Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật (VHNT) đang trong tình trạng “điêu đứng” vì số lượng hồ sơ đăng ký nhập học ngày càng giảm. Thậm chí, những năm gần đây, không ít bộ môn nghệ thuật “trắng” hồ sơ.
Bức tranh tuyển sinh năm học mới 2014-2015 của trường Trung học VHNT khá “đìu hiu”. TRONG ẢNH: Một thí sinh đang thử giọng cho môn thanh nhạc. |
Không ai mặn mà
Những năm trở lại đây, tâm lý phụ huynh nhiều nơi nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng không thực sự mong muốn con em mình theo học các ngành năng khiếu, nghệ thuật, đặc biệt là hệ trung cấp, vì lo lắng cuộc sống tương lai bấp bênh.
Chị Vũ Kim Loan (trú 24 Dương Thưởng, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) có con trai lớn năm nay học lớp 10 có năng khiếu ca hát, nhưng chị nói sẽ hướng con theo nghiệp kỹ sư của bố. “Chuyện ca hát chỉ phụ thêm cho vui chứ không thể chọn là nghề vì tương lai không ổn định”, chị Loan chia sẻ. Một thí sinh dự thi ngành nhạc cụ (xin giấu tên) vào Trường Trung học VHNT năm nay cho biết: “Em dự thi ngành kế toán, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nhưng làm bài không tốt, chắc trượt, có chút năng khiếu đàn, hát nên đăng ký vào trường này học “tạm”, rồi sẽ tiếp tục ôn thi”.
Không mặn mà, hoặc học cho có là tâm lý chung của nhiều phụ huynh và học sinh đối với các ngành VHNT. Tính đến giữa tháng 8 năm nay, Trường Trung học VHNT Đà Nẵng mới tiếp nhận khoảng 150 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thí sinh ở Đà Nẵng rất ít. Đáng buồn là rất hiếm thí sinh đăng ký các bộ môn nghệ thuật, thậm chí không có thí sinh. Chẳng hạn, bộ môn nhạc cụ dân tộc có 5 thí sinh, thì Đà Nẵng chỉ có 1 thí sinh; môn điêu khắc trong 3-4 năm liên tiếp không tìm ra thí sinh dự tuyển.
Năm nay, thí sinh của Đà Nẵng đậu vào Trường Trung học VHNT được giảm 70% học phí. Thế nhưng, trường vẫn “mòn mỏi” chờ thí sinh. Bà Nguyễn Thị Hội An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết hằng năm, việc tuyển sinh của trường chia 3 đợt, từ tháng 7 đến hết tháng 11. Trong đó, đợt đầu chiếm tỷ lệ cao nhất. Và năm nào cũng vậy, không ít môn nghệ thuật “trắng” hồ sơ. Số học sinh nhập học cũng có những em tâm đắc, yêu nghề, nhưng không nhiều; hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng khi có sự lựa chọn khác khá phổ biến nên số lượng học sinh vốn ít, qua các năm học còn “teo tóp” thêm.
Nâng cấp lên bậc cao đẳng?
Bà Nguyễn Thị Hội An cho rằng, kinh phí đào tạo một số ngành học khá cao cũng là một trong những lý do khiến nhà trường khó tuyển sinh. Chẳng hạn, khóa đàn nhị có kinh phí đào tạo 80 triệu đồng/em. Những năm qua, bộ môn này tuyển chỉ được từ 1-2 học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, tuyển sinh năm 2006-2007 được xem là “mùa vàng” của trường với hơn 2.000 học sinh. Sau khóa đào tạo đó, số này hiện vẫn ứ đọng và các đoàn nghệ thuật, nhà hát cũng không còn biên chế. Nhiều ngành học khác nếu không được tuyển dụng vào cơ quan chuyên ngành cũng có thể vào cơ quan hành chính, sự nghiệp khác nhưng còn các ngành văn hóa, nghệ thuật thì rất khó.
Trường Trung học VHNT đã thành lập gần 40 năm, nên hiện tại cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu. Chẳng hạn, phòng tập múa phải đáp ứng đủ diện tích sàn, chiều cao tối thiểu; phòng tập thanh nhạc cần cách âm nhưng những đòi hỏi này vẫn chưa được đáp ứng. Theo cơ chế, nếu thí sinh là con em của Đà Nẵng thì ngân sách sẽ được cấp một phần theo tỷ lệ tính trên số học sinh mà nhà trường tuyển được, từ 7-11 triệu đồng/học sinh theo từng ngành học, còn lại nhà trường tự lo, nên rất khó khăn.
Để cầm cự được, thời gian qua, Trường VHNT Đà Nẵng đã liên kết đào tạo tại chức bậc đại học đối với một số ngành văn hóa. Số học viên tại chức đang theo học tại trường nhiều hơn chính khóa. Trước thực trạng đáng buồn này, lãnh đạo thành phố xác định phải đầu tư nâng cấp trường lên thành Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng. Công việc này đang được xúc tiến.
Việc nâng cấp lên bậc cao đẳng, lâu dài hơn có thể là đại học sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề thiếu thí sinh hay không là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng, thay đổi chế độ đãi ngộ đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là giải pháp lâu dài, bởi khi quyền lợi mưu sinh được đảm bảo thì không có lý do gì người ta không mặn mà… Hơn nữa, việc thiếu người kế cận đang là nỗi lo khắc khoải của hoạt động nghệ thuật Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Bài và ảnh: THANH TÂN