.

Điểm sàn đại học 2015: Cách nào để trúng tuyển ngay nguyện vọng 1?

.

Trong quá trình xét tuyển đợt 1, các em phải theo dõi thường xuyên thống kê của các trường để biết được mình ở vị trí nào trong đó.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trò chuyện với thí sinh trước giờ thi
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trò chuyện với thí sinh trước giờ thi

Bộ GD-ĐT đã công bố ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào ĐH, CĐ năm nay. Theo đó, tổng số thí sinh dự thi THPT Quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, Bộ GD-ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH năm 2015 là 15,0 điểm; CĐ là 12,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính).

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, để xác định ngưỡng điểm này, Hội đồng đã thống kê tất cả các tổ hợp truyền thống và các tổ hợp mới của các trường, cho thấy số thí sinh đạt ngưỡng đó rất cao. Bởi vì thí sinh thi nhiều khối, nhiều tổ hợp khác nhau cho nên rất nhiều em được ngưỡng điểm này.

Đây là số điểm trung gian của tất cả các tổ hợp. Vì có những tổ hợp trung bình lên đến 18, trong khi có những tổ hợp chỉ 14 điểm. Cho nên Bộ quyết định chọn tổ hợp phù hợp nhất, còn nếu chọn nhiều tổ hợp sẽ phức tạp và rắc rối.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Các trường sẽ xét tuyển từ trên xuống. Ví dụ ngưỡng của trường A là 17 điểm, nhưng hồ sơ của các em có thể 30 điểm, cho nên dù ngưỡng như thế nhưng điểm chuẩn có thể là 20, chứ không phải 17 điểm nhận hồ sơ thì là 17 điểm trúng tuyển.

Thí sinh phải bám sát thông tin của trường

PV: Thứ trưởng có tư vấn gì cho thí sinh vào thời điểm này để các em có thể trúng tuyển ngay ở nguyện vọng 1?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thí sinh phải tìm hiểu thông tin ở từng trường. Qua đó các em biết được khả năng thu hút thí sinh của các trường ở những năm trước. Đặc biệt trong quá trình xét tuyển đợt 1, các em phải theo dõi thông tin thường xuyên thống kê của các trường, bởi đây là thông số rất quan trọng giúp các em biết được mình ở vị trí nào trong đó, có khả năng trúng tuyển được hay không. Nếu không phải rút hồ sơ nộp vào trường khác.

Nếu không có thông tin đó, các em sẽ rất may rủi. Năm nay, Bộ tạo điều kiện cho các em hạn chế tối đa may rủi cho thí sinh. Các em nộp không đúng trường, vị trí của mình thì có thể rút hồ sơ nộp trường khác.

Thí sinh nên có thói quen tìm kiếm thông tin. Vừa rồi trong quá trình làm thủ tục đăng ký dự thi, Bộ yêu cầu các em lên mạng kiểm tra lại thông tin của mình cho đúng, nhưng nhiều em vẫn không làm hoặc không có phương tiện để làm. Cuối cùng đến giờ phút chót các em phải thay đổi thông tin, đổi cả môn thi nữa…

Nên nhớ là đợt 1 các trường tuyển được phần lớn các chỉ tiêu, tới hơn 70%, cho nên trượt đợt 1 thì sang đợt 2 số lượng ảo rất lớn vì các em có tới 3 giấy báo kết quả thi và có thể nộp cùng lúc.

PV: Bộ có giải pháp gì để thí sinh đỡ vất vả trong việc đi chạy lại rút hồ sơ?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi nộp hồ sơ, các em phải tính toán trước. Nếu thí sinh có điểm vừa phải mà nộp hồ sơ vào trường có yêu cầu điểm cao thì rõ ràng khả năng trúng tuyển sẽ thấp và sẽ phải rút hồ sơ.

Cho nên các em phải nghiên cứu thông tin kỹ lưỡng, để nộp vào không phải rút hồ sơ. Rút hồ sơ đồng nghĩa các em phải lấy kết quả thi đợt 1 để em nộp đợt khác, vì trong đợt 1 em chỉ có 1 giấy đó thôi. Các em phải trực tiếp hoặc nhờ người thân rút hồ sơ.

