Đó là các trường ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, ĐH Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay sau khi công bố đề án tuyển sinh, các trường trên đã công bố mức điểm xét tuyển vào trường theo Kỳ thi THPT quốc gia.
Tuyển sinh 2015, thí sinh có rất nhiều cơ hội để lựa chọn trường học. |
Trường ĐH Hà Nội: 15 điểm mới được xét tuyển vào trường
Năm 2015, Trường ĐH Hà Nội xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ của kỳ thi này đạt 15 điểm trở lên (theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số) được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Việc xét tuyển sẽ theo ngành đào tạo mà thí sinh đã đăng ký trước. Tổng điểm để xét tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên (nếu có) và điểm của môn thi chính đã nhân hệ số 2. Danh sách công bố công khai và xếp từ cao xuống thấp.
Trường ĐH Hà Nội sẽ thực hiện xét tuyển nhiều đợt cho đến hết chỉ tiêu của từng ngành.Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng kí xét tuyển ở các đợt xét tuyển sau. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng kí hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Thí sinh có quyền đăng ký xét tuyển vào bất kỳ ngành học nào còn chỉ tiêu trong các đợt xét tuyển tiếp theo nếu chưa trúng tuyển nguyện vọng I.
Học viện Tài chính: Tuyển thẳng thí sinh đạt 27 điểm/3 môn
Năm 2015, Học viện Tài chính xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo quy định. Học viện xét tuyển theo từng ngành. Điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm.
Học viện tuyển thẳng các đối tượng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và tuyển thẳng đối với thí sinh có 3 môn thi THPT quốc gia trong có môn Toán và 2 môn bất kỳ đạt 27 điểm trở lên không tính điểm ưu tiên.
Trong xét tuyển đợt 1, Học viện xét ngành nguyện vọng 1 trước. Tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu Học viện xét tiếp ngành nguyện vọng 2. Học viện xét tương tự như vậy đối với nguyện vọng 3, nguyện vọng 4. Kết thúc xét tuyển đợt 1, tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, Học viện xét tuyển bổ sung (đợt 2, 3…) theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh (môn Văn nhân hệ số 2). Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Hệ thống thông tin quản lý theo tổ hợp D01 (Ngữ văn, Toán, môn Anh văn) môn Toán nhân hệ số 2.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Điểm trúng tuyển cao hơn ngưỡng của Bộ ít nhất 2 điểm.
Tương tự như Học viện Tài chính, trường ĐH Kinh tế quốc dân sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì để xét tuyển.
Việc xét tuyển theo từng ngành. Điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT ít nhất 2 điểm.
Ngoài thực hiện tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, còn tuyển thẳng đối với thí sinh có 3 môn thi THPT quốc gia, trong đó có môn Toán và 2 môn bất kỳ, đạt 27 điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên
Trong xét tuyển đợt 1, trường xét ngành NV1 trước. Tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, trường xét tiếp ngành NV2 cho những thí sinh có đăng ký ngành NV2. Trường xét tương tự như vậy đối với ngành NV3, ngành NV4.
Kết thúc xét tuyển đợt 1, tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, trường xét tuyển tiếp đợt bổ sung theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển liên thông từ cao đẳng chính quy lên đại học, thời gian tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển, trường cũng xét như trên.
Điểm trúng tuyển vào từng ngành có thể thấp hơn, nhưng không quá 3 điểm so với đối tượng, khu vực tuyển sinh tương ứng không đăng ký xét tuyển liên thông, đồng thời đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào do Bộ quy định.
ĐH Quốc gia Hà Nội: 70 điểm mới có cơ hội được xét tuyển
Năm 2015, ĐHQGHN thống nhất dùng 1 bài thi Đánh giá năng lực phục vụ cho xét tuyển vào đại học.
