.

Bất ngờ không bỏ khối thi trong kỳ thi quốc gia

.

Những tưởng khi tổ chức kỳ thi quốc gia sẽ không còn các khối thi A, B, C, D... như Bộ GD-ĐT thông báo trước đó. Không ngờ, Bộ GD-ĐT lại yêu cầu không bỏ khối thi.

Học sinh khối 12 Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM thực hiện khảo sát về các phương án của kỳ thi quốc gia do nhà trường tổ chức cuối tháng 7-2014 - Ảnh: B.H.
Học sinh khối 12 Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM thực hiện khảo sát về các phương án của kỳ thi quốc gia do nhà trường tổ chức cuối tháng 7-2014 - Ảnh: B.H.

Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải xác định tổ hợp các môn thi ĐH, CĐ “tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm vừa qua”.

Điều đó có nghĩa vẫn duy trì các khối thi truyền thống A, B, C, D bên cạnh tổ hợp các môn xét tuyển khác. Lý do nào dẫn đến sự thay đổi trở lại này khi theo phương án kỳ thi quốc gia Bộ GD-ĐT mới công bố thì đã không còn khối thi truyền thống?

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết: Năm 2015 là năm đầu tiên triển khai một kỳ thi quốc gia vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Thực tế, lâu nay để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, học sinh đã chuẩn bị ôn thi theo các khối thi ngay từ khi bước chân vào THPT, nghĩa là thí sinh thi năm 2015 đã ôn luyện theo khối thi từ ba năm trước rồi.

Việc đổi mới thi cử nói chung, việc xác định môn thi dùng để xét tuyển nói riêng ngoài mục tiêu tạo điều kiện để các trường lựa chọn được phương án xét tuyển phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo, còn phải bảo đảm không gây khó khăn cho thí sinh đã ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.

Do đó để không gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh, bộ quyết định các trường vẫn phải duy trì các tổ hợp môn theo khối thi truyền thống để xét tuyển.

Bên cạnh các khối thi truyền thống này, các trường có thể bổ sung tổ hợp các môn thi khác theo nguyên tắc quy định để tuyển chọn thí sinh phù hợp hơn với ngành nghề đào tạo.

"Có thể hiểu như một ngành trước đây có thể tuyển sinh nhiều khối thi A, A1, D1. Những yêu cầu này đã được thể hiện trong công văn chính thức Bộ GD-ĐT vừa gửi đến các trường ĐH, CĐ”- ông Nghĩa cho biết.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa
PGS.TS Trần Văn Nghĩa

* Không chỉ yêu cầu các trường phải giữ khối thi truyền thống, bộ còn đưa ra nhiều quy định chi tiết như trong tổ hợp môn thi bắt buộc phải có toán hoặc ngữ văn, rồi khối thi năng khiếu được yêu cầu phải “đính kèm” một môn văn hóa... Cho phép các trường chủ động lựa chọn môn thi rồi lại đặt ra hàng rào kỹ lưỡng này, bộ không ngại bị xem là đang giao “tự chủ nửa vời” cho các trường hay sao, thưa ông?

- Dù các trường sẽ được tự chủ chọn lựa tổ hợp môn thi cho phù hợp với nhu cầu đặc thù của ngành đào tạo, nhưng việc xác lập các tổ hợp môn thi vẫn phải tuân theo quy tắc nhất định. Điều này sẽ tránh lộn xộn trong tuyển sinh, tránh gây hoang mang lo lắng cho thí sinh.

Đó là lý do để Bộ GD-ĐT phải đưa ra một số nguyên tắc chung trong xác định môn thi của các trường ĐH, CĐ. Với sinh viên các ngành đặc thù, bên cạnh thế mạnh về năng khiếu rất cần có kiến thức văn hóa cơ bản để phát triển lĩnh vực chuyên môn, đảm bảo sự thành công cho hoạt động nghề nghiệp về sau.

Do đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu ở ngành năng khiếu, các trường phải sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.

Với các ngành khác, trường ĐH, CĐ phải sử dụng tối thiểu ba môn thi để xét tuyển, đảm bảo đủ cơ sở để đánh giá năng lực của thí sinh, trong đó bắt buộc phải có môn toán hoặc ngữ văn. Đây là hai môn cơ bản để đánh giá khả năng tư duy và sự nhận biết tổng quát của thí sinh. Không chỉ ở VN mà nhiều nước trên thế giới cũng quy định toán và ngữ văn là môn thi bắt buộc trong các khối thi của ĐH.

* Nhiều thí sinh lo lắng việc thi trước, chọn trường sau có thể làm việc đăng ký hồ sơ vào ĐH trở nên phức tạp, cập rập. Ông có thể “bật mí” về cách thức đăng ký xét tuyển ĐH mới?

- Do đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi nên thủ tục và phương thức đăng ký sẽ có những sự thay đổi nhất định so với kỳ thi “ba chung” trước đây.

Những vấn đề kỹ thuật như thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng, các trường xét tuyển bao nhiêu đợt, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ở đâu, có phải chờ bản chính phiếu báo kết quả thi không, kết quả thi và xét tuyển được công bố như thế nào... sẽ được quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ mới.

Tuy phương thức xét tuyển mới mẻ nhưng chắc chắn sẽ gọn nhẹ, đảm bảo đáp ứng tối đa nguyện vọng ưu tiên của thí sinh, giảm rủi ro cho thí sinh có kết quả thi tốt và hạn chế ảnh hưởng thí sinh ảo đối với nhà trường. Bộ sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh trên phạm vi toàn quốc.

Hiện tại bộ đã “đặt hàng” các chuyên gia nghiên cứu thuật toán để xây dựng phần mềm tuyển sinh mới. Trong hội nghị triển khai kỳ thi quốc gia sắp tới, các đại biểu sẽ thảo luận các vấn đề kỹ thuật để làm đầu bài thiết kế phần mềm này.

Liên tiếp ba hội nghị ở ba miền

Từ ngày 23 đến 26-9, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức liên tiếp chuỗi ba hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 tại ba địa điểm TP Hà Nội, TP Huế và TP.HCM, tập hợp đầy đủ các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên, phía Nam.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trực tiếp chủ trì cả ba hội nghị này.

Theo đó, hội nghị sẽ cung cấp cho các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ những thông tin liên quan về công tác tổ chức kỳ thi.

Các đại biểu tham dự sẽ thảo luận các vấn đề kỹ thuật để tổ chức kỳ thi đảm bảo công bằng, khách quan, gọn nhẹ, hiệu quả, không gây phiền hà cho thí sinh và tốn kém cho xã hội. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu sau hội nghị, các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ thông tin đầy đủ các quy định của kỳ thi tới cán bộ, học sinh trong phạm vi quản lý để xã hội và thí sinh yên tâm.

TTO

;
.
.
.
.
.