Còn khi các em muốn thay đổi nguyện vọng trong đợt 1 thì có thể thay đổi qua mạng, hoặc các phương án khác mà các trường công bố.

Theo quy định, các trường cứ 3 ngày phải công bố 1 lần thống kê lũy kế học sinh nộp sơ, điểm thí sinh tới thời điểm đó, để thí sinh biết được vị trí và xem xét rút hay để lại hồ sơ. Các em phải theo dõi thông tin để quyết định. Còn để phút chót các em mới nộp thì rất mạo hiểm, bởi vì khi đó sẽ không có thời gian trở tay để rút hồ sơ nữa.

Khi nộp hồ sơ, các em có 4 nguyện vọng, do đó nếu em không trúng nguyện vọng trước thì sẽ được xếp vào nguyện vọng sau, cho nên sẽ rất thoải mái cho các em lựa chọn. Nếu nộp trước, các em có thể điều chỉnh các ngành học ở ngay trong trường đó.

Việc công bố và cho các em rút hồ sơ đã đưa vào quy chế và buộc các trường phải thực hiện. Các trường đều có trang web, nếu thí sinh thấy trường không công bố thì có thể phản ánh và Bộ sẽ kiểm tra.

Việc thống kê và công bố của từng trường rất đơn giản, vì dung lượng không nhiều, truy cập không quá lớn cho nên không sợ quá tải hạ tầng công nghệ thông tin.

Tỷ lệ dôi dư thực tế là 52%

PV: Trong số các tổ hợp thì tổ hợp nào dồi dào trong nguồn tuyển, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kết quả thống kê trung bình của các phổ điểm như Bộ đã công bố cho thấy dồi dào nhất là khối A, điểm bình quân lên tới 18; những tổ hợp có những môn xã hội là chính như Toán với 2 môn xã hội thì điểm sẽ thấp hơn - có thể 14, 15 điểm.

PV: Với các vùng miền thì có tổ hợp nào thiếu nguồn tại chỗ không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện chúng ta không thể phân tích được vùng miền nữa mà tính trên bài toán tổng thể trên cả nước. Còn vùng miền đã có chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực. Cho nên các thí sinh ở đây không nhất thiết phải đạt điểm như thí sinh khu vực 3 thành phố.

Bình thường mọi năm các trường ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Chính vì thế chúng ta phải tính số lượng dư dôi nhất định, như ở thành phố dư nhiều nhưng chưa chắc các em đã về vùng xa. Do đó phải tính toán để các vùng đó tuyển sinh được tại chỗ.

PV: Bộ đã tính toán số lượng dư dôi năm nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với ngưỡng điểm ĐH là 15 cho tất cả các khối thi, thì tỷ lệ dư dôi là 1,52, có nghĩa 52% là dư. Với cách xác định thế này thì năm nay không có con số ảo.

Mọi năm khối A, B dư 1,3 hay 1,4 nhưng thí sinh ảo rất nhiều. Vì thí sinh thi khối A xong còn thi khối B, C nữa. Trong thuật toán chúng tôi đã loại ảo theo khối rồi.

PV: Theo phổ điểm Bộ công bố, điểm thi tiếng Anh của các thí sinh rất thấp. Vậy có vấn đề giảng dạy tiếng Anh ở bậc học phổ thông không và các em có đạt yêu cầu học ở bậc ĐH?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tại vì môn tiếng Anh là bắt buộc ở bậc phổ thông nên tất cả các em đều phải thi hết. Trong số những em thi có những em điểm rất cao. Chúng tôi đã thống kê các em trên 20 điểm khối D nhiều hơn với năm ngoái.

Kết quả điểm tiếng Anh thấp do thi chung trong tổng số tất cả các thí sinh. Có những em không có nguyện vọng học khối D cũng phải thi. Chúng ta thống kê hết tất cả nên phổ điểm thấp, nhưng với những em thực sự thi vào khối D thì điểm rất cao.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV

;
.
.
.
.
.