So với các trường THCS trên địa bàn quận Liên Chiểu, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng khá non trẻ bởi mới được chia tách từ Trường THCS Lương Thế Vinh từ tháng 8-2013. Dù vậy, tập thể, cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dạy và học, cũng như xây dựng cảnh quan sư phạm sạch đẹp, thân thiện.
Mô hình “một cửa” của nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các thủ tục, hồ sơ nhanh chóng cho phụ huynh học sinh. |
Đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính
Đến Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng mạnh đối với mọi người là cảnh quan sư phạm của nhà trường khá đẹp mắt, gọn gàng. Ngoài những hàng cây xanh tạo bóng mát, bồn hoa, giữa khuôn viên nhà trường được trang trí một hòn non bộ nổi.
Cạnh đó là khu vực làm việc của văn phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ được xây dựng khá hiện đại. Cán bộ, nhân viên văn thư, kế toán, thủ quỹ, giáo vụ được bố trí một dãy ghế liền kề nhau. Trong phòng “một cửa” trang bị camera để Ban giám hiệu nhà trường quan sát hoạt động của các cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ.
Chị Phạm Thị Ngọc Uyên, cán bộ văn thư Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, cho hay trước đây do mỗi bộ phận làm việc ngồi mỗi nơi, nên mỗi lần phụ huynh đến làm thủ tục nhập học, chuyển trường hoặc rút hồ sơ học sinh… phải đi lại nhiều lần, tốn thời gian. Sau khi các bộ phận bố trí vào một phòng làm việc, mọi việc được giải quyết nhanh gọn hơn.
Ông Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng nhà trường tự hào nói: “Đây là mô hình đầu tiên ở khối trường THCS trên địa bàn quận Liên Chiểu. Từ ngày thành lập mô hình văn phòng “một cửa”, phòng làm việc đẹp, gọn gàng hơn. Việc giải quyết thủ tục hồ sơ trôi chảy, ít sự phiền hà hơn trước rất nhiều”.
Để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên và học sinh tiếp cận thuận lợi văn hóa đọc, năm học 2013-2014, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Lương Bằng quyết định xây dựng mô hình thư viện mở thông qua việc dời thư viện cũ ở tầng 3 xuống tầng 1. Thư viện lúc nào cũng mở cửa, cán bộ, giáo viên có nhu cầu đọc sách, báo tự do đến đọc tại chỗ hoặc mượn mang về nhà.
Kể từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã được đầu tư kinh phí gần 700 triệu đồng để sửa chữa, cải tạo phòng học, tường rào cổng ngõ, mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng tốt việc dạy và học.
Chuyển biến tích cực trong dạy và học
Dù mới được thành lập nhưng chất lượng dạy và học của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng đã có những chuyển biến tích cực. Kết thúc năm học 2013-2014, trường có 1.301/1.329 học sinh có hạnh kiểm khá, tốt; 280 học sinh có học lực giỏi, 488 học sinh học lực khá. Tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, học sinh nhà trường đạt 23/34 giải, xếp thứ ba toàn quận Liên Chiểu, trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 10 giải ba và 11 giải khuyến khích. Toàn trường có 227/287 học sinh lớp 9 trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập.
Trong năm học đầu tiên khi trường mới thành lập, học sinh nhà trường chỉ đạt 1 giải khuyến khích cuộc thi giải Toán qua máy tính cầm tay cấp thành phố dành cho học sinh lớp 9. Năm học 2014-2015, học sinh nhà trường xuất sắc đạt 7/7 giải cấp thành phố, gồm 2 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Với kết quả này, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng dẫn đầu toàn quận Liên Chiểu.
Ông Phạm Thanh Bửu cho hay, thầy và trò nhà trường sẽ nỗ lực hơn nữa để giành nhiều thành tích trong dạy và học. Ban giám hiệu nhà trường tập trung các giải pháp yêu cầu các tổ bộ môn, giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, có phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi, tạo điều kiện cho giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; phát huy tác dụng của việc viết và phổ biến sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Kế, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu nhìn nhận, dù mới được thành lập nhưng bước đầu Trường THCS Nguyễn Lương Bằng đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng nền nếp, cảnh quan sư phạm. Trong đó, đáng ghi nhận, chất lượng dạy và học của nhà trường đã có sự chuyển biến khả quan, góp phần vào chất lượng giáo dục chung của toàn ngành.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI