Với mục tiêu trở thành thành phố động lực của miền Trung, thành phố Đà Nẵng không ngừng đầu tư về mọi mặt, trong đó có giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng trao giấy khen cho sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi. |
Sự quan tâm, chú trọng đầu tư đúng mức đã đưa Đà Nẵng dần trở thành trung tâm GD&ĐT có uy tín ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Cùng với việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp bậc học phổ thông, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng học sinh mũi nhọn được thành phố luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu. Nổi bật là việc thành phố đầu tư mô hình Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THCS Nguyễn Khuyến nhằm bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt cho các em học sinh phát huy năng lực, phát hiện những nhân tố nổi trội để bồi dưỡng, phát triển nhân lực chất lượng cao.
Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hằng năm, học sinh Đà Nẵng luôn đoạt các giải thưởng cao và nằm trong 10 tỉnh, thành có số học sinh đoạt giải cao nhất. Điển hình là sau khi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được đầu tư theo mô hình trường chất lượng cao, kể từ năm học 2003-2004 đến nay, nhiều học sinh Đà Nẵng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế, được bạn bè trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao.
Nổi bật như các em: Đinh Hưng Tư, Nguyễn Đình Tùng, Phạm Xuân Hòa, Đỗ Quốc Khánh, Bùi Đức Thắng, Huỳnh Minh Toàn, Nguyễn Quốc Toán, Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Nguyễn Kiều Hiếu, Phạm Việt Cường, Hoàng Lê Phương, Lê Hữu Phước, Trương Thị Phương Thảo, Nguyễn Phan Trung Hải… Từ năm 2003 đến nay, học sinh nhà trường đoạt hơn 20 huy chương các loại và bằng khen tại các giải Olympic châu Á và quốc tế.
TS Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và đất nước nói chung, những năm qua, học sinh nhà trường đã tích cực tham gia Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, theo học tại các trường đại học (ĐH) trong và ngoài nước. Tính đến tháng 2-2014, có 426 học sinh nhà trường trong tổng số 505 học viên tham gia đề án này, chiếm 84,36%. Sau khi ra trường, các em trở về thành phố làm việc, được Sở Nội vụ đánh giá có năng lực chuyên môn sâu, có khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt.
“Hơn 10 năm qua, kể từ khi được thành phố đầu tư theo định hướng chất lượng cao, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã có bước phát triển nhanh, đạt được những thành tích khả quan, cả về chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn; trở thành một trong những trường dẫn đầu trong hệ thống trường chuyên cả nước, được Bộ GD&ĐT và các cấp quản lý đánh giá tốt”, TS Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh.
Xây dựng mô hình ĐH nghiên cứu
Ở bậc đào tạo ĐH, nhờ sự quan tâm đầu tư của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố Đà Nẵng; những năm qua, ĐH Đà Nẵng không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh, trở thành ĐH học vùng trọng điểm quốc gia ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đến nay, ĐH Đà Nẵng là cơ sở đào tạo đa lĩnh vực, đa cấp, đa ngành ở khu vực miền, với 9 trường thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc gồm các trường: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, CĐ Công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, Khoa Y Dược, đào tạo 18 chuyên ngành tiến sĩ, 33 chuyên ngành thạc sĩ, 109 chuyên ngành ĐH, 30 chuyên ngành CĐ và 15 ngành TCCN. Quy mô đào tạo của ĐH Đà Nẵng 85.000 sinh viên và 3.400 nghiên cứu sinh, học viên cao học.
Nếu như trước đây, muốn học cao học, hay nghiên cứu sinh, học viên phải đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc Huế…, thì nay, người học có thể học tại ĐH Đà Nẵng. Chị Nguyễn Quốc Thư Trâm (quận Hải Châu, học viên Cao học khóa K30 - ngành Quản lý giáo dục) nhận xét, nếu những thế hệ trước đây ngại đi học sau ĐH vì phải đi xa, tốn kém nhiều thì nay việc học tập thuận lợi hơn.
Theo GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, với vai trò ĐH vùng trọng điểm quốc gia, giữ vai trò trọng yếu trong việc đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, ĐH Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu vào năm 2020, trở thành ĐH định hướng nghiên cứu…
Ngoài hệ mạng lưới trường ĐH, CĐ công lập giữ vai trò nòng cốt trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có gần 30 trường ĐH, CĐ của các bộ, ngành, trường tư thục đang hoạt động, với quy mô đào tạo gần trăm nghìn sinh viên mỗi năm. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, những trường ĐH tư thục như: ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á, ĐH Kiến trúc… đã đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong các lĩnh vực khoa học sức khỏe, khoa học tự nhiên, khoa học-xã hội, kỹ thuật-công nghệ… góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI