợp với năng lực của từng học sinh; tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền, thông báo các nội dung phụ huynh cần biết.

Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, lập phương án chuẩn bị, bố trí các hội đồng thi bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, điều kiện an toàn để tổ chức tốt kỳ thi. Đến thời điểm hiện nay, Sở GD-ĐT đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

* Trong quá trình tổ chức ôn tập, nhiều trường THPT có ý kiến việc học sinh đăng ký môn tự chọn có môn thì quá nhiều, môn quá ít nên ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức ôn thi. Tình trạng này có ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi?

- Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc tổ chức ôn tập cho học sinh. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc quản lý học sinh tự học ở nhà, quan tâm đến sức khỏe của các em, để các em có điều kiện ôn tập tốt nhất. Đồng thời chú trọng bồi dưỡng học sinh học lực yếu, giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản, chuẩn bị tâm thế để bước vào kỳ thi. Vì thế, việc chênh lệch số lượng học sinh đăng ký các môn thi tốt nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.

* Kỳ thi năm nay, thí sinh cả nước chọn đăng ký môn Sử rất thấp. Dư luận xã hội cho rằng, do chương trình môn Sử quá tải, giáo viên chưa “truyền lửa” đủ để cho học sinh yêu thích bộ môn này. Ông có nhận xét gì về hiện tượng trên?

- Việc học sinh đăng ký thi môn Lịch sử thấp không hoàn toàn vì các em không yêu thích môn học này, mà việc đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn cùng hướng với các môn thi ĐH ở khối thi mà các em đăng ký là điều tất yếu. Thực tế, nếu học sinh không đỗ vào các trường ĐH, các em sẽ đăng ký dự thi các trường CĐ, TCCN, nhưng những trường này chủ yếu tuyển sinh các khối A, A1, B, D. Vì thế, học sinh cũng phải lựa chọn, đầu tư, ôn tập các môn ở khối này để vừa thi tốt nghiệp, vừa thi ĐH, CĐ, TCCN...

* Chương trình giáo dục phổ thông giữ vai trò giáo dục toàn diện đối với học sinh. Thế nhưng, tình trạng học sinh chỉ thiên về các môn tự nhiên, ít yêu thích các môn khoa học xã hội, nhất là môn Sử. Vậy ngành GD-ĐT thành phố có giải pháp nào để giải quyết thực trạng đáng lo ngại này?

- Trong những năm qua, ngành GD-ĐT thành phố luôn chú trọng công tác đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt lưu ý việc tạo hứng thú, lôi cuốn người học các môn xã hội. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã có những sáng kiến hay trong công tác giảng dạy. Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều hoạt động để đa dạng hóa phương pháp dạy học, làm giờ dạy mang tính thực tế nhiều hơn như: tổ chức cho đội ngũ giáo viên lịch sử tham quan các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng để có thực tế, thêm nguồn cảm hứng trong từng giờ dạy; phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng triển khai chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng - Thành Điện Hải”, tổ chức các giờ dạy Lịch sử tại Bảo tàng…

Các trường học cũng đã linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức giảng dạy, tăng cường các hoạt động ngoại khóa để nâng cao chất lượng dạy học các bộ môn xã hội như Hành trình về nguồn, hội trại Hướng về biển đảo quê hương, chương trình Em yêu lịch sử Việt Nam…

* Những năm gần đây, Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao trong cả nước. Theo ông, liệu năm nay, kết quả tốt nghiệp của học sinh có khả quan như những năm trước?

- Đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất là quyết tâm chung của toàn xã hội, đặc biệt là đối với ngành GD-ĐT, phụ huynh và từng cá nhân học sinh. Vì thế, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục thường xuyên - kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong các năm qua, không ngừng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công tác tư vấn, ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, chuẩn bị tâm thế để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với quyết tâm đạt kết quả cao nhất.

* Học sinh cần lưu ý những gì trong kỳ thi này, thưa ông?

- Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi, học sinh cần đặc biệt lưu ý tập trung ôn tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và nội dung giảm tải chương trình. Nội dung ôn tập chủ yếu trong chương trình lớp 12, chú ý học tập ở mức độ nhận thức thông hiểu và vận dụng kiến thức. Trong đó, chú ý những đổi mới trong đề thi ở môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ. Nắm vững, nhớ kỹ lịch thi, thời gian thi, đặc biệt là các môn thi tự chọn. Kết hợp tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

Cần sắp xếp thời gian biểu ôn tập các môn thi hợp lý, linh hoạt. Tài liệu ôn tập tốt nhất là sách giáo khoa. Chú ý chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong các ngày trước và trong khi diễn ra kỳ thi. Đồng thời, các em cần nắm vững quy chế thi, chuẩn bị tâm lý thoải mái, không căng thẳng và một tâm thế thật tốt để bước vào kỳ thi.

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC ĐOAN thực hiện

;
.
.
.
.
.