Sáng nay 23-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có phiên giải trình tại Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.
Hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình đều tán đồng với phương án thi quốc gia THPT 2015 mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra. Tuy nhiên, các đại biểu đều băn khoăn lo lắng, đặt nhiều câu hỏi về cụm thi, tính khách quan, xét tốt nghiệp… yêu cầu Bộ trưởng phải trả lời rõ, cụ thể.
Phiên giải trình của Bộ trưởng GD-ĐT tại Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. |
Truy vấn cụm thi!
Lo lắng về tính không công bằng, không nghiêm túc, thiệt thòi của nhiều học sinh về cụm thi, đại biểu Phùng Văn Hùng đặt câu hỏi: Việc tổ chức thi tại một số địa phương không có cụm thi do các trường đại học chủ trì, giao cho địa phương sẽ dẫn đến hệ lụy như khó đảm bảo thống nhất về mặt bằng chất lượng? Làm thế nào để thi 2 cụm thi đạt mặt bằng như nhau? Các học sinh thường học tài thi phận nên lấy quyền vào đại học của các cháu thi ở cụm địa phương là không được?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Mặt bằng chất lượng giữa các cụm thi với giả thiết chỗ này nghiêm chỗ kia chưa nghiêm là không công bằng vì nếu không đặt giả thiết chúng tôi vẫn phải lo việc đảm bảo nghiêm túc mặt bằng chung của kỳ thi. Ví dụ như vụ thi tốt nghiệp THPT ở Đồi Ngô (Bắc Giang) trước đây, cùng một cơ chế nhưng vẫn phải làm nghiêm túc. Giải quyết bằng nhiều giải pháp chứ không phải một cơ chế đồng nhất.
“Về độ tin cậy của kỳ thi là do cách coi thi, chấm thi nhiều hơn chứ không phải do kết quả thi” - ông Luận nhấn mạnh.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu Hùng, ông Luận cho hay, hướng tổ chức kỳ thi tại các địa điểm thi phải công bằng, giao cho các trường đại học tổ chức thi ở cụm đều phải kiểm tra đánh giá, yêu cầu các Sở, UBND tỉnh làm tốt, kiểm tra giám sát Bộ phải làm. Cố gắng có kỳ thi tin cậy, công bằng với tinh thần phải đổi mới. Bộ cân nhắc tính toán đảm bảo, không có chuyện dễ dãi thi ở cụm địa phương.
Về quyền lợi của học sinh thi cụm địa phương, ông Luận khẳng định: “Bộ không đóng lại cánh cửa đại học đối với các cháu thi ở cụm thi địa phương. Hiện có nhiều trường đại học xét tuyển học sinh lớp 12 với các kỳ thi kiểm tra riêng như phỏng vấn, xét học bạ, viết luận, kiểm tra năng khiếu… nên sẽ có nhiều trường đại học xét kết quả thi ở cụm thi địa phương".
"Chúng tôi yêu cầu các trường đại học phải công khai cách thức tuyển sinh của mình, công khai kết quả tuyển. Bên cạnh đó, cùng với sử dụng kết quả Kỳ thi quốc gia, căn cứ vào đặc điểm của ngành đào tạo của trường, yêu cầu đặc thù của công tác tuyển chọn thí sinh vào trường, các cơ sở giáo dục ĐH có thể chủ động căn cứ quy chế tuyển sinh. Còn đối với các trường không sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì sẽ thực hiện tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh riêng của trường. Đây là việc các trường ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình theo Luật Giáo dục Đại học. Bộ không ngăn cấm các trường đại học bắt buộc phải sử dụng kết quả thi này để xét tuyển" - ông Luận nhấn mạnh.
Phương án thi sẽ thay đổi theo từng năm!
Đại biểu Lê Minh Thông đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ: “Tổ chức thi theo cụm liên tỉnh hay liên huyện, bao nhiêu cụm? Tổ chức thi cụm thực hiện như thế nào? Tiêu chí nào xác định thi cụm? Còn đại biểu Nguyễn Kim Thúy đặt câu hỏi, vì sao Bộ bất ngờ đổi mới kỳ thi này? Bộ có đặt vào vị trí học sinh không? Đây có phải là đổi mới thi cuối cùng không? Việc gộp 2 kỳ thi vào 1 có khắc phục được là thi cử có cồng kềnh không? Tại sao lại chia ra 2 cụm thi làm gì?
Bộ trưởng Luận Phạm Vũ Luận cho rằng: “Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia 2015, chúng tôi không làm bất ngờ mà đã có lộ trình, thông báo rộng rãi tới các thầy cô giáo và học sinh và bước đầu đã thực hiện từ năm 2014. Chúng tôi công bố đến năm 2015 thực hiện làm rõ hơn phương án thi thôi. Còn rất nhiều thời gian để chuẩn bị".
Còn đây có phải đổi mới cuối cùng không? Ông Luận giải thích, không được lẫn việc dạy, học, thi cử khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29. Khi đó sẽ có phương án mới hẳn 100%. Hiện vẫn còn các cháu đang học chương trình cũ, nhưng cũng không thể chờ đến 12 năm sau mới bắt đầu thay đổi toàn bộ. Mỗi năm đều có thay đổi và thay đổi theo đúng hướng, theo đúng mục tiêu, lộ trình, không phải là đột ngột rẽ trái, rẽ phải. Quá trình này là cải tạo cái cũ theo cái mới. Đây là chúng ta đang bàn về phương án thi quá độ hướng tới phương án hoàn chỉnh. Các cháu vẫn "học gì thi nấy" nhưng thay đổi theo hướng đánh giá năng lực.
Ông Luận phân trần thêm: “Chúng tôi không nói gộp 2 kỳ thi vào 1. Nói như vậy là phạm luật, chúng tôi không đặt vấn đề như vậy. Luật GD ĐH cho phép các trường chủ động tuyển sinh. Các trường có quyền công bố phương án tuyển sinh riêng. Chúng tôi đặt là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để cung cấp kết quả tin cậy cho các trường đại học tuyển sinh. Vừa qua, nhiều trường ngoài công lập tổ chức phương án tuyển sinh riêng. Dựa trên kết quả điều tra khảo sát, Bộ chưa thể buông vấn đề thi ra được vì phải làm vậy để các trường dựa vào đó để thực hiệ".
Tiếp tục giải trình về khó khăn khi tổ chức cụm thi, ông Luận khẳng định: “Bộ chỉ có 1 quy định là thi theo cụm. phương án của Bộ hướng đến tổ chức theo cụm thi, nhưng với các học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp THPT, để tạo điều kiện cho các cháu, bộ tổ chức cụm thi ở tỉnh để các cháu đỡ đi lại, tốn kém. Trước đây, tổ chức 2 kỳ thi thì sau khi thi xong tốt nghiệp, học sinh phải đến thi ở cụm. Nhưng lần này các cháu đi một lần đến cụm thi đại học tổ chức. Với những học sinh ở vùng miền núi, do địa bàn đi lại khó khăn thì sẽ được thi ở cụm thi địa phương.
Về tiêu chí ở các cụm thi, Bộ trưởng Luận cho biết, căn cứ vào năng lực của các trường đại học (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định trường đại học nào được chủ trì cụm thi.
Nhận xét về tổ chức theo cụm thi, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Cụm thi về đại học là giải pháp mạnh, khai thác ưu điểm của kỳ thi để xã hội sẽ tin tưởng nên phải tính toán cẩn thận để tránh bị sốc. Với cụm thi do các trường đại học tổ chức xã hội vẫn yên tâm hơn còn cụm thi địa phương cần phải rõ ràng, Bộ cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.
Có dự báo được tỷ lệ tốt nghiệp?
Đại biểu Lê Minh Thông đặt câu hỏi, điểm học lớp 12 chiếm bao nhiêu % trong tổng điểm việc xét tuyển tốt nghiệp, Bộ kiểm soát việc cho điểm học ở lớp 12 thế nào để không bảo đảm tiêu cực, vì các trường cho điểm là rất khác nhau?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho biết: "Việc xét tốt nghiệp, năm 2014 đã làm, điểm thi lớp 12 chiếm 50%. không có chuyện các trường nâng điểm vì các trường giáo viên, học sinh có sự giám sát lẫn nhau. Phổ điểm năm 2014 cũng không có sự đột phá so với những năm trước. Qua đợt sơ tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho thấy không có sự chênh lệch lớn giữa điểm ở học bạ và trình độ của thí sinh".
Đại biểu Hoàng Hoa đặt tiếp câu hỏi: Bộ trưởng có dự báo tỉ lệ thí sinh thi đỗ tốt nghiệp là bao nhiêu?
Giải đáp câu hỏi này, ông Luận cho hay: Kết quả thi tốt nghiệp tùy kết quả học của học sinh. Còn Bộ chỉ cố gắng để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, khách quan chất lượng. Tôi được biết không bộ trưởng giáo dục nào trên thế giới, và không bộ trưởng tiền nhiệm nào trước tôi, làm điều này. Nếu tổ chức thi nghiêm túc mà đỗ 100% là tốt. Còn nếu trượt tới 50% rồi mà vẫn còn phần giả dối thì không được.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình về đổi mới kì thi quốc gia 2015
GS Đào Trọng Thi: "Kỳ thi quốc gia 2015 chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT chứ không bắt buộc với tuyển sinh đại học".
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Giáo sư Đào Trọng Thi, cho rằng: "Kỳ thi quốc gia 2015, thực chất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và nhiệm vụ đặt ra là phải làm tốt để các trường đại học có thể sử dụng kết quả ấy. Với ý kiến cho rằng các trường đại học buộc phải sử dụng kết quả kỳ thi này là không đúng, vì các trường tuyển sinh để đáp ứng phù hợp yêu cầu ngành nghề đào tạo. Luật Giáo dục Đại học cũng giao quyền tự chủ cho các cơ sở đại học.
Ông Thi khẳng định: “Kỳ thi này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT chứ không bắt buộc với tuyển sinh đại học nên các trường đại học có theo thì cũng là tự nguyện và tự chủ của họ. Nếu coi đây là pháp lệnh và bắt các trường phải theo là không đúng với luật Giáo dục Đại học và nghị quyết 29”.
Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi cảnh báo: “Dự báo điểm thi tốt nghiệp ở cụm thi đại học sẽ thấp. Đề thi không quyết định điểm cao mà do coi thi, chấm thi mới đánh giá điểm thi. Cần tính toán đến chuyện điểm thi thấp ở cụm thi này. Vậy làm sao để xét điểm tốt nghiệp ở mức độ trung bình. Ra đề thi như thế nào để các cháu dự thi cụm thi đại học có điểm tốt nghiệp trung bình?. Theo ông Thi vẫn còn nhiều bất cập, không công bằng giữa 2 cụm thi vì 2 cụm thi này coi thi, chấm thi khác nhau. Cụm thi địa phương điểm sẽ cao hơn cụm thi đại học, vậy cơ sở nào để xét? Cần đề phòng hiện tượng lách quy định tuyển sinh như học sinh chọn thi cụm thi địa phương để lấy điểm cao vào đại học, cần tính toán kỹ...
Giải pháp cho vấn đề này, ông Thi cho rằng: “Nếu khắc phục được tình trạng cụm thi địa phương không cần thiết là ổn. Nếu chỉ vì học sinh miền núi khó khăn thì giới hạn luôn áp dụng ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa chứ không nên triển khai tổ chức rộng ở toàn quốc. Các cháu không có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, nên để cho các cháu thi luôn ở địa phương chứ không cần đưa về cụm địa phương làm gì, vấn đề này sẽ có thể trở thành điểm yếu của kỳ thi".
Theo Dân trí