Giáo dục
Nở rộ đào tạo nghề ngắn hạn
Hiện nay, bên cạnh những nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như sửa chữa ô-tô, điện tử, điện lạnh… phải học trong thời gian dài, xu hướng học nghề ngắn hạn từ 4-6 tháng, chú trọng thực hành hơn lý thuyết, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động ngày càng phát triển và được người học ưa chuộng.
Học viên học nghề pha chế tại Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. |
Chú trọng thực hành
Trong khi các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh, thì tại những trung tâm đào tạo nghề cho thanh niên, phụ nữ, số lượng người học luôn đông.
Ghi nhận tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (Hội LHPN thành phố) cho thấy, vài năm gần đây, số học viên tại trung tâm tăng đáng kể với thành phần người học phong phú và ngày càng trẻ hóa. Trước đây, trung tâm chỉ nhận đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ không có việc làm thì nay học viên là giới trẻ, chủ yếu trong độ tuổi từ 18-25 chiếm ưu thế.
Trong đó, “hot” nhất là nhóm ngành về dịch vụ - du lịch. “Số học viên tại trung tâm không những tăng mà đối tượng học viên cũng rất phong phú. Học viên hiện nay lựa chọn nghề học theo xu thế phát triển của xã hội, nhất là các ngành dịch vụ - du lịch, nấu ăn”, bà Nguyễn Thị Hiền Mai, Giám đốc Trung tâm cho biết. Bà Mai nói thêm rằng, xu hướng chọn nghề của giới trẻ đã có sự thay đổi, những khóa đào tạo ngắn hạn giờ đây được giới trẻ quan tâm hơn.
Trong thời gian qua, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (REACH - Đà Nẵng) chuyên tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, được biết đến là cơ sở đào tạo nghề chất lượng trên địa bàn thành phố. Với thời gian đào tạo 4 tháng/khóa (học cả ngày), học viên không chỉ nắm kiến thức chuyên ngành mà còn được hướng dẫn các kỹ năng mềm, tiếng Anh giao tiếp căn bản để thuận lợi trong quá trình làm việc. Hiện tại, trung tâm duy trì đều đặn 5 lớp/khóa với các ngành nghề: buồng phòng, bàn-bar, pha chế, thiết kế đồ họa - web, marketing, vẽ móng nghệ thuật, với khoảng 25-30 học viên/lớp.
Nhiều học viên lần đầu đến trung tâm lo ngại vì thời gian đào tạo ít nhưng với 70-80% thời gian thực hành, các học viên đều có cơ hội trải nghiệm những tình huống gần nhất với thực tế. Lê Thị Bình (SN 1992, quê Quảng Bình) đang học nghiệp vụ bàn - bar tại trung tâm cho biết: “Em cứ nghĩ đại học là con đường duy nhất để khởi nghiệp nhưng qua thời gian học nghề, em mới biết đó là suy nghĩ sai lầm. Em đã trải qua gần 3 tháng đào tạo và sắp bước vào kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Với những gì được học, em hoàn toàn tự tin mình có thể hoàn thành tốt kỳ thực tập”.
Cơ hội việc làm phong phú
Qua khảo sát, nhiều học viên, nhất là giới trẻ, tỏ ra thích mô hình đào tạo này. Các khóa đào tạo nghề ngắn hạn không chỉ tiết kiệm thời gian mà quan trọng hơn hết là hướng đến “trúng” và “đúng” nhu cầu của thị trường lao động, bảo đảm cho người học có việc làm như mong muốn khi kết thúc khóa học.
Anh Trung (SN 1987, quê Quảng Nam) sau khi kết thúc thời gian hướng dẫn nghiệp vụ bàn-bar tại một trung tâm dạy nghề không chỉ có việc làm ổn định mà hiện còn làm quản lý của một nhà hàng lớn trên địa bàn Đà Nẵng. Anh chia sẻ, trước đó, anh luôn nghĩ cơ hội việc làm rất thấp đối với người học nghề, chưa qua đào tạo cao đẳng hay trung cấp, huống gì việc thăng tiến.
Chị Nguyễn Phạm Quỳnh Anh làm chủ một tiệm cắt tóc khá nổi tiếng trên địa bàn quận Liên Chiểu ở tuổi 24. Chị Quỳnh Anh cho hay, thay vì chọn con đường làm công nhân khi không đậu đại học, chị Anh khởi nghiệp bằng nghề cắt tóc. Nhờ siêng năng, chăm chỉ học hỏi cộng với sự khéo léo, kết thúc thời gian học tại Trung tâm Đào tạo nghề thẩm mỹ Ý My, chị Anh hiện không chỉ là một “cây kéo” vững về trình độ mà còn rất nhanh nhạy trong việc bắt kịp các xu hướng làm đẹp.
Ông Tô Minh Quang, Quản lý Trung tâm REACH-Đà Nẵng kiêm điều phối viên quan hệ doanh nghiệp nhận định: “Bên cạnh đội ngũ nhân viên nòng cốt có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao, các doanh nghiệp hiện nay đều đánh giá rất cao trình độ, thái độ làm việc tích cực của những học viên đã qua đào tạo nghề ngắn hạn. Trong thời gian tới, mô hình liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp sẽ là xu hướng nổi trội của xã hội bởi đáp ứng được những gì doanh nghiệp đang thiếu và cần”.
Bài và ảnh: NGUYÊN KHOA