Gần 3 năm qua, Trường ĐH Đông Á phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức Catholic Relief Services triển khai dự án đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) miễn phí dành cho người khuyết tật ở khu vực miền Trung.
Giáo viên ân cần hướng dẫn, chỉ vẽ cho học viên lớp khuyết tật. |
Đến nay, 130 người khuyết tật đã được thụ hưởng dự án, trong đó nhiều học viên ra trường có việc làm và ổn định cuộc sống.
Tận tình dạy dỗ
Một ngày giữa tháng 5 này, chúng tôi đến thăm lớp đào tạo CNTT dành cho người khuyết tật ở Trường ĐH Đông Á. Đây là lớp học đặc biệt, bởi học viên từ 18-35 tuổi, có điểm chung là bị khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể, có người bị câm điếc, người bị dị tật tay chân, động kinh...
Thầy Nguyễn Quốc Vương, giảng viên khoa CNTT Trường ĐH Đông Á, một trong những giáo viên dạy lớp khuyết tật, chia sẻ: So với những sinh viên bình thường, việc giảng dạy cho học viên khuyết tật gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại, bởi các em hạn chế trong việc tiếp thu lý thuyết, thực hành. Người dạy phải chịu khó, phải thật sự thương yêu người học mới giúp họ lĩnh hội được kiến thức.
Để giúp đỡ học viên, trong quá trình giảng bài, thầy Vương đưa ra một sản phẩm (phần mềm) làm ví dụ trước, phân tích cái nào làm trước, cái nào làm sau. “Có khi tôi giảng đi giảng lại nhiều lần nhưng nhiều học viên cứ lắc đầu tỏ vẻ không hiểu. Những lúc như vậy thấy buồn, nhưng sau đó vẫn phải giảng lại cho đến khi nào học viên hiểu mới thôi”, thầy Vương cho biết.
Nguyễn Ngọc Châu (26 tuổi, trú quận Cẩm Lệ), bị khuyết tật vận động, hiện là học viên lớp đồ họa tâm sự: “Trong những ngày học ở đây, thấy các thầy cô quan tâm, tận tình chỉ bảo từng li từng tí, em cảm động lắm. Em mong muốn sau này ra trường sẽ có một công việc ổn định để tự lo cho mình”.
Thầy Lê Công Đạo, giảng viên phụ trách lớp, cũng cho biết thêm, đầu vào của học viên lớp khuyết tật không đều, do mỗi người bị dị tật mỗi kiểu khác nhau. Khi lên lớp, giáo viên phải cầm tay bày học viên cách gõ từng nốt bàn phím. Trường hợp học viên nào không dùng tay gõ bàn phím được, giáo viên phải thiết kế bàn phím điện tử trên màn hình hướng dẫn học viên sử dụng. “Mỗi lần thấy học viên nào tiếp thu bài tốt, thực hành thuần thục trên máy tính, các thầy cô giáo vui mừng, hạnh phúc lắm”, thầy Đạo nói.
Vững tin vào đời
Sau gần 3 năm triển khai dự án, đến nay gần 50 học viên đã ra trường và có việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng. Là một trong những học viên khóa đầu tiên của dự án, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Văn Cảm (trú quận Liên Chiểu) làm việc tại một công ty tài chính ở Đà Nẵng, đồng thời nhận làm dịch vụ thiết kế website nên thu nhập mỗi tháng cũng được vài triệu đồng. Cảm cho biết, em đã tự trang trải cho bản thân chứ không phụ thuộc gia đình như trước nữa.
“Ra trường, em mở cơ sở thực hành CNTT tại nhà để nhận thiết kế website cho khách hàng, làm một số phần mềm…, trung bình mỗi tháng thu nhập hơn 2 triệu đồng. Từ ngày tự mình làm ra tiền để lo cho bản thân, em cảm thấy vui sướng, hạnh phúc lắm”, Dự (trú quận Sơn Trà, học viên khóa 1 lớp CNTT dành cho người khuyết tật Trường ĐH Đông Á) cho biết.
Theo thầy Đỗ Sính, Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Đông Á, chương trình đào tạo CNTT cho người khuyết tật được dạy trong 6 tháng và hoàn toàn miễn phí chỗ ăn ở, học phí cho học viên. Ngoài việc được học đồ họa, thiết kế website, lập trình web, học viên còn được học các kỹ năng mềm về giao tiếp, xử lý tình huống… để vững tin hòa nhập cuộc sống sau này. Trong quá trình học, học viên được nhà trường tạo điều kiện thực tập tại doanh nghiệp nên nhìn chung sau khi tốt nghiệp, hầu hết học viên vững vàng hòa nhập cuộc sống. “Đây là chương trình đào tạo nhân đạo, giúp người khuyết tật có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Mỗi lần hay tin học viên của mình có việc làm, thu nhập ổn định, giáo viên chúng tôi vui mừng khôn xiết”, thầy Sính tâm sự.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI