Giáo dục

Giáo dục phổ thông Việt Nam đứng thứ 12, vượt qua Anh, Mỹ

08:10, 14/05/2015 (GMT+7)

Trong bảng xếp hạng mới nhất của OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, giáo dục Việt Nam được xếp hạng thứ 12, cao hơn cả giáo dục Anh, Mỹ.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thí nghiệm biến nước bẩn thành nước sạch - Ảnh: T.T.D
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thí nghiệm biến nước bẩn thành nước sạch - Ảnh: T.T.D

Đại diện OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - cho biết việc xếp hạng này dựa trên kết quả kiểm tra tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy có sự tương quan giữa giáo dục và phát triển kinh tế.

Singapore đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Anh chỉ đứng thứ 20 trong khi Mỹ xếp ở vị trí 28.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta có được cấp độ toàn cầu thật sự về chất lượng giáo dục” - giám đốc giáo dục của OECD Andreas Schleicher nói trên BBC.

“Ý tưởng này nhằm cho phép các quốc gia, giàu lẫn nghèo, có thể so sánh mình với những nền giáo dục hàng đầu thế giới để biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình, cũng như thấy được cái lợi về lâu dài đối với kinh tế khi cải thiện chất lượng giáo dục” - ông Schleicher nói thêm.

Việc xếp hạng dựa trên điểm toán và khoa học của các học sinh ở độ tuổi 15 tại các nước và vùng lãnh thổ, không phân biệt các nước phát triển và đang phát triển trong đánh giá. Kết quả dự kiến sẽ được trình bày ở Diễn đàn giáo dục thế giới tại Hàn Quốc vào tuần tới.

Cuộc khảo sát lần này cho thấy bức tranh rộng hơn đợt kiểm tra của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) mà OECD thực hiện năm 2012. Ngoài ra, PISA chủ yếu tập trung vào các nước công nghiệp có ảnh hưởng.

Trong bảng xếp hạng lần này cũng xuất hiện các quốc gia như Iran, Nam Phi, Peru hay Thái Lan được so sánh cùng các nền giáo dục nổi tiếng thế giới.

Nói về quốc gia đứng đầu là Singapore, ông Schleicher cho biết đảo quốc này đã thật sự nỗ lực khi vươn lên từ nước có tỉ lệ mù chữ cao trong những năm 1960 thành vị trí dẫn đầu.

Không riêng gì Singapore, “khi bước vào lớp học ở châu Á, bạn sẽ thấy các giáo viên đều kỳ vọng tất cả học sinh sẽ thành công. Sự tập trung, chặt chẽ và tính nghiêm khắc là rất cao. Những quốc gia này làm rất tốt trong việc thu hút các giáo viên giỏi, vì vậy mỗi học sinh đều có thể gặp được giáo viên xuất sắc” - ông Schleicher cho biết.

Tại Anh, nghiên cứu cho thấy 1/5 học sinh không đạt được trình độ cơ bản ở trường. OECD cho biết London có thể phải tốn hàng ngàn tỉ USD để cải thiện vấn đề này và nâng cao kỹ năng cho học sinh.

“Chúng tôi có vô số ngôi trường điển hình giúp nâng ngưỡng (chất lượng) lên rất cao” - Bộ trưởng Giáo dục Anh Lord Nash chống chế.

Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy sự kém chất lượng của giáo dục Mỹ, khi rơi lại phía sau các nước châu Âu và thậm chí thấp hơn cả Việt Nam; và sự tuột dốc đáng lo ngại của Thụy Điển do các vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục.

Ngoài ra, nghiên cứu đã liên hệ giữa giáo dục và tiềm năng phát triển kinh tế, ước tính sự gia tăng GDP quốc gia trong suốt cuộc đời của các học sinh, và chỉ ra rằng GDP sẽ tăng mạnh nếu tất cả học sinh đạt được trình độ cơ bản.

GDP của quốc gia cuối bảng là Ghana có thể tăng đến 3.881% nếu đạt được mục tiêu này, trong khi Việt Nam là 304% và Thái Lan là 414%.

Theo Tuổi trẻ

.