.

Cây cổ thụ của làng giáo Đà Nẵng đã ra đi

.

Tin thầy Trần Đại Tăng qua đời lan rộng trên facebook đã có nhiều sẻ chia. Vậy là người thầy giáo dạy lâu năm nhất của Trường trung học Phan Châu Trinh đã ra đi. Thầy đến dạy tại Trường trung học Phan Châu Trinh từ ngày 5-8-1958 và nghỉ hưu cũng tại trường này vào ngày 1-3-1998, tròn 40 năm.

Thầy Trần Đại Tăng (nhà thơ Trần Hoan Trinh) và bài thơ Dâng đời trong tập thơ Cháy bỏng như lửa mặt trời, NXB Văn học 2013.
Thầy Trần Đại Tăng (nhà thơ Trần Hoan Trinh) và bài thơ Dâng đời trong tập thơ Cháy bỏng như lửa mặt trời, NXB Văn học 2013.

40 năm dạy học, 40 năm với bao tình cảm dành cho đồng nghiệp và học trò đã hình thành những tập thơ: Tóc trắng sân trường; Tiếng chim ngoài cửa lớp; Một đời thầy, một đời thơ… Bút danh Trần Hoan Trinh đã để lại ấn tượng cho nhiều thế hệ học trò. Không ít anh chị xa trường, xa thầy 50, 60 năm, vậy mà vẫn nhớ và đọc lại thơ thầy. Thầy có nhiều bài thơ hay, nhiều bài lục bát duyên dáng, sâu sắc, đậm đà vị ngọt và cả chất cay của cuộc đời.

Bao lớp học trò - “học sinh thân thương của mình” (chữ dùng của thầy) đã đến rồi ra đi. 40 năm ấy, thầy từng viết trong lời bạt tập thơ Tiếng chim ngoài cửa lớp: “40 năm. Một thời gian quá dài. Nhưng cũng quá ngắn. Bao nhiêu hạnh ngộ. Bao nhiêu chia ly. Bao nhiêu ân tình. Bao nhiêu kỷ niệm... Lớp này đến, rồi đi. Lớp khác đến, rồi cũng đi. Để lại mình tôi với sân trường lá rụng, với hành lang dài ngút mắt. Cây xà cừ giữa sân ngày nào lớp tôi cố vấn trồng còn bé khẳng khiu, bây giờ cao vút, cành lá sum suê, che rợp cả một khoảng trời. Che kín sân trường. Che kín cả lòng tôi”.

Những ai đã đi qua ngưỡng cửa của Trường Phan Châu Trinh dù không học với thầy đều nhớ đến thầy. Nhớ dáng vẻ nho nhã, tựa như thi sĩ, nhẹ nhàng trong mọi ứng xử, chưa hề to tiếng với một ai. Nhớ những bài giảng của thầy về môn Toán. Nhớ những dòng thơ thầy viết cho đời, cho bạn, cho học trò. Nhớ một con người hồn hậu. 40 năm, nước chảy qua cầu, những khuôn mặt học trò thân yêu của thầy trôi dạt bốn phương trời!

Trong bài thơ Bỏ trường mà đi, xúc cảm về một đời đi dạy, gắn bó với bảng đen phấn trắng, gắn bó với từng con đường đến trường, gắn bó với bao lứa học trò, giờ đây, mai mốt này, “có một người thiếu mặt” sẽ xa gốc phượng hồng, chia tay “cây sao già trên sân”... Bài thơ như tổng kết 40 năm dạy học, 40 năm gắn với một đời người, một ngôi trường. Những dòng thơ trong trẻo như trăng non, như suối mát, nhưng cũng đượm đầy day dứt, như mây trời, như gió thổi. Thầy đã viết:

Ta đến khi tóc xanh
Ta về khi tóc bạc
Ngày mai trên trường xưa
Có một người thiếu mặt
 
