.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 91,58%

.

Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp 2015. Theo đó, kỳ thi (THPT) quốc gia năm 2015, tỉ lệ tốt nghiệp cả nước đạt 91,58%.

Bảng phổ điểm môn toán
Bảng phổ điểm môn Toán

Cụ thể, kỳ thi này 1.005.654 thí sinh dự thi, trong đó có 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, gồm 752.367 thí sinh khối THPT và 64.463 thí sinh khối giáo dục thường xuyên (GDTX).

Theo đó các sở GD-ĐT sẽ họp Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT chính thức và công bố kết quả tốt nghiệp THPT cho các thí sinh theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia. Căn cứ vào cơ sở dữ liệu của Bộ, kết quả tốt nghiệp năm 2015 như sau:

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015: Khối THPT đạt 93,42%, khối GDTX đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do sở GDĐT chủ trì là 84,45% và ở các cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%.

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT việc tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 có giảm so với các năm trước, phản ánh đúng hơn kết quả quả học tập của học sinh. Công tác coi thi, kỷ luật trường thi chặt chẽ hơn; quy trình chấm thi 2 vòng độc lập được tuân thủ nghiêm ngặt hơn; do mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học nên đã giảm tối đa hiện tượng học sinh giúp đỡ nhau làm bài trong phòng thi.

Tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn GDTX. Điều này phản ánh thực tiễn khác nhau về chất lượng giáo dục của 2 phương thức giáo dục này.

Tỷ lệ tốt nghiệp đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn ở các cụm thi do sở GDĐT chủ trì. Điều này phù hợp với thực tế là ở các cụm thi do các trường đại học chủ trì có nhiều thí sinh có kết quả học tập cao hơn. Chứng tỏ không có cơ sở để khẳng định những băn khoăn lo lắng về việc các cụm thi do địa phương tổ chức coi thi, chấm thi lỏng hơn cụm do các trường đại học chủ trì.

Kết quả tỷ lệ tốt nghiệp khác nhau giữa các tỉnh/thành phố cũng phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các địa phương. Những nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao đều là tỉnh/thành phố có điều kiện giáo dục phát triển tốt.

 
 
 
 
 
 
 

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.