ĐNĐT - Là đại diện duy nhất của Việt Nam, vượt qua nhiều ứng viên sáng giá, 4 sinh viên Hà Tuấn Anh, Lưu Anh Tín (khoa Xây dựng), Hồ Thu Thanh Thư (khoa Kiến trúc) và Đặng Quốc Đạo (khoa Quan hệ quốc tế) của Đại học Duy Tân (DTU) đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Thiết kế nhà chống động đất” (IDEERS) tổ chức tại Đài Loan ngày 20, 21-9 vừa qua.
Thầy và trò của đội DTU đang thử tải mô hình tại phòng thí nghiệm trường Đại học Duy Tân. |
Đây là cuộc thi do Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu động đất Đài Loan phối hợp cùng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia về giảm thiểu thiệt hại và Mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu Động đất Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức, thu hút 101 đội tham gia, trong đó có 42 đội ở khối Trung học, 16 đội ở khối Sau đại học và 43 đội thuộc khối Đại học đến từ 10 nươc trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hồ Thu Thanh Thư, nữ sinh viên duy nhất của đội cho biết: "Để có mặt trong đội đi dự thi tại Đài Loan năm nay, chúng em phải vượt qua các vòng thi loại tại cuộc thi thiết kế nhà chống động đất của trường. Sau khi đã là một đội, chúng em mới tiếp tục nghiên cứu, làm các mô hình khác nhau với nhiều kết cấu và hình dạng khác nhau, từ đó chỉ ra các ưu điểm từ những mô hình này để chọn làm mô hình cuối cùng theo yêu cầu của cuộc thi năm nay là nhẹ, chịu được tải trọng nhiều nhất và chịu được động đất ở cấp cao nhất". Thư cho hay, cái khó nhất của việc làm mô hình là phải tính toán nội lực và ứng xuất của mô hình. Việc này rất tốn thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ nên ngoài việc học ở trường hầu hết thời gian còn lại nhóm giành để nghiên cứu và làm mô hình.
Thành viên đội DTU đang lắp ráp mô hình tại cuộc thi IDEERS. |
Được biết, hai năm trước, trường Đại học Duy Tân cũng đã đưa sinh viên đi tham dự cuộc thi này nhưng chỉ giành được giải khuyến khích và giải ba. Năm nay dựa trên những mô hình trước đó của trường đã mang đi dự thi, các thành viên trong đội đã nghiên cứu, tính toán tỉ mỉ, chỗ nào chưa ổn thì chỉnh sửa cho phù hợp, đồng thời cắt bỏ những chi tiết thừa để giảm trọng lượng và tăng hiệu quả theo tiêu chí của đề thi.
“Để có được mô hình cuối cùng, chúng em phải tính toán hoàn toàn bằng tay và tập trung cao độ để không có sai số. Một trong những điều thuận lợi và may mắn nhất của đội DTU là được nhà trường hỗ trợ cho thực tế một tuần ở Singapore. Tại đây có máy thử nghiệm động đất nên nếu những sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ bị hỏng ngay trên bàn thử. Vì vậy, cả đội đã thử nghiệm thực tế và rút ra được nhiều bài học quý giá từ chuyến đi này”, Quốc Đạo chia sẻ.
Trong khi mô hình của các đội mạnh đến từ các nước trong khu vực đều ngã đổ khi thử tải thì mô hình mang cờ Tổ quốc Việt Nam của DTU vẫn đứng vững. |
Được biết, ưu điểm vượt trội của mô hình là các thành viên của đội DTU đã sử dụng phần mềm SAP để tính toán nội lực sao cho chính xác nhất, từ đó bố trí vật liệu tiết kiệm và hợp lý hơn. Đội cũng sử dụng dầm giữ ứng lực càng sau, đây là ưu điểm khác biệt và đặc biệt nhất so với các đội còn lại. Bên cạnh đó, gia tải khối lượng cũng giảm dần từ tầng dưới đến tầng trên cùng, khối lượng tải đặt lên mô hình nặng gấp 60 lần trọng lượng của mô hình và kỹ thuật thi công chính xác đến 0,5mm. Khi thử tải, trong khi mô hình chỉ nặng 460g (năm 2013 là 504g) nhưng chịu được tải trọng 30 kg tương đương với động đất ở mức 9 độ richte.
Tại cuộc thi, để đảm bảo công bằng, các đội dự thi sẽ làm một mô hình mới trong khoảng thời gian 6 tiếng nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, thực hành nhiều ở nhà nên đội của DTU chỉ mất 2,5 giờ đồng hồ đã hoàn thiện mô hình của mình. Nhờ ưu điểm có 4 trụ xung quanh sử dụng kết cấu khung thép chữ V trong nhà công nghiệp có khả năng chống xoắn tốt nên khi đưa vào thử tải 43 mô hình cùng một lúc, mô hình của DTU vẫn đứng vững.
“Trong khi các mô hình của các đội mạnh đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines đổ hết ở cấp tải cuối cùng tương đương 9 độ richte thì chỉ còn lại 6 mô hình trên sàn đấu trong đó có DTU của Việt Nam. Và ở cấp độ cao nhất này các mô hình của đội bạn đều có dấu hiệu nghiêng mạnh thì của DTU vẫn đứng yên. Thậm chí sau khi thi xong, Đại học Quốc gia Singapore đã lấy luôn mô hình của Việt Nam mang về” - Hà Tuấn Anh nhớ lại.
Đại diện duy nhất của Việt Nam giành chiến thắng tuyệt đối với điểm số cách biệt. |
Khi cái tên đội tuyển DTU đến từ Việt Nam giành giải nhất với tổng số 139 điểm, cách biệt 14 điểm so với đội về nhì được xướng lên, các thành viên trong đội rất bất ngờ. Tới lúc chắc chắn là thông tin chính xác, cả đội mới vỡ òa hạnh phúc. Thậm chí về đến nhà vẫn còn lâng lâng sung sướng vì theo Quốc Đạo, cuộc thi có nhiều đội đến từ các nước thường xuyên có động đất, các trường đại học có kinh nghiệm lâu năm nghiên cứu về thiết kế nhà chống động đất nên khi đi thi, chỉ tiêu đặt ra là lọt vào top 5 và giữ vững vị trí năm 2013 là đạt giải 3, phấn đấu lên tới giải nhì nhưng khi được xướng tên ở giải nhất thì không còn gì tuyệt vời hơn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Chiến Thắng, giảng viên hướng dẫn của đội, đây là năm thứ 3 trường Đại học Duy Tân đưa sinh viên đi thi đấu quốc tế, mỗi năm gặp gỡ thêm nhiều nước trên thế giới, thấy được nhiều mô hình, ông cũng học hỏi được những kinh nghiệm hay về kết cấu, lắp ráp mô hình để về điều chỉnh cho sinh viên của mình. Điều quan trọng khác nữa là có thêm kinh nghiệm thi đấu. Đây là cuộc thi cho sinh viên nên vật liệu làm mô hình của đội bằng gỗ nhưng nếu đưa vào thực tế thì có thể ứng dụng ở bất cứ vật liệu nào.
Trở về sau cuộc thi, mong muốn lớn nhất của thầy và trò là có thể áp dụng mô hình này để xây nhà ở sông Tranh (huyện Bắc Trà My), nơi thường xuyên có động đất để giúp bà con ở đây có được chỗ ở an toàn hơn. Nhưng để thực hiện được, cần nhiều hơn nữa sự cố gắng của thầy trò, nhà trường và sự phối hợp của địa phương.
Bài, ảnh: Thu Hà