Ngày 7-5, Sở GD-ĐT cho biết, kết thúc thời hạn đăng ký môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT năm 2014, học sinh không điều chỉnh môn thi nhiều so với kết quả thăm dò trước đó. Đáng lưu ý, môn Sử vẫn có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất. Trong khi đó, các môn khối tự nhiên lại chiếm tỷ lệ khá cao.
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Trường THPT Phan Châu Trinh có 1.562 học sinh dự thi, nhưng chỉ có hơn 10 học sinh đăng ký môn Sử. Trong ảnh: Học sinh nhà trường trò chuyện trong lúc chuẩn bị làm lễ chào cờ đầu tuần. |
Đây là một hiện tượng đáng buồn cho thấy thí sinh đến với khối khoa học xã hội ngày càng ít đi, học sinh không mặn mà với bộ môn Sử.
Thấy mà buồn!
Ông Phan Minh Anh Tuấn, Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT, cho biết ngoài hai môn thi bắt buộc là Toán và Văn, thống kê sơ bộ cho thấy tỷ lệ thí sinh đăng ký môn thi tự chọn ở khối khoa học tự nhiên chiếm khá cao. Cụ thể, trong tổng số 10.748 thí sinh THPT dự thi, thí sinh đăng ký môn Lý đông nhất với 6.274 em, kế đến là môn Hóa với 6.015 em, 3.320 em đăng ký môn Ngoại ngữ… Đáng chú ý, môn Sử có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất chỉ với 484 học sinh (4,5%).
Ở khối trường THPT công lập, Trường THPT Ông Ích Khiêm có số lượng thí sinh đăng ký môn Sử cao nhất là 48 học sinh trên tổng số 587 học sinh dự thi. Còn những trường có học sinh đông nhất thành phố, nhưng tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn Sử thấp như: Trường THPT Phan Châu Trinh có 1.562 học sinh dự thi, nhưng chỉ có 14 em đăng ký môn Sử; Trường THPT Thái Phiên có 1.006 học sinh dự thi, chỉ có 34 học sinh chọn thi Sử; Trường THPT Trần Phú có 996 học sinh dự thi, có 15 học sinh đăng ký môn Sử.
Cũng theo ông Phan Minh Anh Tuấn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chỉ thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán và Văn, còn lại học sinh tự chọn thêm hai môn thi theo sở thích, năng lực của mình. Vì vậy, thí sinh chọn môn thi nào có lợi cho quá trình ôn tập thi tốt nghiệp, cũng như khối thi ĐH của mình.
Trước thông tin tỷ lệ học sinh Đà Nẵng nói riêng và học sinh cả nước nói chung chọn thi môn Sử thấp, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại chiều 7-5, thầy Phạm Được - giáo viên dạy môn Sử Trường THPT Ngũ Hành Sơn, nói rằng cảm thấy rất buồn trước tình trạng này, bởi học sinh ngày càng xa rời môn Sử. Theo thầy Được, chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện vẫn nặng nề, số liệu, sự kiện dày đặc. Đề thi ra theo hướng tái hiện nên buộc học sinh phải nhớ rõ nhiều sự kiện, số liệu dẫn đến các em ngán vì phải học thuộc lòng. “Là giáo viên dạy Sử, tôi mong rằng Bộ GD-ĐT cần sớm có giải pháp cải cách chương trình SGK theo hướng nhẹ nhàng, giúp học sinh dễ học dễ nhớ, qua đó giúp các em ngày càng yêu thích bộ môn này hơn”, thầy Được nói thêm.
Chương trình học nặng nề
Hiệu trưởng của một trường THPT cũng nhìn nhận, nguyên nhân khiến học sinh ít mặn mà với môn Sử phần lớn do chương trình SGK còn quá nặng nề về lý thuyết, số liệu, sự kiện… Trong mỗi tiết dạy, giáo viên chỉ đủ thời gian để chuyển tải bài học đến học sinh nên nội dung khô khan. Dù giáo viên muốn tiết học hay hơn, sinh động hơn thông qua việc kể các mẩu chuyện, giới thiệu hình ảnh minh họa thì cũng không đủ thời gian. Bên cạnh đó, tình trạng những năm gần đây, học sinh học khối khoa học xã hội ra trường ít có việc làm cũng là yếu tố khiến các em “né” khối C (Văn, Sử, Địa).
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Chánh văn phòng Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, những năm gần đây, học sinh không thích môn Sử là thực trạng phổ biến và có thể kéo dài trong cả thời gian tới. Qua các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, bài thi môn Sử của thí sinh đạt dưới điểm trung bình khá nhiều, cho thấy năng lực, sự yêu thích bộ môn này ngày càng ít. Đây là thực trạng rất đáng buồn, rất đáng lo ngại. “Tôi nghĩ không phải môn Sử không đủ hấp dẫn với người học. Nguyên nhân do cách dạy, chương trình và SGK nặng kiến thức, số liệu, sự kiện dày đặc như hiện nay thì học sinh chán Sử là tất yếu. Thái độ không thích môn Sử cho thấy học sinh ít nhiều bày tỏ sự không đồng tình với nội dung và phương pháp dạy hiện nay. Khi nào chương trình SGK được cải tiến mạnh mẽ; nhà trường, giáo viên chủ động thay đổi cách dạy theo hướng sinh động, lôi cuốn hơn nữa may ra mới “thổi” vào học sinh sự hứng thú, yêu thích bộ môn Sử”, ông Thiện nói thêm.
Cùng quan điểm trên, trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây, GS, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ phát triển Sử học Việt Nam, cho rằng trong giáo dục phổ thông, các môn xã hội rất quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực, tư duy của con người. “Bây giờ, học sinh bỏ môn Sử thì hệ quả thế nào, học sinh lớn lên không biết lịch sử dân tộc, công dân Việt Nam mù mờ về lịch sử đất nước. Việc học sinh chán môn Sử không phải do môn Sử không hấp dẫn, cũng không phải do học sinh quay lưng mà hoàn toàn do cách dạy môn Sử ở trường phổ thông hiện nay. Chương trình nặng kiến thức, sự kiện, trí nhớ như thế thì với tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống thì rõ ràng các em không chấp nhận được. SGK toàn sự kiện, thừa mà lại thiếu nhiều cái quan trọng, thiếu sức hấp dẫn. Nói chung, chương trình dạy môn Sử, SGK như thế, dạy như thế, tôi nghĩ học sinh chán học Sử là tất yếu”, GS Phan Huy Lê nói.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI