.
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG LẦN THỨ 7, NHIỆM KỲ 2015-2020

Khẳng định thương hiệu đại học sư phạm trọng điểm quốc gia

.

Trong 5 năm qua, Đảng bộ  Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (ĐHSP-ĐHĐN) lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết xây dựng nhà trường theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, tạo nền tảng vững chắc để năm 2015 trở thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ chất lượng tốt, ngang tầm với các cơ sở đào tạo lớn trong nước và khu vực. Đây là tiền đề quan trọng để Trường ĐHSP tạo bứt phá mới trong giai đoạn đến.

Đội ngũ giảng viên của Trường ĐHSP không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ đào tạo trong giai đoạn mới .
Đội ngũ giảng viên của Trường ĐHSP không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ đào tạo trong giai đoạn mới.

Phát triển vững mạnh, toàn diện

Thành tựu của Đảng bộ Trường ĐHSP trên các mặt công tác được đánh giá toàn diện, bền vững, đặc biệt có những kết quả mang tính nhảy vọt. Kết quả đó góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Trường ĐHSP-ĐHĐN trong hệ thống giáo dục đại học khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào danh sách 7 trường ĐHSP trọng điểm quốc gia, tham gia vào chương trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, trước mắt là tham gia vào chương trình đổi mới sách giáo khoa và đào tạo giáo viên sau năm 2015.

PGS,TS Lưu Trang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP cho biết, thực hiện sự lãnh đạo của cấp ủy, nhà trường luôn bảo đảm thực hiện tuyển sinh hàng năm từ 1.650 đến 1.750 sinh viên (SV), giữ quy mô đào tạo từ 6.000 đến 6.500 SV. Đây là quy mô đào tạo hợp lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Điều này thể hiện rõ kết quả học tập và rèn luyện của SV; trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp đạt từ 86 đến 96%, tốt nghiệp loại khá, giỏi và xuất sắc chiếm từ 85% trở lên.

Cùng với đào tạo chính quy, trường chú trọng đào tạo hệ phi chính quy, không ngừng duy trì và mở rộng các mối liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong nước nhằm phát triển hệ đào tạo vừa làm, vừa học. Ngoài đào tạo cấp văn bằng, trường quan tâm đào tạo cấp các loại chứng chỉ, chứng nhận cho nhu cầu của người học như: Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng; chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và các chứng chỉ nghiệp vụ khác…

Trường ĐHSP tập trung đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng đưa công nghệ thông tin ứng dụng vào quá trình dạy học. Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, trường tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu xã hội”; đi liền công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế.

Hoạt động đào tạo sau đại học không chỉ diễn ra tại trường mà còn mở rộng đào tạo tại các địa phương. 5 năm qua, gần 1.000 học viên tốt nghiệp thạc sĩ và 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của trường được ứng dụng vào thực tiễn giáo dục-đào tạo và đời sống sản xuất như: Đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô cho cây trồng cho các địa phương…

Hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp tạo cầu nối hỗ trợ sinh viên đạt những kết quả thiết thực. Tuy vậy, những hạn chế được Đảng bộ nhà trường thẳng thắn nhìn nhận như: Trong công tác đào tạo các ngành học chậm thay đổi nên không kịp thích nghi sự thay đổi của nhu cầu xã hội; chưa hoàn thành việc mở các mã ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Cán bộ, giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học chưa nhiều, chưa đều, kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) chưa có sự đồng đều giữa các khoa, ngành. Về công tác phát triển Đảng, việc phát triển Đảng trong SV ở một số chi bộ còn chưa đều và liên tục…

Trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu

Giai đoạn 2015-2020, Trường ĐHSP đứng trước nhiều thuận lợi lớn khi Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục-đào tạo. Đặc biệt, vị thế đại học vùng của ĐHĐN tiếp tục được khẳng định trong nước và quốc tế. Với bề dày kinh nghiệm 40 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Trường ĐHSP xác định sứ mệnh của mình là: “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ khoa học chất lượng cao cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và trên cả nước; NCKH, chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Do vậy, mục tiêu của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2015- 2020 là tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, tạo những bước đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, chất lượng đào tạo và NCKH, nâng cao vị thế và uy tín của trường trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và trên thế giới.

Đảng bộ Trường ĐHSP nỗ lực bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường ĐHSP lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020 để hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Đảng bộ vững mạnh về chính trị, có đủ bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Trường ĐHSP-ĐHĐN trở thành trường sư phạm trọng điểm quốc gia, tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.

Trong 5 năm liên tục (2009-2014) Đảng bộ ĐHSP đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, trong đó có 4 năm liên tục (2011-2014) đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Nhiệm kỳ 2010-2015, Trường ĐHSP có hơn 50 GV bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, 32 GV bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Toàn trường có 12 khoa, 6 phòng, 1 tổ trực thuộc và 3 trung tâm với tổng số CBVC là 381 người. Trong đó, có 14 GS-PGS, 58 TS và TSKH, 192 ThS, 69 giảng viên chính. Đảng bộ Trường ĐHSP phấn đấu đến năm 2020, 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó trình độ tiến sĩ đạt 30%, GS/PGS đạt 10%. Ít nhất 50% GV sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp và nghiên cứu tài liệu chuyên môn.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.