.

Rút ngắn khoảng cách chất lượng dạy học

.

“Ngành GD&ĐT thành phố phải có biện pháp rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng dạy học giữa các trường, giữa khu vực thành thị và nông thôn”. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh như vậy khi chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT thành phố về tình hình chuẩn bị năm học mới 2014-2015, tổ chức ngày 19-8.

Rút ngắn khoảng cách về chất lượng dạy học giữa các trường là một trong những giải pháp căn cơ trong năm học 2014-2015. TRONG ẢNH: Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn Đặng Nhứt kiểm tra tình hình học tập của học sinh. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Rút ngắn khoảng cách về chất lượng dạy học giữa các trường là một trong những giải pháp căn cơ trong năm học 2014-2015. TRONG ẢNH: Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn Đặng Nhứt kiểm tra tình hình học tập của học sinh. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Quy mô trường lớp ổn định

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, cho biết năm học 2014-2015, toàn thành phố có 158 trường mầm non (có 69 trường ngoài công lập), 101 trường tiểu học (6 trường ngoài công lập), 58 trường THCS (2 trường ngoài công lập), 23 trường THPT (6 trường ngoài công lập) và 8 trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp và dạy nghề…

Để chuẩn bị cho năm học mới, thời gian qua, ngành GD&ĐT đã có nhiều cố gắng tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản với tổng kinh phí gần 240 tỷ đồng. Có 112 công trình trường học được đầu tư xây dựng; trong đó, 211 phòng học được xây dựng mới, 117 phòng học được cải tạo sửa chữa.

Tính đến nay, ngành GD&ĐT đã cơ bản chuẩn bị đủ số phòng học phục vụ năm học 2014-2015 cho tất cả các cấp học, bậc học trên địa bàn thành phố. Bảo đảm trong năm học đến, toàn thành phố không có phòng học ca ba, phòng học nhờ, mượn.

Sở GD&ĐT kiến nghị một số vấn đề như: Thành phố đầu tư bể bơi để năm học 2016-2017 tất cả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đều biết bơi; thí điểm xây dựng nhà trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; UBND thành phố chỉ đạo giải quyết việc thống nhất quản lý đối với Trường bán công năng khiếu Đà Nẵng; Sở Nội vụ giao chỉ tiêu các quận, huyện bố trí 1 nhân viên y tế học đường được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho các trường mầm non công lập.

Lo lắng việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các quận, huyện, bày tỏ băn khoăn, lo lắng và đề nghị các cơ quan chức năng thành phố sớm đầu tư kinh phí, xây dựng phòng học cho các trường tiểu học còn thiếu, để tiến đến tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học trong năm học 2015-2016, theo Nghị quyết HĐND thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, Liên Chiểu có tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thấp nhất thành phố. Để thực hiện mục tiêu của HĐND thành phố tổ chức cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày trong năm học 2015-2016, Liên Chiểu cần xây dựng 91 phòng học ở các trường, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 47 phòng học được thành phố đồng ý đầu tư xây dựng.

Còn theo ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, đến nay, công tác chuẩn bị năm học mới trên địa bàn quận đã ổn định, đi vào nền nếp. Tuy nhiên, một số trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu hiện nay đang thiếu phòng học, vì thế thành phố cũng cần sớm đầu tư kinh phí, tiến hành xây dựng nhanh các phòng học thiếu này thì năm học 2015-2016, các trường tiểu học trên địa bàn quận mới có thể tổ chức cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày.

Cũng là địa phương nằm trong diện thiếu phòng học, đại diện lãnh đạo quận Thanh Khê nêu khó khăn: Hiện nay, Trường tiểu học Trần Cao Vân bị quá tải. UBND quận Thanh Khê đã có kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở 2 của nhà trường ở đường Hoàng Hoa Thám lên 3 tầng. Tuy nhiên, do gặp phải một số khó khăn, đề nghị thành phố sớm can thiệp xử lý. Ngoài ra, ở địa bàn phường An Khê có Trường tiểu học Bế Văn Đàn hiện nay cũng đã quá tải.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm, đến nay phần lớn học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Riêng tại địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa cao. UBND thành phố cần quan tâm đến việc bố trí kinh phí để triển khai việc xây dựng phòng học để các địa phương có điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học theo Nghị quyết HĐND thành phố.

Điều hòa chất lượng dạy và học

Trước thực trạng nhiều trường tiểu học thiếu phòng học dạy 2 buổi/ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư, UBND các quận, huyện rà soát, thống kê báo cáo UBND thành phố để có hướng giải quyết. Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh thêm, hiện nay các bể bơi do tổ chức TASC tài trợ ở các trường tiểu học đã hư hỏng, xuống cấp, trước mắt trích kinh phí sửa chữa để duy trì việc dạy bơi cho học sinh.

Về lâu dài, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các quận, huyện có kế hoạch đầu tư bể bơi hợp lý theo từng khu vực (cụm trường) để tiết kiệm, nhưng vẫn bảo đảm đủ chỗ cho học sinh tiểu học học bơi. Nếu nơi nào kêu gọi xã hội hóa được thì tiến hành ngay, còn trường hợp khó khăn trong việc xã hội hóa thì Nhà nước có kế hoạch hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, năm học 2014-2015 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Sở GD&ĐT sớm tham mưu UBND thành phố ban hành chương trình hành động. Cùng với đó, tích cực đổi mới công tác thi, tuyển sinh, đổi mới phương pháp dạy học, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức học sinh theo hướng dạy học để làm người, chứ không chỉ truyền đạt kiến thức.  

Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, thời gian qua, việc siết chặt tuyển sinh ở các trường trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê được các cơ quan chức năng thành phố, UBND quận Hải Châu, Thanh Khê thực hiện khá tốt, trong thời gian đến cần tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được.

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng chạy trường, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, ngành GD&ĐT phải có biện pháp rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng dạy học giữa các trường, các khu vực thành thị, nông thôn. Chủ động, quyết liệt trong việc điều động giáo viên từ trường này sang trường khác để điều hòa chất lượng dạy và học. Ngoài ra, ngành GD&ĐT tiếp tục duy trì kiểm tra, quản lý, chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc dạy thêm cho học sinh tiểu học,  xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo ông Vũ Hùng, Trưởng Ban văn hóa-Xã hội HĐND thành phố, sau khi thực hiện việc siết chặt tuyển sinh ở các trường tiểu học: Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ và THCS Trưng Vương (quận Hải Châu), tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), số lượng học sinh ở những trường này đã giảm rõ rệt. Trong thời gian đến, việc siết tuyển sinh ở những trường này sẽ tiếp tục duy trì, đồng thời sẽ xem xét mở rộng việc siết tuyển sinh ở một số trường khác.

Ông Vũ Hùng cũng đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo ngành Công an siết việc nhập khẩu vào địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, tránh tình trạng người dân lợi dụng việc nhập khẩu để chạy trường. Điển hình như, vừa qua cán bộ HĐND thành phố kiểm tra một gia đình ở đường Đặng Tử Kính phát hiện có đến 9 trường hợp nhập khẩu nhờ nhưng không sinh sống ở địa phương, trong đó có cả trường hợp nhập sinh từ năm 2011.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.