UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy về quần đảo Hoàng Sa trong trường học từ năm học 2014-2015. Các cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng của bộ tài liệu để triển khai giảng dạy ở bậc THPT và THCS ngay đầu năm học này.
Học sinh khối THCS trên địa bàn quận Liên Chiểu trình bày hiểu biết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại một hội thi do Phòng GD&ĐT quận tổ chức năm học 2013-2014. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Giảng dạy ở hai bậc THPT và THCS
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, Sở GD&ĐT đã bắt tay biên soạn tài liệu giảng dạy, trang bị cho học sinh kiến thức về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Theo Sở GD&ĐT, phần kiến thức môn Địa lý nói về chủ quyền biển, đảo đã có trong chương trình giảng dạy sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT biên soạn, giáo viên dạy chương trình khung theo quy định. Cụ thể, sách giáo khoa bậc THCS có nội dung “Giáo dục về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo” và bậc THPT cũng có nội dung “Giáo dục về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo”.
Riêng môn Sử, Sở GD&ĐT tổ chức biên soạn phần lịch sử địa phương, trong đó có phần kiến thức về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Kết cấu chương trình học: bậc THPT, học sinh lớp 10 học 1 tiết, học sinh lớp 11 học 1 tiết và học sinh lớp 12 học 2 tiết; bậc THCS, học sinh lớp 6 học 1 tiết, học sinh lớp 7 học 2 tiết, học sinh lớp 8 học 1 tiết và học sinh lớp 9 học 2 tiết.
Thầy Phạm Đình Kha, chuyên viên Sở GD&ĐT, một trong những thành viên phụ trách biên soạn tài liệu, cho biết ở phần lịch sử địa phương dành cho học sinh bậc THCS, nội dung tài liệu tập trung về quá trình cha ông ta từ xa xưa đã chiếm hữu, xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa; quá trình phát triển và giữ đảo thời gian sau này cũng như những diễn biến sự kiện ngoại bang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa trái phép.
Cấp THPT, học sinh đã nhận thức tương đối tốt, hiểu biết rộng, trên cơ sở tài liệu dành cho học sinh bậc THCS, tổ biên soạn bổ sung thêm các nội dung liên quan đến Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982… để học sinh dễ hiểu cũng như có cái nhìn toàn diện, chính xác về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Học sinh THCS tham quan ngoại khóa, tìm hiểu về lịch sử địa phương, xem tranh ảnh trưng bày hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Giáo dục lòng yêu nước
Sau khi có thông tin về việc UBND thành phố chỉ đạo biên soạn tài liệu giảng dạy về quần đảo Hoàng Sa từ năm học 2014-2015, lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn thành phố cho biết rất ủng hộ chủ trương này. Theo ông Nguyễn Tiến Khải, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, những năm qua, trong quá trình giảng dạy, giáo viên bộ môn Sử, Địa đều khẳng định với học sinh về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nay bộ tài liệu này sắp hoàn thành, đưa vào chương trình dạy chính khóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc giảng dạy, đồng thời giúp học sinh hiểu biết rõ, có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước trong các em.
Ông Huỳnh Tấn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT, cho biết sau khi hai bộ tài liệu hoàn thành đưa vào sử dụng, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức giới thiệu để giáo viên bộ môn Địa và Sử (bậc THPT và THCS) trên địa bàn thành phố nắm rõ. Cũng theo ông Phúc, tài liệu này có giá trị to lớn trong việc giáo dục học sinh, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Về mặt địa lý, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lãnh thổ, nhất là những quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng nằm xa đất liền.
Còn về mặt lịch sử, các em được trang bị kiến thức đầy đủ, biết được những giá trị về mặt pháp lý, lịch sử đối với chủ quyền thiêng liêng, lâu đời đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cha ông để lại. Qua đó, học sinh ý thức sâu sắc hơn về vấn đề độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, khơi dậy tinh thần yêu nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN