Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chi Lăng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), dù ở cương vị cán bộ quản lý, nhưng cô thuộc lòng học tên của nhiều học sinh, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với các em những khó khăn trong cuộc sống cũng như việc học tập.
Cô Trần Thị Kim Bình động viên em Lê Quang Đức đến trường. |
Chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến cảnh cô Bình vỗ về, động viên em Lê Quang Đức (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) đến lớp. Cô nhẹ nhàng nói: “Con cứ vào học với bạn bè, có gì cô sẽ giúp đỡ”. Sau đó, cô Bình bảo giáo vụ đưa em Đức vào lớp.
Thương yêu học sinh như con
Qua trò chuyện với chị M., mẹ của em Đức, mới biết gia đình chị có hoàn cảnh thật éo le. Chồng vướng vòng lao lý, chấp hành án tù 18 năm, một mình chị M. nuôi 4 con nhỏ. Thu nhập từ công việc bưng bê ở quán bún không đủ để chị lo cho 4 đứa trẻ. Nuốt nước mắt vào lòng, chị đành gửi hai đứa con nhỏ nhất vào Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi. Con gái đầu đang học lớp 2 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng; còn Đức thì từ ngày khai giảng năm học mới 2014-2015 đến nay, chưa hề được bước chân đến trường, bởi không có tiền để mua sắm áo quần, sách vở... Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ phường An Hải Tây, giữa tháng 9 này, chị M. mạnh dạn đưa Đức đến Trường tiểu học Chi Lăng để nhập học.
Phòng làm việc của cô Bình và Ban giám hiệu không khác gì một lớp học. Bên cạnh bàn làm việc của Ban giám hiệu kê thêm một vài bộ bàn ghế cho các học sinh “đặc biệt”. Hình ảnh cô Bình vừa làm việc, vừa hướng dẫn học sinh “đặc biệt” đánh vần từng chữ cái và làm toán… không còn xa lạ với cán bộ, giáo viên nhà trường trong những năm gần đây.
Cô Bình kể: Cách đây mấy năm, trường có hai học sinh lớp 1 dù học gần hết học kỳ 1 mà không nhớ được chữ nào, không biết nhận diện âm, con số. Tìm hiểu hoàn cảnh, cô biết một em có bố mẹ ly thân, em còn lại thì bố mẹ buôn bán hàng ăn vào ban đêm. Hai em không phải là học sinh khuyết tật, không thuộc diện chậm phát triển trí tuệ nên không thể được dạy chương trình riêng.
Vậy là Ban giám hiệu nhà trường đã tách hai học sinh này ra hai lớp để giảm áp lực cho giáo viên. Nhưng giáo viên một mực cho rằng, những em này không thể tiếp thu bài được. Cuối cùng, Ban giám hiệu đưa ra phương án: cô Bình nhận kèm một em, Phó Hiệu trưởng đảm nhận kèm một em.
Cứ vào giờ học, hai em lại đến phòng làm việc của Ban giám hiệu để học kèm. Từ đó, hai em tiến bộ rõ rệt. Một tháng sau, các em được về lại lớp. “Cuối năm học đó, các em không những được lên lớp mà còn đạt danh hiệu học sinh khá. Tổng kết năm học, một em mang sách Tập đọc lớp 1 tìm cô Hiệu trưởng để đọc cho cô nghe vanh vách”, cô Bình tâm sự. Những năm sau, hai học sinh này đều là học sinh giỏi của Trường tiểu học Chi Lăng.
Cam kết chất lượng
Cô Bình nhớ lại, năm học 2008-2009, khi mới về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Chi Lăng, cơ sở vật chất của nhà trường rất đơn sơ, trường không có lối vào, một nửa sân trường lởm chởm đất đá. Hằng năm, chất lượng dạy và học của trường xếp gần cuối bảng trên địa bàn quận Sơn Trà. Vì vậy, phụ huynh không muốn con em mình đến học, nên cứ đến mùa tuyển sinh thì học sinh “chạy” sang trường khác.
Để vực dậy ngôi trường, việc đầu tiên cô Bình làm là xin các cơ quan chức năng đầu tư kinh phí cải tạo sân trường, rồi vận động chính quyền địa phương xin kinh phí làm đường, mở thêm cổng phụ vào trường, tạo môi trường cảnh quan sư phạm khang trang.
Sau khi có cơ sở vật chất ổn định, một mặt cô Bình họp Hội đồng sư phạm để động viên cán bộ, giáo viên, đưa ra các giả pháp nâng cao chất chất lượng dạy học; mặt khác, đích thân cô cùng Ban giám hiệu đến các trường: tiểu học Tiểu La, tiểu học Ngô Gia Tự để gặp gỡ, vận động phụ huynh ở địa bàn phường An Hải Tây đưa con em mình về học tại Trường tiểu học Chi Lăng. Cô Bình nhớ lại: “Hồi ấy, Ban giám hiệu phải ra sức thuyết phục, cam kết với phụ huynh sẽ nâng cao chất lượng dạy học thì phụ huynh mới đồng ý cho con quay về trường”.
Từ năm học 2009-2010, tình hình tuyển sinh của Trường tiểu học Chi Lăng khả quan hơn, ít xảy ra trường hợp học sinh “chạy” sang trường khác. Chất lượng dạy và học cũng có những chuyển biến rõ rệt và tăng dần qua từng năm. Năm học 2012-2013, trường có 18 học sinh đoạt giải các môn văn hóa trong các cuộc thi cấp quận và thành phố. Năm học 2013-2014, trường đoạt 50 giải cấp quận, thành phố và quốc gia. Năm học này, lần đầu tiên trường có học sinh đoạt giải khuyến khích quốc gia ở bộ môn tiếng Anh.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN