Giáo dục

"Ấn" học sinh trái tuyến xuống trường?

07:32, 05/08/2015 (GMT+7)

Trong khi thành phố nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất cũng như có chủ trương hạn chế tuyển sinh trái tuyến để năm học 2015-2016 toàn thành phố Đà Nẵng có 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, thì ở địa bàn quận Thanh Khê, tình trạng tuyển sinh trái tuyến ở các trường tiểu học vẫn tiếp diễn.

Để có chỗ cho học sinh trái tuyến, năm học 2015-2016, Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ gộp hai phòng bộ môn Âm nhạc và Anh văn lại để lấy một phòng bố trí dạy học.
Để có chỗ cho học sinh trái tuyến, năm học 2015-2016, Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ gộp hai phòng bộ môn Âm nhạc và Anh văn lại để lấy một phòng bố trí dạy học.

Đáng chú ý, ở Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, năm học 2015-2016, có hơn 80 học sinh trái tuyến được “ấn” xuống, khiến nhà trường vỡ chỉ tiêu tuyển sinh.

Gộp phòng bộ môn để lấy phòng học

Sáng 4-8, chúng tôi đến Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ để tìm hiểu công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016, một lãnh đạo trường (xin giấu tên) cho biết, trên cơ sở số liệu điều tra phổ cập, năm học 2015-2016, trường được Phòng GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh 5 lớp 1 trong tuyến, với tổng cộng 185 học sinh. Tuy nhiên, cuối tháng 7 vừa qua, UBND quận Thanh Khê đã “gửi” xuống gần 100 học sinh trái tuyến. Như vậy, tính đến ngày 4-8, trường tuyển 288 học sinh lớp 1, tăng thêm 2 lớp so với chỉ tiêu được giao ban đầu.

Chỉ tiêu tuyển sinh bị vỡ 2 lớp, vậy chỗ đâu cho học sinh học? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, vị lãnh đạo này khẳng định là có chỗ và giải thích rằng, nhà trường đã có phương án trong năm học 2015-2016 nhập hai phòng bộ môn Âm nhạc và Anh văn lại thành 1 phòng, rồi lấy phòng còn lại làm chỗ cho học sinh học. Dù vậy, sĩ số lớp 1 năm nay trên 40 em/lớp.

Cũng trong sáng 4-8, tìm hiểu thực hư chuyện UBND quận Thanh Khê “ấn” gần 100 học sinh trái tuyến xuống Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, ông Trần Khôi, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Khê, tỏ ra bất ngờ khi nghe thông tin này.

Ông Khôi cho rằng, ngoài hai trường tiểu học Bế Văn Đàn và Trần Cao Vân tuyệt đối không được tuyển sinh trái tuyến, những trường còn lại nếu bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mới được nhận học sinh trái tuyến. Quy trình xét duyệt được các trường tổng hợp, gửi Phòng GD&ĐT, rồi Phòng GD&ĐT trình UBND quận xét duyệt. Không có chuyện UBND quận duyệt danh sách gửi xuống trường. Và ở Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, UBND quận Thanh Khê chỉ duyệt vài chục trường hợp thôi.

Sao phải “bí mật” chuyện tuyển sinh?

Không riêng Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, qua tìm hiểu, nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn quận Thanh Khê cũng bị vỡ chỉ tiêu tuyển sinh do tình trạng học sinh trái tuyến, sai sót trong điều tra phổ cập gây ra.

Sáng 4-8, chúng tôi đến Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm nhưng trường vắng hoe, chỉ có nhân viên dọn vệ sinh làm việc ở sân trường. Chúng tôi gọi điện thoại trao đổi về chỉ tiêu tuyển sinh, công tác tuyển sinh đầu cấp thì lãnh đạo trường này trả lời là không nói được. Khi nghe chúng tôi thắc mắc việc tuyển sinh đầu cấp thực hiện công khai sao không trả lời được, vị lãnh đạo này bảo rằng phải được Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho phép.

Sau đó, liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Tý, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, để hẹn làm việc, chúng tôi được ông Nguyễn Tý trả lời rằng đang bận. Khi chúng tôi đến Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê để nắm số liệu, một cán bộ tổng hợp bảo đợi xin ý kiến ông Nguyễn Tý. Sau khi điện thoại trao đổi với ông Nguyễn Tý, anh cán bộ tổng hợp nói rằng, ông Nguyễn Tý hẹn khi khác làm việc (!).

Trường chuẩn quốc gia 44 học sinh/lớp!

Việc tuyển sinh trái tuyến, quá tải học sinh sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như: Nhà nước phải đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ giáo viên. Chưa kể, do quá tải học sinh, nhiều trường đã bị phá vỡ chuẩn quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hoạt động giáo dục.

Bà Bùi Thị Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn, cho biết trên cơ sở số lượng điều tra phổ cập trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, năm học 2015-2016, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 280 học sinh (7 lớp). Thế nhưng, đến ngày tuyển sinh, có 303 học sinh nộp hồ sơ. Sở dĩ có sự biến động tăng số học sinh so với ban đầu là do cán bộ, giáo viên điều tra sót và nhiều trường hợp tạm trú, nhập khẩu sau thời gian điều tra phổ cập.

Khi được hỏi liệu nhà trường phải bố trí thêm lớp học nữa không, bà Bình cho biết, 303 học sinh này vẫn bố trí cho học 7 lớp theo kế hoạch, nhưng mỗi lớp có 44 học sinh. Cũng theo bà Bình, Trường tiểu học Bế Văn Đàn đã đạt chuẩn quốc gia mức 2 cách đây 5 năm, nhưng so với quy định của Bộ GD&ĐT, thì quy mô trường cũng như số lượng học sinh vượt nhiều. Cụ thể, trường hiện có 38 lớp, vượt chuẩn 8 lớp. Tình trạng này do quá tải học sinh.  

Tương tự, Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ đạt chuẩn quốc gia cách đây mấy năm. Tuy nhiên, do tình trạng quá tải học sinh lâu nay đã làm “mất chuẩn” so với quy định của Bộ GD&ĐT 35 học sinh/lớp, bởi sĩ số ở trường đều trên 40 học sinh/lớp.

Theo báo cáo số 645 ngày 28-7 của phòng GD&ĐT quận Thanh Khê gửi Quận ủy, UBND quận Thanh Khê về tình hình tuyển sinh năm học 2015-2016, tính đến ngày 27-7, Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ tuyển 7 lớp 1, với 287 học sinh. Trong đó, UBND quận Thanh Khê duyệt ngoại tuyến 81 học sinh.

Không chỉ ở cấp tiểu học, ở cấp THCS cũng xảy ra tình trạng tuyển sinh trái tuyến. Cụ thể, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng năm học 2015-2016 tuyển 10 lớp 6, với 430 học sinh. Nhưng đến ngày 27-7, trường nhận 483 hồ sơ. Trong đó, học sinh đúng tuyển 443 em và 40 học sinh ngoại tuyến.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

.