Ngày 2-6, gần 12.000 thí sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, buổi sáng thi môn Văn, buổi chiều thi môn Lý và Sử.
Sau ngày thi đầu tiên, nhiều thí sinh tỏ ra thích thú bởi đề thi môn Văn và Sử năm nay khá hay, mang tính thời sự cao. Theo đó, thí sinh có thể bày tỏ quan điểm của mình trong bài làm.
Thí sinh trao đổi về đề thi. |
Đề Văn hay, mang tính thời sự
Đề thi môn Văn năm nay chỉ có hai câu hỏi, được nhiều thí sinh đánh giá là khá hay. Trong đó, câu hỏi phần đọc hiểu (3 điểm), đề thi trích dẫn một đoạn trong bài viết “Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước” của tác giả Nguyễn Thế Hanh đăng trên báo Giáo dục và Thời đại số ra ngày 15-5-2014, phản ánh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Và câu hỏi này yêu cầu thí sinh: 1. Nêu những ý chính của văn bản; 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản; 3. Viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của thí sinh về sự kiện trên.
Thí sinh Trần Thị Phương Dung (Hội đồng thi - HĐT Trường THPT Phan Châu Trinh) đánh giá: Đề thi có hỏi về vấn đề Biển Đông, không gây bất ngờ cho học sinh. Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp, thầy cô giáo đã nhắc nhở học sinh rằng đề thi năm nay có thể sẽ có câu hỏi những vấn đề thời sự như thế này. “Đối với việc bày tỏ thái độ về hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981, em cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền của Việt Nam, nhanh chóng rút giàn khoan đi nơi khác. Ở lứa tuổi học sinh, em sẽ ra sức học giỏi, làm chủ khoa học công nghệ để sau này có thể góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh”, Phương Dung nói.
Với nét mặt hớn hở sau khi ra khỏi phòng thi, thí sinh Trương Văn Thảo Nhi (HĐT Trường THPT Trần Phú) nói: Câu hỏi về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam không chỉ mang tính thời sự cao mà còn gây thích thú cho thí sinh. Theo đó, học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, hiểu biết và cách cảm nhận của mình về vấn đề Biển Đông, về vấn đề lớn quốc gia và cả dân tộc. “Theo em, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc rõ ràng xâm phạm nghiêm trọng vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, Nhi nói thêm.
Với câu 2 (7 điểm), đề thi ra tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ, yêu cầu thí sinh phân tích dưới góc độ văn học và một ý nữa là phần nghị luận xã hội với đại ý con người cần được sống là chính mình. Nhiều thí sinh cho biết làm bài khá tốt, bởi đã được thầy cô giáo ôn tập, dặn dò kỹ trước đó. Thí sinh Nguyễn Văn Ty (HĐT Trường THCS Nguyễn Huệ) nhìn nhận cách ra đề này sẽ tránh tình trạng học vẹt, học tủ. Ty cũng cho biết, em làm đề Văn khá tốt, hy vọng sẽ đạt điểm cao.
Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên môn Văn, Trường THPT Trần Phú nhận xét, đề Văn năm nay ra khá hay, có tính thời sự cao và gần gũi với học sinh. Riêng phần đọc hiểu 3 điểm hầu như đều “trúng tủ” của học sinh. Câu hỏi này có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm công dân trong mỗi thí sinh. Phần làm văn 7 điểm nhẹ nhàng và có tính triết lý sâu sắc, thí sinh có thể bày tỏ quan điểm thoải mái. Đây đúng tính chất là một đề thi mở. Nếu có sự hiểu biết xã hội, hiểu tác phẩm, cùng với khả năng tư duy, diễn đạt tốt, học sinh dễ dàng đạt 7 điểm với đề thi này.
Hiu hắt phòng thi môn Sử
Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn học sinh tự chọn. Và như dự đoán của nhiều người, buổi chiều thi môn Sử, nhiều HĐT rất ít thí sinh dự thi. Chẳng hạn, ở HĐT Trường THCS Lý Thường Kiệt và HĐT Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, mỗi nơi chỉ có 3 thí sinh dự thi. Trong khi đó, tại mỗi HĐT này phải bố trí gần chục người bảo vệ an ninh trật tự, coi thi…
Đề thi môn Sử năm nay ra 3 câu hỏi. Ngoài hai câu hỏi thuộc bài liên quan đến nội dung cơ bản Cương lĩnh Chính trị và nguyên nhân thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, còn có câu 3b: “Tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay”. Câu hỏi này mang tính thời sự, liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, khiến học sinh hào hứng. Thí sinh Ngô Thị Thu Nga, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, dự thi ở HĐT Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết, đề thi Sử không khó, em làm bài tương đối tốt. Trong đó, Nga thích nhất là câu 3b, bởi liên quan đến vấn đề thời sự, biện pháp đấu tranh, xử lý tình hình trên Biển Đông của Việt Nam trong thời gian qua.
Ngoài ra, tại các HĐT: THPT Thái Phiên, THPT Trần Phú, THCS Tây Sơn… kết thúc buổi thi môn Sử, nhiều học sinh ra về trong tâm trạng khá phấn khởi, bởi hầu hết các em đều làm tốt bài thi.
Nhận xét về đề thi môn Sử năm nay, cô Trần Thị Hoa, Tổ trưởng tổ Sử, Trường THPT Ngô Quyền cho hay, câu 1 và câu 2 chỉ cần học sinh học thuộc bài, nắm chắc kiến thức thì trả lời tốt. Riêng câu 3b là câu hỏi mở khá hay. Trong quá trình ôn tập cho học sinh, giáo viên đã ôn tập kỹ phần này, chỉ cần các em nắm kỹ tình hình thời sự trong nước và quốc tế về vấn đề Biển Đông, biết vận dụng tốt các nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc vào bài làm thì sẽ “ăn điểm” cao.
Theo Sở GD-ĐT, kết thúc ngày thi đầu tiên với 3 môn Văn, Lý, Sử, toàn thành phố có 15 thí sinh THPT và bổ túc THPT vắng thi không lý do trên tổng số 11.928 thí sinh đăng ký dự thi. Ngoài ra, không có trường hợp cán bộ coi thi, thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Hôm nay (3-6), thí sinh tiếp tục thi ngày thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Buổi sáng, thí sinh thi môn Toán 120 phút; buổi chiều thi môn Hóa 60 phút, môn Địa 90 phút.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN