.
Tuyển sinh năm học mới tại các trường quận Hải Châu

Kiểm soát chặt nhân khẩu

.

Ngày 28-8, UBND quận Hải Châu tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả tuyển sinh năm học 2014-2015 tại các trường trên địa bàn quận, với sự tham dự của lãnh đạo Quận ủy Hải Châu, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố, đại diện chính quyền 13 phường, cùng hiệu trưởng các trường THCS, tiểu học trên địa bàn.

Đây là năm học đầu tiên Trường tiểu học Phù Đổng tổ chức cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày.
Đây là năm học đầu tiên Trường tiểu học Phù Đổng tổ chức cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn mổ xẻ những mặt được, cũng như những hạn chế trong công tác tuyển sinh năm học 2014-2015, nhằm rút kinh nghiệm để làm tốt trong đợt tuyển sinh năm học đến.

Cụ thể hóa các tiêu chuẩn tuyển sinh

Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, nhờ chủ trương siết chặt tuyển sinh đầu cấp của thành phố, kết quả tuyển sinh năm học 2014-2015 trên địa bàn quận Hải Châu khả quan hơn nhiều so với những năm trước đây. Đến nay, toàn quận có 19/19 trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày, trong đó có 12/19 trường đạt tỷ lệ 100% dạy 2 buổi/ngày, chiếm tỷ lệ 81,8%. Đáng mừng hơn, đây là năm học đầu tiên 2 Trường tiểu học Phù Đổng và Trường tiểu học Phan Thanh thực hiện dạy 2 buổi/ngày cho 100% học sinh.

Nếu những năm trước đây tuyển sinh khó khăn, thì năm nay nhờ chủ trương của thành phố siết tuyển sinh trái tuyến vào các trường tiểu học: Phan Thanh, Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ và THCS Trưng Vương, số lượng học sinh vào các trường tiểu học: Lê Đình Chinh, Võ Thị Sáu, Hùng Vương, Bạch Đằng tăng cao.

Dù vậy, bà Trần Thị Thúy Hà cũng nêu ra một số khó khăn trong công tác tuyển sinh như: Việc quản lý nhân hộ khẩu thiếu chặt chẽ, công tác rà soát trẻ trong độ tuổi 2003, 2008 của các phường chưa đảm bảo tiến độ nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh của phòng GD&ĐT; việc xác nhận thực tế trẻ cư trú tại địa phương chủ yếu giao trách nhiệm cho tổ trưởng tổ dân phố, chưa có sự xác minh lại của lãnh đạo UBND phường nên khó tránh khỏi một vài trường hợp chưa đúng đối tượng tuyển sinh. “Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố và Sở GD&ĐT nên tham mưu cho thành phố trong việc cụ thể hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển sinh, nhằm tạo sự thuận lợi cho công tác tuyển sinh” bà Hà kiến nghị thêm.

Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, cho rằng để công tác tuyển sinh trong thời gian đến đạt kết quả tốt, đề nghị HĐND thành phố có văn bản cụ thể hóa việc tuyển sinh tại các trường học, trong đó có hai trường trên địa bàn phường Hải Châu 1 là Trường tiểu học Phù Đổng và THCS Trưng Vương. Cần xác định rõ các tiêu chí cư trú thực tế đối với học sinh.

Còn theo lãnh đạo UBND phường Thạch Thang, thực tế có nhiều trường hợp trẻ em ở với ông nội và bà nội, ông ngoại và bà ngoại từ thứ hai đến thứ sáu, nhưng cơ quan chức năng vẫn cho rằng như vậy là không ở thường xuyên. Để dễ dàng, thuận tiện cho địa phương, trong đợt tuyển sinh năm học tới, các cơ quan chức năng thành phố quy định một loại đối tượng tuyển sinh là trường hợp có cư trú thực tế và có cha mẹ ở địa phương mà thôi.

Phường chịu trách nhiệm quản lý nhân khẩu

Đại diện cơ quan giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 53 của HĐND thành phố, ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố, đưa ra nhận xét, thời gian qua các ban, ngành thành phố, Quận ủy, UBND quận Hải Châu, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện tốt chỉ đạo của HĐND thành phố, thì kết quả tuyển sinh trên địa bàn quận mới khả quan như ngày nay.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần khắc khục, đó là việc kiểm tra trẻ có sinh sống trên địa bàn hay không, UBND phường xem xét cụ thể chứ không nên chỉ dựa hẳn vào tổ trưởng tổ dân phố, bởi nhiều khi chưa chắc tổ trưởng tổ dân phố xác minh đúng. Ngoài ra, ông Vũ Hùng cũng cho rằng, việc xét chọn học sinh có cư trú tại địa phương hay không để tuyển sinh là do UBND phường quản lý, chứ nhà trường thì không thể làm nổi. Còn đối với việc ban hành các tiêu chí xét duyệt, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố ghi nhận ý kiến đóng góp và sẽ có sự điều chỉnh sớm.

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu nhấn mạnh thêm, Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trong việc xác nhận nhân hộ khẩu trên địa bàn phường mình, để giúp các trường tuyển sinh đúng đối tượng, tạo sự công bằng, minh bạch trong công tác tuyển sinh. Ngoài ra, ông Lê Anh lưu ý, sau khi Công an quận cho phép nhập hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú, Công an phường phải theo dõi người nhập hộ khẩu có cư trú tại địa bàn mình quản lý hay không. Nếu trường hợp phát hiện nhập hộ khẩu nhưng không ở thực tế thì Công an phường có trách nhiệm báo cáo UBND phường, UBND quận để có hướng xử lý.

“Không phải người ta nhập khẩu rồi, sau đó họ có ở hay không ở thì Công an phường cũng im lặng không báo cáo là không được. Quy định đã có rồi, nếu nhập hộ khẩu mà không cư trú thực tế thì xử phạt nghiêm”, ông Lê Anh nói.

Ông Đặng Việt Dũng, Bí thư Quận ủy Hải Châu nhìn nhận, qua đợt tuyển sinh vừa rồi cho thấy còn một số tồn tại như: Việc nắm bắt số liệu chưa chính xác, còn mơ hồ, gây khó khăn đối với ngành GD&ĐT trong việc giao chỉ tiêu tuyển sinh; xác nhận trẻ cư trú trên địa bàn có nơi chưa chính xác.

Trước thực trạng này, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu lực lượng Công an xây dựng phần mềm quản lý nhân hộ khẩu trên địa bàn quận, xây dựng quy trình nhập khẩu và báo cáo Quận ủy. Cần nâng cao vai trò của tổ dân phố, công an khu vực trong việc quản lý nhân hộ khẩu. Ngoài ra, ngành GD&ĐT tuyển sinh đúng tuyến các trường trên địa bàn và bảo đảm sĩ số học sinh theo quy định. Ngay từ đầu năm học này xây dựng quy chế tuyển sinh cho năm sau, thông báo sớm cho phụ huynh biết và phối hợp với các địa phương trong công tác tuyển sinh.  

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.