Giáo dục
Hết lòng với học sinh
Gần 20 năm làm nghề dạy học, lúc nào cô Đoàn Thị Thảo, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu), cũng tận tụy hết mình, thương yêu học sinh như chính con cháu của mình. Trong lớp có những em có hoàn cảnh khó khăn, học yếu, cô sẵn lòng giúp đỡ, đưa các em về nhà kèm cặp từng nét chữ.
Cô Đoàn Thị Thảo hướng dẫn học sinh học tập tại lớp. |
Đưa học sinh yếu về nhà kèm cặp
Sau khi Trường thực hành Sư phạm giải thể, năm 2010, cô Đoàn Thị Thảo chuyển về công tác tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Về trường thấm thoắt 5 năm nhưng đầy ắp nghĩa tình thầy trò.
Cô Thảo nhớ lại những ngày đầu về trường, cô được phân công chủ nhiệm lớp 5/4. Trong lớp, hầu hết học sinh ngoan, hiền, chỉ có trường hợp em T.Q.T thuộc diện khó bảo, thường bỏ học, ngồi học không chú ý, lười ghi chép.
Một lần, cô Thảo tìm đến nhà T. ở cạnh đường tàu, thuộc phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhưng chỉ gặp bà nội em, còn bố mẹ đi mót củi. Qua chuyện trò với bà nội của T., cô Thảo biết hoàn cảnh gia đình T. rất khó khăn, bố mẹ làm lụng suốt ngày kiếm tiền nên ít có thời gian chăm lo việc học hành của con. Cô nhờ bà nội của T. động viên em đến lớp, đồng thời mỗi tuần 3 buổi đến nhà để cô kèm, không lấy học phí.
Từ học sinh có sức học yếu, được cô Thảo kèm cặp, dạy bảo tận tình, T. học tiến bộ rõ rệt và thái độ học tập nghiêm túc hơn. Kết thúc năm học ấy, T. chuyển lên học lớp 6 Trường THCS Ngô Thì Nhậm. “Có lần tôi vô tình gặp lại T. Em mừng rỡ nắm tay tôi hỏi: Cô ơi, cô còn nhớ em không? Tôi gật đầu và cảm thấy xúc động lắm”, cô Thảo tâm sự.
Hiện cô Thảo cũng dạy kèm miễn phí cho học sinh lớp 5/6 gồm: L.N.T.U và D.V. Những em này được cô dạy kèm từ khi học lớp 3 đến nay. Cô Thảo kể, em U. mồ côi mẹ, còn em V. mồ côi cha. Hồi đó, hai em này học hành chểnh mảng, lên lớp không chịu ghi chép bài. Từ khi tìm hiểu, biết hoàn cảnh hai em, cô không cầm được nước mắt, bởi do mất cha, mất mẹ sớm, các em không được chăm sóc chu đáo. Vậy là cô đề nghị nhận hai em về kèm cặp từ năm học lớp 3 đến nay. Dường như hiểu được tấm lòng cô Thảo, hai em U. và V. cũng đã nỗ lực học tập tốt.
Muốn làm những điều tốt đẹp nhất
Trong những năm tháng dạy học ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, ngoài việc đưa hàng chục học sinh về nhà bồi dưỡng, dạy kèm miễn phí, cô Thảo nhiều lần trích đồng lương ít ỏi của mình và vận động thêm phụ huynh ủng hộ kinh phí mua áo quần, sách vở tặng học sinh nghèo, mồ côi cha hoặc mẹ.
Nhờ tấm lòng của cô, những học sinh nghèo như: T.V.L, N.G.K, L.N.T.U… có những bộ áo quần tươm tất để đến trường cùng bạn bè, vươn lên trong học tập. “Mỗi lần thấy các em đến trường trong tình trạng thiếu áo quần, sách vở, lòng tôi cảm thấy buồn khôn tả. Điều kiện của gia đình tôi cũng còn khó nên chỉ giúp các em chút ít để chia sẻ khó khăn với các em mà thôi”, cô Thảo tâm sự.
Kinh phí nhà trường eo hẹp, trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học ngoài giờ cho học sinh, cô Thảo bỏ tiền túi ra mua quà, trao thưởng để kích thích tinh thần học tập của học sinh. Bởi vậy, cứ mỗi lần đến tiết học ngoại khóa, học sinh đều tỏ ra hứng khởi.
“Mỗi lần lên bục giảng, nhìn học sinh học bài với sự hứng thú, hăng say phát biểu thì tôi cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, dù khó khăn, vất vả như thế nào tôi cũng luôn đặt mục tiêu phấn đấu là làm những điều tốt đẹp nhất cho các em nhỏ. Phải luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em thật tốt, giúp các em vững vàng sau này học lên những cấp tiếp theo”, cô Thảo nói.
Theo thầy Lê Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, dù hoàn cảnh gia đình của cô Thảo còn khó khăn, chồng không có việc làm ổn định nhưng cô luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm liền cô là giáo viên giỏi cấp quận, chiến sĩ thi đua cơ sở. “Trong trường, cô Thảo là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, nghề nghiệp để các đồng nghiệp trẻ noi theo”, thầy Dũng nói thêm.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN