Giáo dục

Sáu phương án tuyển sinh năm 2015 của các trường đại học, cao đẳng

19:13, 05/03/2015 (GMT+7)

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, Bộ đã nhận được đề án tuyển sinh năm 2015 của hơn 400 trường đại học, cao đẳng.

Thí sinh có thể vào website của các trường đại học, cao đẳng để tìm hiểu cụ thể về phương án tuyển sinh.
Thí sinh có thể vào website của các trường đại học, cao đẳng để tìm hiểu cụ thể về phương án tuyển sinh.

“Tổng hợp từ các trường cho thấy, ngoại trừ duy nhất Đại học Quốc gia Hà Nội thi tuyển sinh riêng, còn lại tất cả các trường đều có sử dụng kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh,” ông Nghĩa nói.

Tuy cùng sử dụng điểm của kỳ thi quốc gia để xét tuyển nhưng phương thức tuyển sinh của các trường cũng có một vài điểm khác biệt.

Theo đó, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 sẽ có 6 phương thức xét tuyển.

Thứ nhất là phương án thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội với bài thi đánh giá năng lực.

Thứ hai là nhóm các trường vừa xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi quốc gia, vừa xét tuyển căn cứ trên điểm học bạ bậc trung học phổ thông. Theo ông Trần Văn Nghĩa, nhóm này có khoảng 150 trường. Nhiều trường trong số này là các trường ngoài công lập. Đây cũng là phương án được nhiều trường thuộc nhóm khó tuyển lựa chọn.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông thì điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 điểm đối với hệ đại học và 5,5 điểm đối với hệ cao đẳng (theo thang điểm 10).

Thứ ba là nhóm các trường chỉ sử dụng duy nhất điểm của kỳ thi quốc gia để xét tuyển, không có thêm yêu cầu riêng. Nhóm trường này chiếm đa số.

Thứ tư là nhóm các trường sử dụng điểm của kỳ thi quốc gia để xét tuyển nhưng có đặt thêm ngưỡng riêng. Theo đó, để có thể đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh phải đạt hạnh kiểm khá và có mức điểm nhất định ở bậc trung học phổ thông. Nhóm trường có yêu cầu này chủ yếu là các trường tốp trên, như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, để đăng ký vào Đại học Ngoại thương, thí sinh phải có điểm học lực trung bình chung các năm cấp ba từ 6,5 điểm trở lên. Để dự tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển, tính cho 6 học kỳ trung học phổ thông, từ 20 điểm trở lên. Điều kiện xét tuyển của Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là thí sinh phải có điểm học lực các năm bậc trung học phổ thông đạt từ 6 điểm trở lên. 

Thứ năm là nhóm các trường sử dụng điểm của kỳ thi quốc gia để xét tuyển đồng thời tổ chức thêm môn năng khiếu. Nhóm này gồm Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường khối văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, ngoài các trường khối văn hóa, nghệ thuật đã duy trì thi môn năng khiếu nhiều năm qua thì việc tổ chức thi thêm môn năng khiếu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là điểm hoàn toàn mới so với các năm trước đây.

Cụ thể, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thi thêm môn Năng khiếu báo chí với các thí sinh thi vào ngành Báo chí. Điểm của môn này sẽ được nhân hệ số hai khi tính điểm xét tuyển. 

Thứ sáu là phương thức tuyển sinh kết hợp nhiều tiêu chí, gồm xét điểm kỳ thi quốc gia, điểm học bậc trung học phổ thông và bài thi phụ. Đây là phương án tuyển sinh năm 2015 của Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, từ tháng 5, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển qua website của trường và nhập thông tin điểm tổng kết 6 học kỳ bậc trung học phổ thông. Điểm này chiếm 20% trọng số điểm xét tuyển.

Sau khi có điểm kỳ thi quốc gia, thí sinh tiếp tục cập nhật điểm của mình qua cổng thông tin điện tử của trường. Điểm này chiếm 60% trọng số. 

Trên cơ sở các điểm số trên, trường sẽ xét và có thông báo tới những thí sinh đủ điều kiện tham dự bài thi đánh giá năng lực để tìm thí sinh phù hợp với ngành luật. Bài thi gồm cả phần tự luận và trắc nghiệm với những nội dung là kiến thức xã hội, lịch sử, kinh tế, địa lý…

Theo lãnh đạo trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, bài thi nhằm kiểm tra khả năng tư duy logic của thí sinh là chủ yếu và kiến thức là những điều được các em tích lũy trong đời sống nên thí sinh không nên quá áp lực cũng như không cần học thêm.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện cả nước có 428 trường đại học, cao đẳng. Trong đó, số trường đại học công lập là 156 trường, đại học ngoài công lập là 58 trường. Số trường cao đẳng hệ công lập là 187 trường, ngoài công lập là 27 trường.

Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, các trường đều phải đăng tải công khai phương án tuyển sinh năm 2015 trên website của mình. Bộ cũng sẽ tổng hợp thông tin của các trường và đăng tải trên website của Bộ. Cũng theo ông Nghĩa, năm nay Bộ vẫn in cuốn "Những điều cần biết", dự kiến sẽ phát hành cuối tháng ba để thí sinh tham khảo.

Vietnam+

.