.

Băn khoăn chọn phương án thi

.

Ngày 15-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 thông qua 6 điểm cầu truyền hình trực tuyến gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề nóng hiện nay là đổi mới thi cử, Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều phương án, còn người dân chỉ mong muốn là có một kỳ thi rõ ràng, công bằng, bớt nhiêu khê và quan trọng nhất là tổ chức thi thế nào để con cháu có động lực học. Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phải công bố sớm và rõ ràng phương án kỳ thi THPT quốc gia trước khi khai giảng năm học mới.

Xem xét phương án một kỳ thi quốc gia

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong khi các Sở GD&ĐT, các trường chọn phương án 1 (thi theo môn học) thì hiệu trưởng các trường ĐH, học viện lại thiên về phương án tổ chức một kỳ thi theo hướng tích hợp các môn.

Thống nhất việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT đưa ra, lãnh đạo ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ đều chọn phương án 2 và đề nghị tổ chức ngay trong năm 2015. Phương án 2 một kỳ thi quốc gia có 5 bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (lịch sử và địa lý). Trong đó, mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

PGS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho rằng phương án 2 là tối ưu và phù hợp nhất, có thể thực hiện ngay từ năm 2015. Các nước ở khu vực lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang áp dụng phương án thi tương tự.  

GS, TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng nhìn nhận phương án 2 phù hợp đúng lộ trình đổi mới. Ông Vui nói thêm rằng, phải có đội ngũ chuyên gia xây dựng cách thức coi thi, tổ chức coi thi… Trong đó, cấu trúc môn thi rất quan trọng, phải có một phần kiểm tra kiến thức để bảo đảm tốt nghiệp THPT và bảo đảm phân hóa để các trường ĐH, CĐ lựa chọn tuyển sinh.

Tại hội nghị, nhiều hiệu trưởng bày tỏ băn khoăn có nên đưa một kỳ thi quốc gia để các địa phương thực hiện, bởi lo ngại về tính trung thực, không bảo đảm chất lượng… Ông Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh dẫn chứng: Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, chúng ta giao cho các địa phương coi thi, còn khâu chấm thi thì đưa về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT. Coi thi làm không tốt thì chấm khách quan đến mấy cũng không có kết quả tốt. Một thí sinh dự thi vào Học viện An ninh vừa qua đoạt giải môn Hóa trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng tổng điểm 3 môn thi ĐH khối A chỉ đạt 9 điểm. Như vậy, có thể có những vấn đề chúng ta phải tính nếu tổ chức kỳ thi này ở các địa phương.  

Giao quyền tự chủ cho các trường

Về thực trạng giáo dục ĐH hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và ban hành chính sách, chỉ đạo, quản lý và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH.

Công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất đã được các trường nhận thức đúng đắn. Nhiều trường được Nhà nước đầu tư đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang và môi trường đào tạo… Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập về cơ sở vật chất ở một số trường làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của đào tạo ở nhiều mặt. Cụ thể, kết quả kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường ĐH, CĐ cho thấy một số trường chưa có đất thuộc sở hữu, chưa xây dựng được cơ sở đào, thuê mướn địa điểm để hoạt động giáo dục… Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng trường còn nhiều hạn chế, yếu kém; thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm các trường ĐH, CĐ còn yếu kém.

Về đội ngũ giảng viên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng thừa nhận tồn tại nhiều hạn chế. Một số cơ sở đào tạo chưa thực sự quan tâm duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên, không bảo đảm điều kiện về giảng viên cơ hữu theo quy định và đã bị Bộ GD&ĐT dừng tuyển sinh. Đội ngũ quản trị ĐH giàu kinh nghiệm trong các nhà trường còn thiếu… Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng những hạn chế này có nhiều nguyên nhân nhưng nổi cộm do việc phân tầng các cơ sở giáo dục ĐH chưa rõ ràng nên các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, Nhà nước đầu tư nhiều tiền của, đất đai để các nhà trường ĐH có ngày hôm nay, giờ đây làm đúng tinh thần tự chủ để từ nay các trường không cần “bầu sữa” đó nữa. Muốn tự chủ được, việc đầu tiên là phải mạnh dạn không xin ngân sách. Thực tế, đã có 4 trường xin tự chủ. Vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT quyết liệt việc này. Nếu có thể, sớm đưa ra trình Chính phủ, cân nhắc giao cho các trường quyền tự chủ về mặt tài chính, nhân sự, chương trình đào tạo, đi kèm là mức học phí. “Cần có những động viên cho các trường dũng cảm tham gia sớm, tiến tới toàn bộ hệ thống đều làm như vậy”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của Phó Thủ tướng và đại biểu các trường; đồng thời mong muốn nhận được các ý kiến đông đảo, đa chiều hơn nữa để Bộ GD&ĐT cân nhắc nhiều khía cạnh để phương án thi ngày càng hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nhân dân phản ánh rằng đã hội tụ đủ điều kiện để tiến hành một kỳ thi “2 trong 1”.

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.