.

Thất nghiệp nhưng ngại học nghề

.

ĐNĐT - Ngoài trợ cấp thất nghiệp, những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được các trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy nhiên, đa số người lao động (NLĐ) mới chỉ quan tâm đến khoản trợ cấp thất nghiệp mà không mấy mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề.

Ngại học nghề

Sau khi làm xong thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Trung tâm Giới thiệu việc làm, chị L.T.T.H (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) được cán bộ tư vấn phương án học nghề nhưng chị H đã từ chối.

Chị cho biết, chị đã tốt nghiệp đại học, xác định nghề nghiệp rồi nên giờ chỉ muốn lấy đủ tiền BHTN, chờ cơ hội tìm việc khác phù hợp hơn. Bây giờ, nhiều người có bằng đại học ra trường còn khó xin việc nói gì đến những lớp học ngắn hạn vài ba tháng.

Tương tự, dù chưa có việc mới trong thời gian chờ việc nhưng anh V.Đ.C (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cũng không muốn học nghề mới. Anh cho hay: “Thông thường, để học thành thạo một nghề có thể kiếm việc được phải mất ít nhất 12 tháng, chưa kể học xong còn phải cạnh tranh với các học viên chính quy của các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Vì vậy, những khóa học ngắn hạn như hiện nay rất khó để chuyển nghề”.

Nhiều lao động có xu hướng chọn nghề linh hoạt hơn
Nhiều lao động dù thất nghiệp nhưng vẫn không mặn mà với việc học nghề.

Theo thạc sĩ Nguyễn Pháo, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố Đà Nẵng, nguyên nhân khiến người lao động chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề là do đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn nên khi bị mất việc, tiền trợ cấp thất nghiệp giúp họ trang trải một phần khó khăn của cuộc sống. Vì vậy, tâm lý chung là dành thời gian kiếm sống bằng các công việc khác để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến việc học nghề. Mặt khác, một số công ty ở các khu công nghiệp khi tuyển dụng chủ yếu là tuyển lao động phổ thông nên NLĐ có thể kiếm được việc làm mới ngay sau khi mất việc mà không cần học nghề khác.

Cần có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp

Theo Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên 3 triệu đồng/khoá học. Cụ thể, người tham gia các khoá học nghề đến 3 tháng được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khoá học; đối với người tham gia các khoá học nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tuỳ theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.

Tham gia học nghề, người NLĐ sẽ được trang bị các kiến thức về nghề nghiệp, hỗ trợ nâng cao tay nghề, qua đó giúp NLĐ sớm tái hoà nhập lại thị trường lao động. Tuy nhiên, theo số liệu từ Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố Đà Nẵng, năm 2013, thành phố có 8.649 người thất nghiệp có quyết định hưởng BHTN hằng tháng nhưng chỉ có 10 người đăng ký hỗ trợ học nghề. Trong quý 1 đầu năm 2014, thành phố có 2.468 người thất nghiệp đã nộp hồ sơ hưởng BHTN, trong đó có 168 người đăng ký hỗ trợ học nghề, chủ yếu tập trung ở các ngành nghề như lái xe, chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, pha chế.

Là một trong số ít những người đăng ký hỗ trợ học nghề, trước kia, chị Trần Thị Kiều Nhung (quận Liên Chiểu) là công nhân của một công ty dệt may, sau khi làm BHTN, chị đã chọn học nghề vẽ móng tại Trung tâm dạy nghề thẩm mỹ Ý My. Chị thấy nghề này rất thiết thực do làm đẹp là nhu cầu không thể thiếu, học xong có thể làm ra tiền ngay nên chị tâm sự sẽ cố gắng học thật tốt để chuyển sang làm nghề này, sớm ổn định cuộc sống.

Nấu ăn, pha chế là một trong những nghề
Nấu ăn, pha chế được nhiều người lao động đăng ký hỗ trợ học nghề.

Chị Đỗ Thị Diệu Hoa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thẩm mỹ Ý My cho biết, mỗi khóa học tại trung tâm của chị khoảng 5 triệu đồng, các học viên được hỗ trợ học nghề 3 triệu/khóa, số tiền còn lại trung tâm tài trợ luôn cho các bạn. Tuy nhiên, trong số 41 người đăng ký học nghề chăm sóc sắc đẹp, chỉ có hơn 10 người đến học tại trung tâm. “Do thời gian của các em không cố định, lại chia ca để học nên rất vất vả cho các thầy cô ở trung tâm. Tuy nhiên, chỉ cần các em chăm chỉ học để có thể làm được nghề là tốt rồi”. Chị Diệu Hoa nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Pháo cho rằng, xu hướng chọn học nghề của người lao động hiện nay linh động hơn, chủ yếu là các nghề dịch vụ như lái xe, chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, pha chế. Với hướng chọn nghề mở như hiện nay, người lao động cũng chủ động hơn trong công việc, nếu không xin đi làm thì có thể tự tạo công việc cho mình như học lái xe thì tự lái xe ở nhà, học làm đẹp thì tự mở cửa hàng...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lao động thất nghiệp chọn học nghề chưa nhiều. Do đó, cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm trong việc đào tạo nghề nhằm giúp người lao động có định hướng đúng, theo học những nghề có khả năng xin được việc làm cao, sớm có cơ hội quay lại thị trường lao động.

Bài, ảnh: Thu Hà

;
.
.
.
.
.