Ngày 25-3-2015, thí sinh chính thức được đăng ký trực tuyến dự thi xét tuyển vào ĐHQGHN đợt 1 năm 2015 tại địa chỉ: http://www.cet.vnu.edu.vn, mục “Đăng ký trực tuyến”. Thời gian đăng ký dự thi xét tuyển đại học chính quy năm 2015 của ĐHQGHN chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 25-3 - 15-4; Đợt 2 từ ngày 20-6 - 10-7.
Những thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN phải thi 2 bài thi: bài thi Đánh giá năng lực và bài thi Ngoại ngữ. Các thí sinh khác chỉ phải thi một bài thi Đánh giá năng lực.
Về lịch thi: Đợt 1 sẽ kéo dài từ ngày 30 – 31-5 (ngày 1 – 2-6 dự phòng). Đợt 2 từ ngày 1 – 2-8 (ngày 3 – 4-8 dự phòng). Riêng thí sinh dự tuyển vào ĐHNN (ĐHQGHN) sẽ dự thi môn Ngoại ngữ vào sáng 30-5 (đợt 1) và sáng 1-8 (đợt 2). Sau khi dự thi môn ngoại ngữ sẽ dự thi Đánh giá năng lực vào một trong các buổi thi còn lại.
Địa điểm thi sẽ được đặt tại Hà Nội là ĐHQGHN, ở Đà Nẵng là trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, ở Nghệ An là trường Đại học Vinh, ở Thanh Hóa là trường Đại học Hồng Đức, ở Hải Phòng là trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ở Nam Định là trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định và ở Thái Nguyên là trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên.
Thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính. Riêng với môn ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi Đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài (được mặc định trong máy tính) là 195 phút.
Bài thi gồm 3 phần riêng biệt với thời gian hạn định của từng phần khác nhau vì thí sinh phải lần lượt làm từng phần. Đó là phần 1 – tư duy định lượng (kiến thức Toán), phần 2 – tư duy định tính (kiến thức Ngữ văn) và phần 3 với 2 nội dung: Tư duy định lượng 2 (Khoa học tự nhiên) và Tư duy định tính 2 (Khoa học xã hội).
Các thí sinh phải đạt từ 70 trở lên (trên 140 điểm) thì mới có cơ hội được xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHQGHN.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Xét tuyển 3 môn đạt 20 điểm trở lên mới được đăng ký
Phương thức tuyển sinh năm 2015 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 tại các cụm thi trên cả nước do các trường đại học chủ trì và kết hợp hình thức sơ loại dựa trên kết quả học tập cấp THPT.
Điều kiện sơ loại: Thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn xét tuyển đạt từ 20,0 điểm trở lên.Trường sẽ kiểm tra điều kiện này dựa trên học bạ THPT (bản gốc) của thí sinh trúng tuyển khi đến trường làm thủ tục nhập học.
Điều kiện sơ loại không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ cao đẳng chính quy của Trường lên đại học.
Tổ hợp 03 môn xét tuyển: Ngoài tổ hợp ba môn thi theo các khối thi truyền thống của Trường là Toán-Lý-Hóa, Toán-Lý-Anh, Toán-Văn-Anh, Trường bổ sung thêm các tổ hợp ba môn khác là Toán-Hóa-Anh, Toán-Hóa-Sinh phù hợp theo từng nhóm ngành xét tuyển.
Môn Toán là môn thi chính (nhân hệ số 2) khi xét tuyển vào phần lớn các nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ. Môn Anh là môn thi chính (nhân hệ số 2) khi xét tuyển vào nhóm ngành Tiếng Anh (TA1, TA2).
Điểm chuẩn theo nhóm ngành:Trường xây dựng điểm chuẩn và xét tuyển theo nhóm ngành. Mỗi nhóm ngành (gồm một hoặc vài ngành đào tạo) có một ký hiệu nhóm (cũng là mã xét tuyển), có một hoặc một vài tổ hợp các môn xét tuyển và có điểm chuẩn trúng tuyển theo từng tổ hợp môn xét tuyển.
Sinh viên trúng tuyển vào một nhóm ngành sẽ được phân ngành sau năm thứ nhất.
Theo Hồng Hạnh (Dân trí)