Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT đã khẳng định như thế trong cuộc trao đổi với báo chí sáng ngày 23-6.
Từ trái qua: các thí sinh Phạm Thị Liên, Phan Thị Dung và Nguyễn Thị Quyên tại ký túc xá Trung tâm giáo dục quốc phòng Trường ĐH Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay - Ảnh: Hà Bình |
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa của 8 môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia, một số địa phương đã tổ chức thi thử theo đề minh họa và dư luận cho rằng yêu cầu của đề thi quá khó.
Ông Mai Văn Trinh nói: "Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến góp ý và có những điều chỉnh hợp lý hơn khi xây dựng đề thi, ba rem điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tùy theo mục đích tham gia kỳ thi (chỉ xét tốt nghiệp THPT, chỉ dùng kết quả xét tuyển ĐH CĐ hay cả hai mục đích).
Đề thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ xây dựng theo hướng tiệm cận với hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT nhằm phát huy năng lực của người học, bước đầu tác động trở lại quá trình dạy học ở trường phổ thông. Nhưng sẽ không gây sốc cho thí sinh”.
Theo dự kiến thiết kế đề thi của Bộ GD-ĐT thì đề thi có khoảng 60% nội dung nằm trong phạm vi kiến thức, kỹ năng cơ bản, nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, 40% có nội dung mang tính phân hóa cao để lựa chọn xét tuyển ĐH CĐ.
“Một thí sinh chỉ cần làm được 50% nội dung câu hỏi cơ bản trong đề thi năm nay là đạt yêu cầu tốt nghiệp. Nếu so sánh với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014, thí sinh có bài thi đạt điểm tối đa là 10 điểm thì với đề thi năm nay, sẽ là 6 điểm. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt 3/10 điểm với đề thi năm nay là đạt yêu cầu ở mức trung bình”, ông Trinh chia sẻ.
Ông Trinh khẳng định có thể có những thí sinh chỉ đạt 2,5 điểm/môn nhưng được cộng điểm ưu tiên thì vẫn đạt yêu cầu tốt nghiệp THPT.
“Quy định của Bộ GD-ĐT thì ngoài điểm thi, điểm quá trình học của học sinh là những căn cứ để xét tốt nghiệp THPT nên thí sinh không nên qua lo lắng”, ông Trinh nói.
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, tiếp thu ý kiến góp ý nên đề thi sẽ không trộn lẫn các câu hỏi khó, dễ với nhau mà độ khó của các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo trình tự “khó dần lên”.
Như vậy sẽ tránh cho thí sinh bị tâm lý căng thẳng khi bập ngay vào các câu quá khó, dẫn đến việc mất bình tĩnh, ảnh hương đến kết quả bài thi.
Liên quan tới khâu chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho biết đã chỉ đạo các trường ĐH, sở GD-ĐT chủ trì cụm thi lựa chọn giáo viên đạt trình độ và có kinh nghiệm chấm thi nhiều năm.
Tuy nhiên để đảm bảo công bằng, khách quan đối với thí sinh ở các cụm thi, các địa phương khác nhau, hướng dẫn chấm thi năm nay sẽ cụ thể hơn.
Quy trình chấm thi tuân thủ hai vòng chấm độc lập, đồng thời sẽ có chấm thanh tra 5% số bài thi ngẫu nhiên, chấm thẩm định nếu có dấu hiệu bất thường.
Theo Tuổi trẻ