Ngày 4-2, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, để đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương (khóa XI), về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, một trong những yếu tố quan trọng là việc đổi mới giáo dục phải được bắt đầu từ các trường sư phạm. Phải xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng và số lượng.
Thời gian qua, các trường, khoa sư phạm đã làm tốt sứ mệnh của mình trong việc đào tạo và bồi dưỡng lực lượng nhà giáo cho ngành sư phạm nói riêng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành nghề khác trong xã hội. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, hệ thống các trường, khoa sư phạm đang đối mặt với một số thách thức trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cho ngành giáo dục…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, đổi mới cơ bản và toàn diện GD&ĐT có những vấn đề then chốt, đột phá. Trong đó, phát triển đội ngũ và đổi mới cơ chế là vấn đề then chốt cần được đặc biệt quan tâm. Phải đổi mới phương pháp, cách tổ chức dạy học từ nặng về truyền dạy một chiều sang phát huy tính chủ động, sáng tạo; từ hình thức chủ yếu là dạy học trên lớp sang coi trọng hơn tổ chức hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
PHƯƠNG CHI