.

Dạy bơi ở trường tiểu học: Thu không đủ chi

.

Sau khi Tổ chức Liên minh vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ (gọi tắt chương trình TASC) dừng tài trợ chương trình bơi an toàn dành cho học sinh tiểu học, hoạt động dạy bơi có thu phí trong dịp hè 2014 ở nhiều trường trên địa bàn Đà Nẵng rơi vào cảnh đìu hiu do thiếu học sinh. Một số trường có số lượng học sinh đăng ký học bơi ít đang đau đầu vì thu không đủ bù chi và tỏ ra lo ngại tình trạng này sẽ khiến chương trình dạy bơi “chết yểu”.

Giáo viên hướng dẫn kỹ năng bơi lội cho học sinh Trường tiểu học Núi Thành sáng 30-6.
Giáo viên hướng dẫn kỹ năng bơi lội cho học sinh Trường tiểu học Núi Thành sáng 30-6.

Không đủ lương trả giáo viên

Ngày 30-6, khảo sát tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghi nhận số lượng học sinh học bơi khá ít. Ở Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) chỉ có vài học sinh đang ngụp lặn trong bể bơi. Thầy Nguyễn Đức Tứ, giáo viên thể dục, phụ trách kỹ thuật hướng dẫn học sinh học bơi cho biết, trước đây TASC tài trợ dạy bơi miễn phí, phụ huynh đăng ký cho con học rất đông, với hơn 240 học sinh. Nhưng sau khi chương trình dạy bơi miễn phí dừng vào năm 2013, nhà trường tổ chức dạy bơi cho học sinh trong hè 2014, thu học phí theo quy định 200.000 đồng/học sinh/khóa thì số lượng học sinh đăng ký giảm hẳn, chỉ có 77 em.

Cũng theo thầy Tứ, học phí thu được toàn khóa của 77 học sinh hơn 15 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng lương chi cho giáo viên đã hết 16 triệu đồng, chưa kể tiền điện, tiền nước, tiền hóa chất xử lý bể bơi. “Hơn một tháng nay, giáo viên dạy bơi chưa nhận được lương vì học phí thu không đủ chi. Nhưng thấy học sinh ham học, các thầy vẫn tận tình hướng dẫn. Còn chuyện tiền lương thì chờ nhà trường giải quyết sau. Tuy nhiên, điều mà giáo viên lo lắng nhất hiện nay là bể bơi do TASC tài trợ hiện đã hết hạn sử dụng, hư hỏng, xuống cấp”, thầy Tứ cho biết.

Thầy Lê Văn Lạc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành cũng nhìn nhận, với tình hình học sinh đăng ký học bơi ít như hiện nay, rất khó duy trì hoạt động. Bởi học sinh đăng ký quá ít, nguồn thu học phí thấp không đủ trang trải cho giáo viên và tiền điện, nước… Trước đây dạy miễn phí, phụ huynh đăng ký cho con học rất nhiều, nay thu học phí 200.000 đồng/khóa, phụ huynh nói mức học phí cao nên không cho con học. “Tôi nghĩ để “nuôi sống” được chương trình dạy bơi ở nhà trường, Nhà nước cần hỗ trợ thêm kinh phí để nhà trường thu học phí còn khoảng 50% so với quy định hiện nay”, thầy Lạc đề xuất.

Ở Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thành Khê), hè này cũng chỉ có 78 học sinh đăng ký học bơi. Và học phí cũng không đủ để chi trả các khoản lương cho giáo viên, tiền điện, nước, hóa chất… Thầy Lê Duy Tuấn, Phó hiệu trưởng cho biết, giáo viên dạy từ đầu tháng 6 đến nay nhưng vẫn chưa có ai nhận lương và nhà trường cũng chẳng biết lấy kinh phí ở đâu để chi trả cho giáo viên.

Khó kêu gọi xã hội hóa

Trường tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà) hiện dạy bơi cho 80 học sinh và mức thu học phí cũng không đủ chi cho hoạt động. Theo thầy Trương Văn Trường, Hiệu trưởng, trước tình hình này, nhà trường đã đề nghị phòng GD-ĐT quận, các cơ quan chức năng thành phố có giải pháp hỗ trợ cho giáo viên để duy trì hoạt động dạy bơi cho học sinh. “Trường đóng ở địa bàn giáp biển, nên việc dạy bơi cho học sinh có vai trò, ý nghĩa rất lớn, giúp các em phòng chống tai nạn đuối nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để duy trì hoạt động bổ ích này”, thầy Trường nói thêm.


Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD-ĐT quận Sơn Trà cho biết, quận đã có kế hoạch xây dựng 5 cụm tổ chức dạy bơi cho học sinh tiểu học và đã kêu gọi xã hội hóa nhưng không có đơn vị nào tham gia. Bởi các đơn vị sợ khai thác không hiệu quả. Biết việc dạy bơi cho học sinh là thiết yếu, nhưng các trường cũng không dám đưa học sinh ra biển để học vì sợ không quản lý được các em.

Theo bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT, sau khi dừng dự án dạy bơi an toàn cho học sinh tiểu học, TASC trao lại 11 bể bơi di động cho Đà Nẵng tiếp tục công tác dạy bơi cho học sinh. Thành phố quy định thu học phí dạy bơi trong hè 200.000 đồng/em, nên hè năm nay, qua khảo sát, số lượng học sinh đăng ký học bơi giảm hơn 50% so với các năm trước. Bà Bình cho biết thêm, Sở GD-ĐT tiến hành vận động, kêu gọi xã hội hóa hoạt động dạy bơi ở trường tiểu học, nhưng đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có đơn vị nào tham gia.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, lãnh đạo Sở đã nắm thực trạng dạy bơi ở các trường tiểu học trong hè này. Sở GD-ĐT sẽ báo cáo, đề xuất UBND thành phố có hướng hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động dạy bơi tại các trường tiểu học, chứ không để chương trình dừng hoạt động.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, sau 4 năm, nhờ sự tài trợ của Tổ chức Liên minh vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ, ngành GD-ĐT thành phố đã huấn luyện cho 21.000 học sinh tiểu học hoàn thiện kỹ năng bơi an toàn. Kết thúc mỗi khóa học bơi (gồm 20 bài học thực hiện trong 20 buổi), hầu hết các em có thể nổi được 90 phút và bơi 25m, bảo đảm an toàn khi xuống nước.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN
 

;
.
.
.
.
.