1. Trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 một tuần, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát đi thông báo không tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng, chỉ nhận “thiệp chúc mừng điện tử” gửi đến hộp thư điện tử của Bộ. Cũng trong thời gian này, một số Sở Giáo dục và Đào tạo, một số trường học trên cả nước, bằng các hình thức khác nhau, cũng thông báo không tiếp khách, không nhận hoa, quà tặng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trong lúc đó, một hiệu trưởng phải thốt lên: “Tôi xin nói với các bậc phụ huynh rằng đừng ai tặng quà riêng cho thầy cô nữa. Nếu quý phụ huynh có lòng thì xin dành số tiền đó ủng hộ quỹ khuyến học của trường”. Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều giáo viên cũng phải kêu lên rằng, ngày lễ 20-11 thật đáng sợ và họ tìm cách né tránh nó.
Có nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ khi đọc những thông tin này, khi cho rằng đây là việc làm đúng, cần thiết, xua tan đi được những gánh nặng lo toan của phụ huynh khi phải “đi quà” cho thầy cô. Thế nhưng, không thể không chạnh lòng suy nghĩ, cớ vì sao phải làm như vậy? Ở nhiều giáo viên, đó còn là một cảm giác chua xót.
2. Có thể hiểu, thời gian qua, ngành Giáo dục - Đào tạo trên cả nước đang chịu rất nhiều áp lực, từ báo chí cho đến dư luận, trước việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Trên nhiều trang báo, trên rất nhiều diễn đàn, vấn đề giáo dục, vấn đề “thương mại hóa nhà trường”, mua bán điểm, học giả bằng thật... được đem ra mổ xẻ. Chưa bao giờ, những hạn chế, khiếm khuyết, vấn đề dạy thêm, học thêm trong giáo dục được đưa ra bình luận nhiều như hiện nay.
Tại một trường THCS, giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng “kế hoạch tri ân quý thầy cô giáo” nhân ngày 20-11 và các dịp lễ chạp trong thời gian tới. Kế hoạch rất chi tiết này được gửi tới các phụ huynh với những số tiền rất cụ thể cho từng khoản đóng góp... Ở một trường khác, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp “ban hành” thư ngỏ chào mừng ngày của thầy cô, với những khoản đóng 300.000 - 500.000 đồng/học sinh/phụ huynh... Có lẽ, hầu hết thầy cô giáo không bao giờ muốn mình được “quan tâm” theo cách này. Cho nên, nhiều người cho rằng, chính các phụ huynh đã làm vấy bẩn môi trường giáo dục.
Ở góc độ nào đó, những vấn đề vừa nêu có thể là những lý do (của nhiều lý do) giải thích vì sao ngành Giáo dục - Đào tạo, một số trường học nói “không” với các chuyến viếng thăm, tặng hoa... trong ngày nhà giáo.
Nhưng vẫn cứ chạnh lòng, nghĩ, cớ vì sao phải làm như vậy?
3. Có lẽ trong mỗi đời người, ai cũng có cho mình một hoặc nhiều người thầy, những người đưa đò thầm lặng; những người luôn thẳm sâu trong ký ức, trong kỷ niệm; những người truyền đạt cho ta những tri thức đầu tiên cho đến (nhiều khi) cho ta những quyết định bước ngoặt của đời mình. Có lẽ đối với nhiều người, tặng một tấm thiệp mừng, mua một bó hoa cho thầy cô giáo của mình là niềm vui sướng nhất. Đó không chỉ là sự bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân, không chỉ thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, đó còn là điều thiêng liêng nhất: đạo nghĩa thầy trò!
Vậy nên, việc thăm, chúc mừng, tặng hoa hay tặng quà cho thầy cô giáo, những người đã từng và đang dạy dỗ mình, là lẽ thường tình, là tình, là nghĩa. Vấn đề là sự chúc mừng ấy, bó hoa ấy được tặng một cách hết sức tự nhiên, hết sức trân trọng, thể hiện tấm lòng chân thành của một học trò, của một phụ huynh. Với thầy cô cũng vậy, nhận một bó hoa như thế, hẳn họ rất vui và hạnh phúc lắm. Chỉ không nên nhận, như một giáo viên nói, nếu thầy cô đó tự nhận thấy mình không xứng đáng với tấm lòng của phụ huynh mà thôi.
4. 20-11, đọc những thông tin về việc không tiếp khách, không nhận hoa, tôi cứ băn khoăn nghĩ mãi. Nghĩ, không phải về việc có đi thăm hay không, mà nghĩ về việc tại sao chúng ta không nghĩ đến những điều lớn hơn, ý nghĩa hơn, tại sao chúng ta không để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên như nó vốn có...
Vấn đề không phải là thăm hay không thăm. Cũng không phải nhận hay không nhận. Vấn đề là chúng ta đừng để mất đi ý nghĩa cao cả của ngày Nhà giáo...
ĐÀ NAM