.

Giúp học sinh, sinh viên tránh rủi ro về kinh tế

.

Luật BHYT ra đời quy định học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng tham gia bắt buộc. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện quy định này đã từng bước đi vào đời sống xã hội, có tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, của các bậc phụ huynh và bản thân các em HSSV nhận thức về BHYT ngày sâu sắc.

Tham gia BHYT giúp HSSV tránh được rủi ro về kinh tế, nhất là khi mắc bệnh hiểm nghèo. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Liên Chiểu.
Tham gia BHYT giúp HSSV tránh được rủi ro về kinh tế, nhất là khi mắc bệnh hiểm nghèo. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Liên Chiểu.

Những năm qua, thực hiện đưa Luật BHYT đi vào đời sống HSSV, ngành BHXH thành phố Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Đại học Đà Nẵng, Sở Giáo dục-Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc các bộ, ngành, trường thuộc loại hình tư thục đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật về BHYT đến các đơn vị trực thuộc. Xác định công tác tuyên truyền về BHYT đến đối tượng HSSV được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Vì vậy, BHXH thành phố đã chủ động xây dựng các kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Phát tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT HSSV” đến từng HSSV các trường. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của ngành BHXH và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mở các chuyên trang tuyên truyền, chuyên mục hỏi-đáp; tổ chức tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của BHXH thành phố tại địa chỉ http://www.bhxhdanang.gov.vn, tổ chức các buổi tuyên truyền miệng về BHYT tại các buổi sinh hoạt công dân của các trường thành viên Đại học Đà Nẵng.

Sự đa dạng, phong phú về hình thức tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức trong HSSV và các bậc phụ huynh BHYT là một chính sách an sinh xã hội góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với HSSV, việc tham gia BHYT là nghĩa vụ bắt buộc, là thực thi pháp luật về BHYT, đồng thời người tham gia có quyền lợi về chăm sóc sức khỏe. Số lượng thẻ BHYT phát hành đến HSSV năm học sau đều tăng hơn năm học trước.

Năm học 2013-2014  có 265.740 HSSV từ tiểu học đến đại học tham gia BHYT, trong đó tỷ lệ tham gia ở bậc tiểu học đạt 93%, THCS đạt 90,4%; THPT đạt 96,4%; cao đẳng đạt 88,9%; đại học đạt 93,4%. Công tác phối hợp cho thấy các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị trường học rất quan tâm công tác quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT.

Bên cạnh công tác khai thác phát triển số lượng HSSV tham gia BHYT, ngành BHXH thành phố kịp thời cấp phát thẻ BHYT, chủ động trích chuyển theo quy định Quỹ khám, chữa bệnh cho các trường học để làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Đây là nguồn tài chính quan trọng giúp các trường có điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe HSSV. Lợi ích của việc tham gia BHYT cũng thể hiện rõ ở công tác khám, chữa bệnh BHYT cho HSSV.

Trong năm 2012 và 6 tháng  đầu năm 2013, các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT đã điều trị ngoại trú cho 314.290 lượt, điều trị nội trú cho 22.966 lượt HSSV với chi phí lên đến gần 50 tỷ đồng. Nhiều HSSV mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị tại bệnh viện với dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được cơ quan BHXH thanh toán kịp thời, đúng quy định. Điển hình trong năm học 2012-2013, em L.Q.Minh, học sinh Trường tiểu học Dũng sĩ Thanh Khê, được Quỹ BHYT thanh toán 101 triệu đồng; em H.T.T.Trang, SV Trường Đại học Kinh tế: 30 triệu đồng; em C.D.Thành, SV Trường Đại học Duy Tân: 37,7 triệu đồng; em N.Đ.Nam, SV Trường Cao đẳng Công nghệ: 28 triệu đồng; em P.Q.Nghĩa, Trường Công nghệ và Kinh doanh Việt Tiến: 24 triệu đồng.

Em Nghĩa tâm sự: Nếu không tham gia BHYT thì em phải trả 100% chi phí điều trị. Đó là số tiền rất lớn mà khả năng kinh tế của gia đình eo hẹp; nếu phải trả hết số tiền  một lúc sẽ vay mượn mới đủ trả.

Nhiều phụ huynh HSSV chưa có lần phải đưa con vào bệnh viện cũng nhận thức được rằng: Quỹ BHYT là nguồn tài chính quan trọng giúp HSSV thoát khỏi bệnh tật, hạn chế được nhiều rủi ro về kinh tế, nhất là khi không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT, ngành BHXH thành phố Đà Nẵng còn chú trọng công tác giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của HSSV tham gia BHYT, nâng chất lượng phục vụ khám và điều trị bệnh cho người có BHYT. Mặt khác, BHXH thành phố chủ động phối hợp với Đại học Đà Nẵng, Sở Giáo dục-Đào tạo và các trường học thuộc bộ, ngành, trường tư thục đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng HSSV tham gia BHYT, duy trì và phát triển mạng lưới y tế trường học, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ngay tại trường học.

Bài và ảnh: Yến Vy

;
.
.
.
.
.