.
TỔ CHỨC MỘT KỲ THI QUỐC GIA NĂM 2015

Giảm áp lực và chi phí cho xã hội

.

Đó là nhận xét của PGS, TS Trần Văn Nam (ảnh), Giám đốc ĐH Đà Nẵng, về phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia, bắt đầu từ năm 2015, của Bộ GD&ĐT vừa được công bố.

Theo PGS, TS Trần Văn Nam, với phương án thi này, học sinh giảm được căng thẳng, áp lực trong thi cử nhờ bỏ bớt một kỳ thi, giảm được việc di chuyển xa khi không phải tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH (đối với các trường không thi cụm) hoặc không phải di chuyển xa khi thi ở những ĐH cách xa nơi ở.

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi quốc gia lấy kết quả tốt nghiệp của học sinh THPT để xét tuyển ĐH, CĐ. TRONG ẢNH: Thí sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đợt 2 vào ĐH Đà Nẵng.
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi quốc gia lấy kết quả tốt nghiệp của học sinh THPT để xét tuyển ĐH, CĐ. TRONG ẢNH: Thí sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đợt 2 vào ĐH Đà Nẵng.

* Với phương án thi chung này, ông thấy có ưu điểm, hạn chế gì so với trước đây?

- Trước hết, đó là giảm áp lực cho học sinh. Thay vì phải trải qua hai kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ như trước đây, nay chỉ còn một kỳ thi duy nhất. Việc tổ chức một kỳ thi giảm áp lực cho học sinh và chi phí cho xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển vào các trường ĐH trên toàn quốc (ví dụ trước đây, một học sinh muốn thi tuyển vào trình độ ĐH của ĐH Đà Nẵng phải đến ĐH Đà Nẵng dự thi, thì nay chỉ cần dự thi ở điểm thi gần nơi cư trú). Việc tổ chức thi thêm các môn tự chọn để xét tuyển vào ĐH, CĐ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH tuyển sinh được thí sinh theo các khối thi theo yêu cầu đào tạo, không cần phải tổ chức một kỳ thi khác.

Bên cạnh những ưu điểm, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia cũng có những nhược điểm nhất định. Tính chất của hai kỳ thi trước đây có sự khác nhau khá rõ. Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi để công nhận kiến thức phổ thông của học sinh, trong khi thi ĐH là kỳ thi tuyển để lựa chọn học sinh có khả năng chuyên sâu về khối kiến thức nào đó để đào tạo trình độ ĐH. Xây dựng đề thi để phục vụ đồng thời cho hai mục đích nêu trên là việc làm khó và cần đầu tư nhiều thời gian, công sức.

Kỳ thi diễn ra trong phạm vi toàn quốc, trên tất cả các vùng, miền có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ tổ chức, giám sát kỳ thi chưa đồng đều nên để tạo tính nghiêm túc, công bằng trong thi cử và đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi cần có sự quyết tâm, đồng thuận rất lớn của toàn xã hội. Kỳ thi kéo dài nhiều ngày tạo áp lực lên thí sinh dự thi và cho công tác tổ chức thi. Việc thay đổi phương thức thi “khá đột ngột” có thể ảnh hưởng đến phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

* Với phương thức thi mới này, học sinh được lợi gì, thưa ông?

- Qua việc học sinh được tự chọn một số môn thi trong kỳ thi quốc gia và sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ, thí sinh được quyền dự xét tuyển vào ĐH, CĐ ở nhiều khối khác nhau. Cách ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây đôi khi khác nhau thì nay đã được loại bỏ.

* Phương án thi mới này tác động như thế nào đến ĐH Đà Nẵng?

- Về công tác tổ chức, ĐH Đà Nẵng tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ vào các trường thành viên theo kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT từ nhiều năm nay nên có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi. Hằng năm, bình quân có trên 50.000 thí sinh dự thi vào ĐH Đà Nẵng nên nếu được giao tổ chức thi cụm thì cũng thuận lợi. Do đó, ĐH Đà Nẵng hoàn toàn đủ khả năng phối hợp với Sở GD&ĐT và các trường ĐH trong khu vực tổ chức tốt kỳ thi này.

Về sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ: Nếu kỳ thi được tổ chức tương tự như thi ĐH “3 chung” những năm qua thì kết quả kỳ thi sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng, nên các trường, trong đó có ĐH Đà Nẵng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào ĐH. CĐ.

Ngoài ra, từ năm 2014 ĐH Đà Nẵng đã tổ chức tuyển sinh riêng ở một số ngành trên cơ sở xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh. Do đã có kinh nghiệm trong công tác xét tuyển nên ĐH Đà Nẵng có thể yên tâm trong công tác xét tuyển trong thời gian đến.

* Kỳ tuyển sinh năm 2015, ĐH Đà Nẵng sẽ sử dụng phương thức nào?

- Đối với các ngành tuyển sinh theo kết quả thi “3 chung” trước đây, ĐH Đà Nẵng dự kiến sử dụng chủ yếu kết quả kỳ thi quốc gia 2015 để xét tuyển, đồng thời kết hợp với kết quả trong quá trình học tập của học sinh. Những môn thi nào trong kỳ thi quốc gia được lựa chọn dùng cho xét tuyển và hệ số tương ứng còn phụ thuộc vào đặc điểm đào tạo của từng ngành.

Đối với các ngành có môn năng khiếu (Kiến trúc, Giáo dục mầm non, Âm nhạc), ĐH Đà Nẵng tổ chức kỳ thi phụ các môn năng khiếu và sử dụng kết quả thi này kết hợp với kết quả thi quốc gia và điểm trong quá trình học tập của học sinh để xét tuyển.

Đối với các ngành đào tạo đặc thù, chuyên sâu về môn nào đó (ví dụ cử nhân, sư phạm Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, Y đa khoa…), ĐH Đà Nẵng có thể tổ chức kỳ thi phụ các môn chuyên sâu để tuyển chọn thí sinh có năng lực về các môn cần thiết cho đào tạo.

* Dư luận xã hội lâu nay có sự hoài nghi về kết quả kỳ thi THPT hằng năm, chẳng hạn như không đủ độ tin cậy về chất lượng, liệu khi xét tuyển những thí sinh theo phương án thi mới, ĐH Đà Nẵng có tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng không?

- Nếu toàn xã hội có quyết tâm và kỳ thi được tổ chức, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc ở tất cả các khâu như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” những năm qua, thì kết quả kỳ thi quốc gia hoàn toàn có thể tin cậy để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Trong thời gian đến, để hướng tới việc tuyển chọn thí sinh theo năng lực ngành đào tạo, ngoài sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia và kết quả học tập quá trình, ĐH Đà Nẵng có thể tổ chức thêm kỳ thi phụ để đánh giá, kiểm tra năng lực của học sinh THPT cho phù hợp với ngành nghề đào tạo.

* Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!

NGỌC ĐOAN thực hiện

;
.
.
.
.
.