.

Bộ GD&ĐT giải đáp về kỳ thi quốc gia năm 2015

.

Sáng 12-9, PGS - TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến phương án tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2015.

PGS TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - Ảnh: Việt Dũng
PGS TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT)

* Dư luận băn khoăn với việc ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh được tự chọn các môn thi trong số các môn tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch? Quan điểm của Bộ về vấn đề này thế nào? (Bùi Văn Nam - TP.HCM)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Nghị quyết 29-NQ/TW chỉ rõ “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; đồng thời, đáp ứng yêu cầu “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”. 

Do đó, ngoài việc phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ), thí sinh sẽ được tự chọn các môn thi trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí là phù hợp với chủ trương này.

Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn, nên việc cho học sinh tự chọn môn thi là phù hợp với chương trình và tình hình thực tế.

Kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp, đảm bảo học sinh “học gì, được đánh giá nấy”, khuyến khích học sinh phải học đều để đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển đại học tốt; khắc phục tình trạng “học lệch” của học sinh.

Trên cơ sở đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, học sinh chú trọng hơn vào các môn theo năng lực, sở trường của mình, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thêm căn cứ để tuyển thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của trường.

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học, học sinh phải chú trọng học đều các môn, từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong trường.

Việc đưa vào các môn tự chọn là giảm áp lực cho các thí sinh, đồng thời phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT, là bước chuẩn bị cho việc học tập của các em ở các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp, giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai sau khi tốt nghiệp THPT để đi vào cuộc sống hoặc tiếp tục học lên.

Hơn nữa, xét trên tất cả học sinh lớp 12 trong cả nước, với việc cho học sinh tự chọn thì tất cả các môn thi sẽ được chọn, do đó xét về tổng thể các môn sẽ được quan tâm đều hơn, khắc phục tình trạng dạy học đối phó, việc “học lệch” sẽ được khắc phục dần, và hướng tới sự cân đối, hài hòa hơn giữa các môn học trong trường.

* Với quy định những học sinh không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Như thế nào là điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học? Việc này sẽ được thực hiện như thế nào? (Lê Hải Nam - Hà Nội)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.

Những học sinh không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh được chọn môn thi thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Điều kiện dạy học không đảm bảo thể hiện ở các khía cạnh chính như sau: Giáo viên dạy môn ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu; việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải học đổi môn ngoại ngữ; nhà trường ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trang thiết bị dạy học, thực hành ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học...

Những thí sinh học ngoại ngữ trong điều kiện như trên sẽ được tự chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ.

Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Giám đốc sở GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT để quyết định việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ đối với thí sinh của.

* Tôi là phụ huynh có con thi ĐH năm 2015 và đang cực kỳ hoang mang. Con tôi học chuyên Hóa và muốn thi vào Trường Đại học Y dược TP.HCM nên từ năm lớp 10, cháu đã tập trung ôn luyện cho 3 môn khối B thật tốt. Nếu bây giờ lại phải lo cho học sinh thi môn tiếng Anh và văn ở mức độ đề thi đại học là cực kỳ khó khăn, chưa kể học sinh chưa biết được trường y sẽ xét tuyển ra sao.

Tôi muốn hỏi Bộ sẽ làm gì đối với việc thí sinh không biết chuẩn bị gì cho việc thi vào các trường đại học tốp trên? (Hình thức thi và cấu trúc đề thi hoàn toàn không biết?) (Nguyễn Thị Thanh Tâm, 52 tuổi, tn.baongoc91@...)

- PGS -TS Mai Văn Trinh: Mỗi thí sinh phải dự thi bốn môn tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Kết quả bốn môn này được sử dụng kết hợp với điểm trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp. Kết quả bốn môn này cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp (các ngành sử dụng các môn này để tuyển sinh).  

Ngoài ra, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ, thí sinh đăng ký thi thêm các môn tự chọn khác. Trong trường hợp trên, thí sinh dự tuyển vào Trường ĐH Y dược TP HCM, trong số 4 môn tối thiểu, đã có những môn phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của trường, thí sinh chỉ cần chọn thi thêm một số môn phù hợp khác.

Đề thi bao gồm các câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao. Do đó, các em chỉ cần giải quyết được các câu hỏi ở mức độ cơ bản cũng đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT (giống như thi tốt nghiệp THPT các năm trước đây) không cần thiết phải học thêm.

Do vậy, thí sinh có thể yên tâm học để đáp ứng yêu cầu cơ bản đối với các môn sử dụng để xét tốt nghiệp và tập trung hơn vào các môn là thế mạnh, phù hợp với năng lực sở trường của mình, để tuyển sinh ĐH-CĐ.

* Cháu hiện là học sinh lớp 12, xin hỏi năm nay một kì thi quốc gia được tổ chức vào trung tuần tháng 6 liệu có quá gấp rút? Tuy Bộ GD-ĐT công bố từ đầu năm học nhưng học sinh vẫn cần có thời gian để thay đổi theo hướng mới vì việc định hướng môn thi đã bị ảnh hưởng bởi việc gộp chung hai kỳ thi. (Nguyễn Minh Ngọc, 18 tuổi, hoangngocthu.nguyen@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức trên cơ sở những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Đề thi được xây dựng với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014.

Do đó, các em không phải thay đổi gì nhiều trong cách học. Các em chỉ cần trả lời được những câu đáp ứng yêu cầu cơ bản là đã có thể đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Còn với những môn lựa chọn để lấy kết quả tuyển sinh vào ĐH-CĐ thì phải tập trung hơn để có kết quả tốt, sử dụng cho tuyển sinh.

Các em có thể tham khảo các đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ của năm 2014 để hiểu thêm về cách thức ra đề.

Trong kì thi quốc gia, đề thi sẽ tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở, với lộ trình từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, phù hợp với thực tiễn dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường.

Vì thế em và các bạn cứ yên tâm học tập, không phải lo lắng nhiều bởi kỳ thi quốc gia hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh, không làm xáo trộn hoạt động.

Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố kỳ thi quốc gia, em chỉ hiểu loáng thoáng là nhập kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học thành 1 kỳ thi. Cũng như rất nhiều bạn khác, em thắc mắc thí sinh tự do thi vào đại học Bách khoa TP.HCM năm 2015 thì thi những môn nào, có phải là Toán, Lý, Hóa? Thi trắc nghiệm hay tự luận? Thi vào ngày mấy? Đăng ký ở đâu? Rất mong được giải đáp. (Trần Anh Tài, 20 tuổi, daianhtai2007@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Với thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT) chỉ phải đăng ký thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH-CĐ, phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường mà các em lựa chọn.

Việc đăng kí dự thi sẽ do các sở GD&ĐT tổ chức thực hiện.

Thí sinh tự do sẽ nộp hồ sơ tại các địa điểm do sở GD&ĐT quy định (về căn bản không khác nhiều so với các năm trước đây). Môn Toán thi tự luận 180 phút, các môn Vật lý, Hóa học thi trắc nghiệm 90 phút.

Tuy nhiên, khác với năm 2014, em đăng ký tham dự kì thi quốc gia trước, sau khi có kết quả, mới đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Điều này có lợi cho thí sinh, giúp các em chọn trường phù hợp với kết quả thi của mình, tránh tình trạng điểm cao nhưng vẫn trượt đại học như các năm trước.

* Ngoài 8 môn thi của Bộ ấn định thì thi tuyển các môn năng khiếu như hội họa, múa, hát, diễn kịch... vào lúc nào. Không lẽ khăn gói từ miền quê lên thành phồ để thi ĐH rồi lại quay về chờ một đợt thi năng khiếu vào trường có tính chất nghệ thuật? (Huỳnh Thanh Vân, 50 tuổi, htvhtvhtv.1964@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Các trường ĐH-CĐ ngoài việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, tùy thuộc các ngành đặc thù mà trường có thể có thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác.

Trong đó các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật sẽ tổ chức thi năng khiếu (việc này đã được thực hiện trong các năm gần đây) theo phương thức được quy định rõ trong đề án tuyển sinh riêng của trường.

Các trường sẽ có phương án tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh và phụ huynh. Xem thông tin chi tiết về đề án tuyển sinh riêng của các trường được công bố rộng rãi trên website của trường và phương tiện truyền thông khác.

* Học sinh có định hướng khối A,B giờ phải học và làm bài thi đến 6 môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn và ngoại ngữ để được công nhận tốt nghiệp và ứng tuyển vào đại học, cao đẳng. Như vậy phải chăng đã quá mâu thuẫn với chủ trương của Bộ là giảm áp lực cho thí sinh? (Trần Huyền Nhung Nhi, 17 tuổi,thinhung.tran175@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Đối với mỗi thí sinh, từ năm 2014 trở về trước phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau, đặc biệt kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh/thành phố để dự thi. Năm nay, với việc chỉ tham dự 1 kỳ thi được tổ chức thành nhiều cụm sẽ giảm bớt chi phí cho thí sinh.

Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kỳ thi thì ít nhất phải làm bài tới 7 lượt môn thi (gồm 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi ĐH hoặc CĐ).

Nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2).

Có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ).

Trong kỳ thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi.

* Vui lòng cho biết tiêu chuẩn về bằng cấp môn tiếng Anh để được miễn thi môn Anh văn. (Nguyễn Thị Thanh Thúy, 45 tuổi, thuyxu1969@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Bộ GD&ĐT sẽ cụ thể hóa quy định về miễn thi môn ngoại ngữ (trong đó có môn tiếng Anh) để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng các chứng chỉ quốc tế thông dụng (và tương đương) do các tổ chức khảo thí uy tín cấp sẽ được sử dụng cho việc miễn thi ngoại ngữ.

Các thí sinh đoạt giải Olympic quốc tế các môn ngoại ngữ (ví dụ tiếng Nga) cũng sẽ được miễn thi. Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về việc này.

Tuy nhiên, việc miễn thi này chỉ áp dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, còn việc tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ sẽ do các trường quyết định. Do đó thí sinh cần tìm hiểu kỹ yêu cầu tuyển sinh của các trường.

* Đối với môn ngoại ngữ, việc không thi do chưa đảm bảo điều kiện dạy và học theo chuẩn là do ai quyết định? Sở GD của tỉnh quyết định hay do trường quyết định? (Trần Phạm Duy, 22 tuổi, tranphamduy2208@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Điều kiện dạy học không đảm bảo thể hiện ở các khía cạnh chính như sau: giáo viên dạy môn ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu; việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải học đổi môn ngoại ngữ; nhà trường ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trang thiết bị dạy học, thực hành ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học...

Những thí sinh học ngoại ngữ trong điều kiện như trên sẽ được tự chọn môn thi thay thế môn.

Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Giám đốc sở GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT để quyết định việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ đối với thí sinh của các trường thuộc phạm vi quản lý.

* Con tôi muốn thi Trường đại học Y Dược TP.HCM (ban B) và đại học kinh tế TP.HCM (khối A), như vậy cháu cần thi mấy môn trong kỳ thi quốc gia để đủ điểm xét tuyển vào hai trường trên? (Vo Phuong Hoa, 45 tuổi,vophuonghoa1969@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Trong 4 môn thi tối thiểu đã gồm các môn sử dụng trong tuyển sinh. Ví dụ, với ban A, đã có môn Toán, một môn thí sinh sẽ tự chọn phù hợp với định hướng tuyển sinh của mình, thường là môn Vật lý hoặc Hóa học. Ban B, cũng đã có môn Toán và một môn thí sinh sẽ tự chọn phù hợp với định hướng tuyển sinh của mình, thường là Hóa học hoặc Sinh học.

Như vậy, để thi vào hai trường trên, thí sinh sẽ chọn phổ biến là 5 môn thi (Ban A: Toán, Vật lý, Hóa học - để xét tốt nghiệp và tuyển sinh cùng với Ngữ Văn, Ngoại ngữ - để xét tốt nghiệp; Ban B: Toán, Hóa  học, Sinh học - để xét tốt nghiệp và tuyển sinh, cùng với Ngữ văn và Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp).

Các trường ĐH sẽ sớm công bố phương án tuyển sinh, nói rõ cách thức sử dụng kết quả các môn thi trong kỳ thi quốc gia để tuyển sinh trên cơ sở căn bản giữ ổn định các khối thi truyền thống, chỉ bổ sung điều chỉnh đối với một số ngành thật cần thiết để không gây khó khăn cho thí sinh.

Các em sẽ theo dõi thông tin của các trường để thực hiện. Như vậy, các em cứ yên tâm học tập và quyết định lựa chọn môn thi sao có lợi nhất cho mình.

* Kỳ thi quốc gia 2015 có nhiều thay đổi về cấu trúc đề thi không? Vì kết quả thi dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học nên đề thi sẽ phân hóa ở mức độ nào? Có gồm phần chung và phần riêng không?(Võ Phượng Vy, 17 tuổi, phuongvy1511@...

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ kế thừa những gì tốt nhất của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Đề thi được tiếp tục đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở.

Đề thi của kỳ thi quốc gia có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.

Đề thi phải đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề phải đánh giá được thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nghĩa là, đề thi vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hóa thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ).

* Có nhiều ý kiến cho rằng theo đề án mới của Bộ thì thí sinh ban tự nhiên sẽ chỉ thi tốt nghiệp tại cụm ở địa phương rồi sau đó mới lên thành phố thi vào các trường đại học, cao đẳng theo phương thức tuyển sinh riêng của trường đó, như vậy có đúng không? (Trần Huyền Nhung Nhi, 17 tuổi, thinhung.tran175@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Cách thức tổ chức cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia tương tự như các cụm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 (ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ), do các trường ĐH chủ trì, nhưng sẽ được mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Hầu hết thí sinh sẽ tham dự kỳ thi ở các cụm thi này.

Riêng đối với thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả để tham gia tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, ở các địa phương không có cụm thi do ĐH chủ trì thì Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với Chủ tịch UBND cấp tỉnh để thành lập một số cụm thi do địa phương chủ trì, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Như vậy, với các thí sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

Bộ GD-ĐT sẽ cùng với các bộ, ngành và các địa phương để tổ chức kỳ thi nghiêm túc đối với tất cả các cụm thi do ĐH chủ trì hoặc do địa phương chủ trì.

* Nếu quy chung điểm bình quân cả năm 12 để xét tốt nghiệp hay đại học thì sẽ xét như thế nào, chỉ xét tốt nghiệp hay đại học luôn? Điểm nghề học năm vừa rồi có được cộng vào như mọi năm không? Theo những thông tin Bộ đưa ra, điểm thi sẽ được công bố lên mạng, vậy các trường ĐH sẽ công bố điểm trước để chúng em lựa chọn, em băn khoăn nếu như không còn các khối A, B, C, D thì đề thi chung cấu trúc và độ khó có như năm rồi hay không? (Phạm Doãn Minh Trí, 17 tuổi, phamdoan_minhtri@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Việc sử dụng phối hợp kết quả học tập trong quá trình (điểm trung bình học tập lớp 12) với điểm thi bốn môn tối thiểu để xét công nhận tốt nghiệp phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc này tạo yêu cầu để các em phải học đều các môn nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu học vấn phổ thông đối với các môn học, khắc phục tình trạng học lệch, học đối phó.

Trên cơ sở đáp ứng yêu cầu cơ bản các môn học, học sinh tập trung nhiều hơn vào những môn là thế mạnh của mình để thực hiện mục tiêu vào các trường ĐH, CĐ và định hướng nghề nghiệp tương lai sau khi kết thúc THPT.

Các chế độ ưu tiên, khuyến khích theo quy định vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện trong kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Các nội dung cụ thể sẽ được quy định rõ trong quy chế thi sẽ sớm được ban hành để phụ huynh, học sinh theo dõi và thực hiện.

Công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, đối với các trường sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh về căn bản vẫn giữ ổn định các khối thi như truyền thống.

Đối với một số ngành, trường đặc thù có thể sẽ có những điều chỉnh bổ sung đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn dạy học của trường phổ thông, các trường ĐH, CĐ sẽ sớm công bố phương án tuyển sinh của mình để thí sinh chủ động định hướng học tập.

Các em không phải lo lắng nhiều vì tuyển sinh ĐH, CĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường ĐH, CĐ. Ở đó, quyền lợi của nhà trường và quyền lợi của thí sinh gắn chặt với nhau, làm nên sự ổn định và phát triển của các trường.

