“Sự chuyển động trong nhận thức, trong tư duy về đổi mới giáo dục như một mệnh lệnh cuộc sống đã thấm vào trong suy nghĩ, hành động của không chỉ những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục mà của toàn xã hội” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi nhân dịp đầu Xuân năm mới 2015.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận |
Có lòng tin, có tính nguyên tắc, có trách nhiệm sẽ vượt qua khó khăn
Thưa Bộ trưởng, năm 2014 là năm có nhiều chuyển động nhất của ngành giáo dục với nhiều quyết sách đổi mới quan trọng. Là người lãnh đạo ngành, ông tâm đắc nhất điều gì?
Điều tôi thấy tâm đắc nhất là sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đối với giáo dục. Bên cạnh đó, sự chuyển động trong nhận thức, trong tư duy về đổi mới giáo dục như một mệnh lệnh cuộc sống đã thấm vào trong suy nghĩ, hành động của không chỉ những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục mà của toàn xã hội.
Sự hưởng ứng của các thầy cô, các em học sinh khi Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà trường chính là điểm tựa để đổi mới giáo dục có những bước đi vững chắc. Ở khối phổ thông, nhà trường đã được giao chủ động để xây dựng kế hoạch học tập.
Ở khối đại học, các trường được tự chủ và chịu trách nhiệm về hoạt động chuyên môn theo tinh thần Luật Giáo dục đại học, Bộ không can thiệp sâu như trước. Chương trình khung đại học cũng đã được bỏ, các trường được khuyến khích, tạo động lực để gắn kết với doanh nghiệp, để sản phẩm đào tạo gần hơn với thị trường lao động...
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo dục phổ thông. Bộ GD-ĐT đang tiến hành nhiều công tác để triển khai.
Nhưng cũng phải lưu ý rằng: Giáo dục là sự nghiệp lâu dài. Bác Hồ đã nói: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Những công việc của sự nghiệp đổi mới ngành Giáo dục đang triển khai hôm nay phải mất một thời gian nữa mới thấy kết quả. Đây không phải là việc làm có thể thấy ngay toàn bộ kết quả.
Sự nghiệp đổi mới GD-ĐT cũng như sự nghiệp đổi mới mà Đảng đã khởi xướng từ năm 1986 là sự nghiệp của toàn dân, của quần chúng, do Đảng ta lãnh đạo.
Nói riêng trong ngành Giáo dục, tôi có lòng tin mạnh mẽ vào đội ngũ đông đảo thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang vượt qua vô vàn khó khăn trở ngại, từng bước kiên trì vượt qua chính mình, chủ động sáng tạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Có lòng tin, có tính nguyên tắc, có tinh thần trách nhiệm sẽ vượt qua được mọi khó khăn.
Bộ trưởng có lòng tin mạnh mẽ vào đội ngũ đông đảo thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang vượt qua vô vàn khó khăn trở ngại để tiến tới thực hiện tốt việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vậy, song hành cùng với việc này, công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa Bộ GD-ĐT đã thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Để chuẩn bị cho việc đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào giảng dạy, Bộ GD-ĐT sẽ đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên. Nhưng ngay từ bây giờ, đội ngũ giáo viên phổ thông đang từng bước đổi mới nhận thức và hoạt động giáo dục. Đây là những bước đầu tiên tập dượt cho việc đưa chương trình, SGK mới vào giảng dạy.
Việc đổi mới thi cử đã và đang được triển khai cùng với đổi mới cách dạy của thầy và cách học của trò. Chương trình, sách giáo khoa hiện hành đang được tổ chức dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng kiểm tra trí nhớ.... nay phải chuyển dần sang đánh giá phẩm chất, kỹ năng người học. Hướng đổi mới này sẽ tiếp tục với mức độ sâu hơn ở những năm về sau.
Quá trình này vừa nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa là hoạt động trải nghiệm thực tiễn để các thầy cô giáo làm quen và nắm vững cách dạy học theo hướng phát triển kỹ năng.
Như vậy, đây là quá trình chuyển đổi đội ngũ giáo viên hiện nay sang dạy - học theo chương trình mới, sách giáo khoa mới trong những năm tới. Đây cũng chính là những bước đầu tiên của quá trình bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay về kinh nghiệm và kiến thức giáo dục phát triển năng lực.
Bộ GD-ĐT cũng tăng cường chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT tham gia, tận dụng tối đa ưu điểm của “trường học kết nối”, mô hình trường học mới VNEN để tạo nên một sự chuyển động trên diện rộng cho việc đổi mới giáo dục phổ thông đáp ứng sự công bằng trong giáo dục.
Năm 2015, một trong những việc quan trọng tập trung nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị là tổ chức tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia và đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ, chú ý phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc và vùng có điều kiện khó khăn.
Tôi không nghĩ đến dấu ấn cá nhân!
Một trong những đột phá quan trọng trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đổi mới thi cử mà Bộ GD-ĐT đang triển khai. Tuy nhiên, với thay đổi này mặc dù đã nhận được sự ủng hộ lớn từ đội ngũ các thầy cô giáo nhưng vẫn còn ý kiến băn khoăn. Bộ trưởng có sợ gặp khó khăn?
Khó khăn lớn nhất chính là sức ỳ và thói quen. Trong ngành Giáo dục, cách dạy, cách học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều hiện hành đã tồn tại từ lâu, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và toàn xã hội đã quen thuộc với cách thức đó. Thay đổi một nếp nghĩ, nếp làm đã thành “truyền thống” là công việc không dễ. Có thể ai cũng nhận thức được là cần phải thay đổi nhưng khi thực hiện thì vô hình trung nếp cũ lại quay về, cản trở quá trình đổi mới.
Vấn đề chính là phải thay đổi nhận thức và tư duy. Chúng ta phải làm cho khoảng 2 triệu thầy cô giáo hiểu thống nhất nhận thức và hành động; làm cho khoảng 20 triệu học sinh cùng chủ động thay đổi; rồi tiếp đến là mấy chục triệu phụ huynh học sinh cũng đồng thuận, ủng hộ và giúp đỡ thầy và trò đổi mới.
Bộ trưởng từng nói đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân là trận đánh lớn, vậy việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ có phải là trận mở màn?
Nếu nói là mở màn thì chúng tôi đã làm nhiều việc trước đấy như sử dụng chương trình, cách dạy cách học tiếng Việt; thay đổi cách dạy, cách học và cách thi cử ở tiểu học; thay đổi cách dạy từ truyền thụ kiến thức sang phát triển kỹ năng, tổ chức kỳ thi nghiên cứu khoa học của học sinh THPT; thay đổi cách ra đề thi, chấm thi tốt nghiệp năm 2014...
Điều lo lắng nhất của Bộ trưởng trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới là gì?
Tôi không có điều gì quá lo lắng cả. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quyết tâm của ngành xã hội và với kinh nghiệm chúng tôi đã có sẽ triển khai thắng lợi kỳ thi này.
Mỗi lãnh đạo đều mong muốn có dấu ấn cá nhân trong thời gian đương nhiệm. Liệu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong đó có đổi mới thi cử, có phải là dấu ấn cá nhân của ông trong suốt thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục?
Tôi không nghĩ đến dấu ấn cá nhân mà tôi mong muốn có sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục nước nhà.
Sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua luôn bắt đầu từ sự đổi mới nhận thức. Bên cạnh việc giữ lại những nề nếp tốt đẹp, ta cũng phải mạnh dạn đổi mới những điều không phù hợp.
Cá nhân tôi và các đồng nghiệp luôn rất nghiêm túc, thận trọng, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía, có trách nhiệm khi đưa ra quyết định, không chỉ với sự nghiệp chung mà còn với từng học sinh, trong đó có cả con chúng tôi.
Nhân dịp đầu năm 2015, là người đứng đầu ngành GD-ĐT, Bộ trưởng gửi gắm gì đến các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước?
Xin cảm ơn tất cả nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo trong năm 2014 đã gửi ý kiến góp ý, hiến kế việc đổi mới giáo dục, cảm ơn các thầy cô giáo đã đi đầu trong việc triển khai các mô hình, các phương pháp giáo dục hiện đại, tích cực, đóng góp tâm huyết, trí tuệ, sát cánh cùng chúng tôi trong việc giải quyết những bất cập, hướng tới đổi mới giáo dục.
Nhiều thầy cô giáo công tác, dạy học ở vùng sâu vùng xa đang từng ngày phải vượt qua khó khăn để bám trường, bám lớp. Tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả về vật chất, về điều kiện làm việc, về gánh nặng trách nhiệm mà các thầy, cô giáo đang phải chấp nhận và vượt lên.
Về trách nhiệm của mình, tôi đã và vẫn đang cố gắng để góp phần làm vơi bớt những khó khăn, vất vả này, góp phần tạo điều kiện để các thầy cô giáo yên tâm hơn, chủ động, sáng tạo hơn trong công việc của mình.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Theo Hồng Hạnh (Dân trí)