.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém!

.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 và tuyển sinh ĐH,CĐ 2015 với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo, chuyên gia tuyển sinh, phụ huynh và học sinh vẫn chưa nắm rõ được những thay đổi trong thi năm 2015 và cho rằng, Bộ GD-ĐT triển khai vội vàng, gây nhiều áp lực cho nhà trường và học sinh…thậm chí gây thêm tốn kém cho xã hội so với kỳ thi trước.

Trước những băn khoăn trên, phóng viên đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến của nhiều nhà giáo hiện nay rất lo lắng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 và tuyển sinh ĐH,CĐ và cho rằng, Bộ quyết định thay đổi phương án thi vội vàng quá, không có lợi cho học sinh và nhà trường. Thậm chí có ý kiến chỉ nên giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tốt nghiệp THPT. Quan điểm của Bộ GDĐT như thế nào về ý kiến này?

Thi, kiểm tra, đánh giá là một khâu của quá trình dạy học, có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với các hoạt động khác của quá trình dạy học và giáo dục trong nhà trường phổ thông, tác động đến chất lượng, hiệu quả dạy học và luôn được toàn xã hội quan tâm.

Thi tốt nghiệp THPT được quy định trong Luật Giáo dục, kỳ thi này không chỉ nhằm mục đích để xét công nhận học sinh tốt nghiệp THPT mà quan trọng hơn là nhằm mục đích khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy học sinh tích cực học tập, cung cấp những thông tin phản hồi hữu ích, giúp cho giáo viên, nhà quản lí điều chỉnh quá trình dạy học và quản lí để đạt mục tiêu chất lượng dạy học ngày càng cao.

Thực tế cho thấy, nếu không thi thì cả người học và người dạy đều rất ít cố gắng. Hơn nữa, bằng tốt nghiệp THPT và kết quả thi còn là minh chứng cần thiết để phân luồng học sinh trong điều kiện hệ thống giáo dục ĐH, CĐ Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả các thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT; là điều kiện cần để tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo trong và ngoài nước.

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và cả những ưu điểm của thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” những năm qua.

Không phải là bỏ 1 trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức 1 kỳ thi với 2 mục đích. Phương thức này phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển, đó là coi trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng, quản lí quá trình giáo dục và quản lí chất lượng đầu ra.

Luật Giáo dục đại học đã chỉ rõ các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc phối hợp cả thi tuyển và xét tuyển.

Do vậy, Bộ GDĐT không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng như trước đây, mà sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh cùng với phương thức tuyển sinh riêng theo Đề án tuyển sinh của các trường.

Từ đó thấy rằng, cả xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đều cần đến thi. Việc có một kỳ thi đáp ứng được cả 2 mục đích này là một sự cố gắng đổi mới để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI yêu cầu:

“Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học tiến tới tổ chức một kì thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng...”; Nghị quyết số 37/2004/QH11 ngày 03-12-2004 của Quốc hội: “Tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực…”; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 01-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Kỳ thi THPT quốc gia  2015 sẽ giảm nhiều áp lực cho học sinh
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ giảm nhiều áp lực cho học sinh

Vậy theo Bộ trưởng, kỳ thi 2015 có làm giảm áp lực và tốn kém cho xã hội?

Từ năm 2014 trở về trước, thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau: thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ hoặc tại 4 cụm thi liên tỉnh; Số lượng bài thi nhiều hơn: 7 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH một khối (3 bài); 10 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài); 13 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài), tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài) và tuyển sinh CĐ (3 bài).

Nay, thí sinh dự một kỳ thi, làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi.

Những năm trước đây, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường ĐH, CĐ hoặc đến 4 cụm thi (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng) nên phải đi quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại là khá lớn.

Nay, với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình.

Trước đây, các thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH), 12 ngày (nếu thi tốt nghiệp, 2 đợt ĐH và 1 đợt CĐ). Nay các em chỉ thi 4 ngày nên giảm được chi phí dự thi.

Trước đây, Bộ phải xây dựng ít nhất là 5 bộ đề thi (2 bộ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 bộ cho 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ); với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT chỉ phải xây dựng 1 bộ đề thi.

Bên cạnh đó, trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí; Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.

Trước đây, các tỉnh sử dụng ngân sách để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây, theo thống kê sơ bộ, bình quân cả nước chỉ có khoảng dưới 20% thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Do đó, phần kinh phí dành cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm hơn nhiều so với các năm trước. Bộ GDĐT đề nghị các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách này cùng với làm tốt công tác xã hội hóa để tạo điều kiện đưa các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đến các cụm thi dự thi một cách an toàn, thuận lợi.

Đối với các trường ĐH, những năm trước đây ngoài lệ phí tuyển sinh, các trường vẫn phải phụ thêm một phần kinh phí để tổ chức tuyển sinh. Trong kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH chủ trì cụm thi ngoài lệ phí tuyển sinh sẽ được nguồn ngân sách hỗ trợ để tổ chức kỳ thi.

Tôi khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Bộ GD-ĐT có tính đến quyền lợi của thí sinh, đối tượng bị tác động nhiều nhất trong đổi mới thi cử?

Bộ GDĐT luôn lắng nghe ý kiến của học sinh, đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc đổi mới thi cử. Phương án thi được chọn có mục tiêu quan trọng là hướng đến bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Việc đổi mới thi, tuyển sinh sẽ được thực hiện có lộ trình theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, tạo thuận lợi để thí sinh xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia để trưng cầu ý kiến. Với những ý kiến góp ý, Bộ GDĐT sẽ làm gì để hoàn thiện các Quy chế này?

Những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là sự cụ thể hóa của việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW theo hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo độ tin cậy, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

Với tinh thần dành những gì thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, ngành Giáo dục sẽ nỗ lực cố gắng dù có khó khăn và vất vả hơn. Bộ GDĐT đã Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia trên cơ sở kế thừa những quy định của quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 và bổ sung những quy định mới đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi.

Bộ GDĐT đang tích cực triển khai để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, các giải pháp kỹ thuật liên quan để thực hiện quy chế thi như hình thành các cụm thi, xây dựng phần mềm quản lý thi, tập huấn, chuẩn bị cho công tác ra đề thi…

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý của toàn xã hội, tiếp thu với tinh thần nghiêm túc, cầu thị để hoàn thiện Quy chế nhằm tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Theo Dân trí

 

;
.
.
.
.
.