* Thí sinh thi tại địa phương để xét công nhận tốt nghiệp thì có quyền xét tuyển vào ĐH, CĐ hay không? (Hoàng Bá Thành, 17 tuổi, bathanh2000@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Với các thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp, không có nguyện vọng lấy kết quả thi để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.

Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện đủ để được tuyển vào học được qui định tại đề án tuyển sinh riêng của từng trường.

Hiện nay, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (nhất là kỳ thi năm 2014) nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn chưa thực sự tin cậy vào kết quả thi.

Do những thí sinh thi tại cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, nên có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng cơ hội rất hạn chế, phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH, CĐ. Do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình;

Mặt khác, ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường. Do đó, với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do địa phương chủ trì vẫn có cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.

Cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường (thông qua đề án tuyển sinh riêng cũng được công bố rộng rãi) để tham gia tuyển sinh vào các trường này, tận dụng được những cơ hội để vào học tại các trường ĐH, CĐ phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình;

Việc tổ chức thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ với 4 cụm thi ở các thành phố như từ năm 2014 về trước vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi, dẫn đến có những thí sinh học lực tốt nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không thể về các trường ĐH, CĐ ở các thành phố để dự thi tuyển sinh được.

Năm 2015, việc mở rộng thành nhiều cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các thí sinh có thể lựa chọn cụm thi thuận lợi nhất cho mục đích của mình.

* Việc xét tuyển vào đại học là lấy điểm 4 môn thi THPT để xét hay tùy vào trường đại học mà lựa chọn điểm của từng môn theo yêu cầu để xét tuyển. (Tran Quoc Buu, 26 tuổi, tranquocbuucd@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Kết quả của bốn môn thi tối thiểu sẽ được sử dụng kết hợp với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh. Điểm các môn này đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp.

Còn việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, các trường sẽ công bố công khai các môn thi trên cơ sở các khối thi truyền thống. Đối với một số trường, ngành đặc thù có thể có điều chỉnh. Các trường sẽ sớm công bố để thí sinh biết và thực hiện.

Như vậy, để tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài các môn đã trùng với các môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, thì các em sẽ lựa chọn thêm môn thi phù hợp để có thêm cơ hội vào các trường ĐH, CĐ.

* Đề thi cho kỳ thi quốc gia 2015 là chương trình của lớp 12 hay cả ba năm cấp 3? (Nguyen Tan Le Uyen, 49 tuổi, uyennguyeni@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.

Nội dung, cấu trúc đề thi sẽ được thiết kế tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, trong đó có những câu hỏi sát với kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, có những câu hỏi yêu cầu mức độ cao hơn, nhằm phân hóa, đảm bảo mục tiêu tuyển sinh.

* Xin Bộ GD&ĐT cho biết vì sao không tổ chức xét công nhận tốt nghiệp PTTH và giữ lại kỳ thi đại học? (Đoàn Văn Duyên, 50 tuổi, duyen_1010@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Theo Luật Giáo dục, học sinh khi hoàn thành chương trình THPT phải tham dự kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế (nhất là ở các nước có nền giáo dục phát triển) là chú trọng đánh giá chất lượng đầu ra (đối với giáo dục phổ thông qua kỳ thi tốt nghiệp THPT), chứ không chỉ đánh giá chất lượng đầu vào (thi tuyển sinh ĐH, CĐ).

Mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ xác nhận trình độ học vấn phổ thông mà quan trọng hơn là thông qua kỳ thi tác động tích cực trở lại quá trình dạy học trong nhà trường phổ thông, tạo động lực để duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dạy học trong trường.

Hiện nay, hệ thống giáo dục ĐH, CĐ Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả các thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT, hơn nữa việc phân luồng thí sinh sau THPT là một trong những yêu cầu đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Do đó, hàng năm vẫn phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ để tuyển chọn được những học sinh phù hợp nhất cho các nhà trường.

Thi, kiểm tra, đánh giá là một khâu của quá trình dạy học, có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với các hoạt động khác của quá trình dạy học và giáo dục.

Việc thi sẽ có tác dụng định hướng, điều chỉnh hoạt động học của trò và hoạt động dạy của thầy. Đồng thời, việc thi phải phù hợp với nội dung và phương pháp học tập theo phương châm “học gì đánh giá nấy”.

Từ luận điểm này cho thấy, với thực tiễn của hoạt động dạy học trong các nhà trường Việt Nam hiện nay thì cần thiết phải có kỳ thi cuối cùng để đánh giá đầu ra của giáo dục phổ thông, tác động tích cực trở lại quá trình dạy học.

Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã cùng với các địa phương chỉ đạo các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá.

Hoạt động này đã thu được những kết quả bước đầu, đặc biệt, những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã được học sinh, phụ huynh, giáo viên và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để đảm bảo cho việc tổ chức thành công một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích.

* Có phải chúng ta đang đi ngược với xu hướng chung của thế giới về việc khảo thí không? Ở những nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ, kỳ thi cuối cấp do một tổ chức độc lập ngoài Bộ tổ chức và chỉ kiểm tra 3 môn: toán, đọc hiểu và viết. Việc đánh giá kiến thức khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội của học sinh nên là kết quả kiểm tra, thi cử trong suốt quá trình học. Việc nén vào một kỳ thi là không hợp lý (Phan Hưng Duy, 18 tuổi, duyphanhung@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Cảm ơn và tôi đánh giá cao vì em đã tìm hiểu cách thức tổ chức thi cử ở các nước tiên tiến.

Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu nhiều mô hình tổ chức thi của các nước trên thế giới. Bộ GD-ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo định hướng giảm áp lực, giảm tốn kém, kế thừa những ưu điểm của các mô hình khảo thí các nước tiên tiến trên thế giới, nhất là các nước phát triển có nhiều nét tương đồng với điều kiện kinh tế- xã hội của Việt Nam.

Phương án thi phải phù hợp với điều kiện dạy- học, điều kiện kinh tế- xã hội nước nhà, đảm bảo không gây sốc đối với giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội.

Những đổi mới trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây là những bước ban đầu trong lộ trình đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo định hướng đánh giá năng lực của người học.

Định hướng này được thực hiện ngày một sâu, rộng để phù hợp với thực tiễn dạy học trong các nhà trường, sẽ hoàn thiện dần và thật sự rõ nét khi thế hệ học sinh học theo chương trình sách giáo khoa mới bắt đầu dự kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ GD&ĐT sẽ thành lập một số trung tâm độc lập để thực hiện chức năng khảo thí, đo lường đánh giá chất lượng giáo dục với định hướng ngày càng coi trọng chất lượng đầu ra theo thông lệ quốc tế, chứ không phải chỉ siết chặt đầu vào như hiện nay.

* Là thí sinh tự do, nếu muốn thi vào Trường đại học Bách khoa TP.HCM thì phải đăng ký môn và thủ tục như thế nào? (Nguyễn Ngọc Duy, 20 tuổi, candyboy_1904@...)

- PGS - Mai Văn Trinh: Nếu đã tốt nghiệp THPT năm 2014, em sẽ không phải dự thi các môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT mà chỉ cần chọn những môn thi phù hợp với trường em đăng ký dự thi.

Ví dụ nếu em dự thi vào một ngành của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có yêu cầu lấy kết quả các môn Toán, Vật lý, Hóa học để xét tuyển thì em chỉ cần đăng ký thi 3 môn trên trong kì thi THPT quốc gia.

Cần theo dõi thông tin về tuyển sinh của các trường mà em lựa chọn để biết yêu cầu cụ thể của các trường.

Em vẫn nộp hồ sơ dự thi theo địa điểm quy định của các sở GD-ĐT tại địa phương (như quy định với thí sinh tự do các năm trước).

Sau khi có kết quả thi, căn cứ vào yêu cầu cụ thể của các trường ĐH-CĐ để đăng ký xét tuyển, phù hợp với kết quả. Nếu em dự thi càng nhiều môn thì cơ hội xét tuyển của em càng nhiều.

* Đối với những thí sinh thi lại thì, hình thức thi sẽ thế nào? (Hoàng Lê Thùy Vy, 20 tuổi, hoanglevy224@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Với thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, ngoài 4 môn thi tối thiểu, có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng.

Riêng với thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, năm nay thi lại thì chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Em yên tâm ôn tập vì chủ trương đổi mới kỳ thi THPT quốc gia không gây sốc, không làm xáo trộn việc dạy - học.

Với trường hợp em thi lại ĐH vào năm 2015 khi đã có bằng tốt nghiệp THPT từ các năm trước, cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH em mong muốn để chuẩn bị nội dung ôn tập cho phù hợp.

* Là một phụ huynh có con thi vào năm sau, tôi rất lo việc tổ chức tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì có thể sẽ gây khó khăn cho học sinh cũng như quá tải cho địa phương nơi trường ĐH đóng. Xin ông giải thích rõ hơn về việc tổ chức cụm thi. (Lê Văn Sơn - Nghệ An).

- PGS- TS Mai Văn Trinh: Cụm thi được thiết kế trên cơ sở dữ liệu thí sinh của các tỉnh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh và các trường ĐH, CĐ những năm vừa qua để đảm bảo số lượng thí sinh không vượt quá khả năng bố trí phòng thi.

Thêm vào đó, kinh nghiệm tổ chức cụm thi trong nhiều năm vừa qua cho thấy các cụm thi có thể tổ chức cho 80.000-100.000 thí sinh thi như ở Vinh, Cần Thơ.

Các cụm thi mới của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thành lập trên cơ sở những tính toán hướng tới những gì thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình cũng như toàn xã hội. Số lượng cụm thi được mở rộng hơn so với số cụm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Thí sinh được quyền lựa chọn cụm thi nên sẽ thuận lợi cho thí sinh, nhất là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù học sinh có thể phải thi ở tỉnh khác nhưng so với trước kia thì cũng đã được giảm nhẹ một kỳ thi tốt nghiệp THPT nên không thể nói phương án thi mới gây khó khăn cho học sinh.

* Năm nay em không đậu ĐH và hiện giờ đang ôn lại. Em đã đọc qua phương án cho một kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT. Nhiều bài báo chủ yếu tập trung cho hoc sinh lớp 12 nhằm giúp các em biết cách đăng ký. Còn đối với những học sinh thi lại như em, phải đăng ký thi ĐH như thề nào? Phải chọn môn thi làm sao vì năm 2015 không còn thi theo khối? (Đặng Thùy Linh, 18 tuổi, dtlinh.98@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Năm 2015, thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Em đã có bằng tốt nghiệp THPT các năm trước và năm tới chỉ thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, cần theo dõi phương án thi tuyển sinh của trường ĐH, CĐ em có nguyện vọng học để lựa chọn môn thi phù hợp.

* Tôi đã tốt nghiệp THPT năm 2014, năm nay tôi muốn thi lại thì phải thi những môn gì? (Trần Văn Tứ, 19 tuổi, trantu10121996@...)

- PGS.TS Mai Văn Trinh: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đối với tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, thì trước ngày 1-1-2015, các trường ĐH, CĐ phải công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.

* Đã tốt nghiêp THPT, năm sau em định thi lại ngành Toán, Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Vậy chỉ thi 3 môn Toán, Lý, Hóa hay phải thi thêm môn khác nữa? Em đang phân vân không biết luyện thi thế nào. (Nguyễn Hồng Minh, 19 tuổi, nguyenminhn2803@...)

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Đã tốt nghiệp THPT, em chỉ phải đăng ký thi những môn phù hợp với yêu cầu mà trường ĐH quy định. Nhưng năm 2015, về căn bản các trường không có điều chỉnh quá nhiều về quy định môn thi đầu vào với các ngành đào tạo.

Ví dụ ngành Toán của trường ĐH sư phạm TP.HCM năm trước tuyển khối A, gồm Toán, Vật lý, Hóa học, thì năm nay có thể cũng sẽ lấy kết quả của ba môn thi này trong kì thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ được phép tự chủ phương án tuyển sinh.

Vì thế ngoài việc đăng ký môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia, em cần tìm hiểu thêm trường lựa chọn có thêm yêu cầu kiểm tra bổ sung đối với ngành em đăng ký không để chuẩn bị đáp ứng yêu cầu đó.

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.