Ta đến hồn như trăng
Ta về lòng như suối
Cây sao già trên sân
Người thua ta một tuổi
Bước đi trên hành lang
Bước đi trong lớp học
Cộng lại bằng con đường
Nối vòng quanh trái đất
 
Ta đã nói triệu lời
Ta đã viết triệu câu
Bóng hình ta khắp nơi
Từng góc tường đóng bụi
 
Ta lặng lẽ âm thầm
Bốn mươi năm cửa lớp
Còn gì cho ta đây
Những ngày dài cỏ mục
 
Tiễn ta về hôm nay
Hàng cây xanh cúi mặt
Gốc phượng hồng ngẩn ngơ
Học trò thì đâu mất
 
Ôi tượng đồng lặng câm
Người vô tri vô giác
Sao hiểu được lòng ta
Như sóng triều dào dạt
 
Ôi phấn trắng bảng đen
Thôi cũng đành vĩnh biệt
Rồi năm tháng cuối đời
Chắc nhớ người tha thiết
 
Mai còn ai khóc ta
Khi về thăm trường cũ
Cứ nhìn mây lưng trời
Lắng tai nghe gió thổi
 
Ta đến khi tóc xanh
Ta về tóc đã bạc
Đóa hồng nào cho ta
Sao đóa hồng tím ngắt!

Suốt một đời thầy đi dạy, nhiều học trò đã trưởng thành. Có người làm ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Có người làm thơ, viết văn. Có người làm công tác quản lý. Có người là công dân bình thường.

Học trò ra đi đứa đông đứa tây
Đứa mơ bên kia đứa mộng bên này

40 năm ấy. Chiến tranh. Loạn lạc. Hòa bình. Dâu bể. Số phận của bao cuộc đời, dù ở góc độ nào, phương trời nào, với thầy, vẫn như ngày cũ, ngày làm học trò của thầy. Khắp các châu lục, có người đã ngoài 70 tuổi, có người là đồng nghiệp của thầy, có người xa quê, chưa biết ngày về. Tất cả trong họ, mỗi khi gặp nhau, khi nói đến ngôi trường Phan Châu Trinh bao giờ cũng nhắc đến thầy. Thầy là cầu nối, là đầu câu chuyện. Mong ước của thầy “Cho ta hóa đá sân trường/ Để mai sau vẫn vui buồn bên em”.

Dễ thường có mấy ai trong đời dạy học được như thầy. Đó là sự quý mến, trân trọng, yêu thương. Đó là nơi tìm về của những giá trị nhân văn sâu sắc. Thầy sống thanh bạch, không đua chen. Trái tim của thầy nghiêng xuống những cảnh đời không may mắn. Thầy sẻ chia với với một nữ sinh bỏ học, lấy chồng phương xa: “Áo trắng cất đi chẳng mặc/ Em về mặc lấy áo hoa/ Vội chi em làm người lớn/ Bỏ đi một thời nữ sinh/ Ơi người học trò bé bỏng/ Mắt thầy như có mù sương (Bỏ lớp mà đi). Hay bài thơ Ai dư nước mắt: “Ngày xưa có một Thúy Kiều/ Bây giờ có vạn Thúy Kiều, đó em/ Tố Như ơi! Dậy mà xem/ Bao nhiêu nước mắt ướt mèm Lâm Tri”.

Hình ảnh ngôi trường Phan Châu Trinh cứ trở đi trở lại không biết bao lần trong cảm xúc của nhiều bài thơ của thầy. Đó là hình bóng người bạn, người đồng nghiệp, nhạc sĩ Trần Đình Quân:

Ta với ngươi cùng dạy một trường
Ta thì dạy toán, ngươi văn chương
Ta mê thơ phú, ngươi ca hát
Tiếng nhạc ngươi buồn thương vấn vương    
...
Thôi cũng đành một nén hương thơm
Ta vọng ngươi hề thiên nhất phương...

Đó là những năm tháng huyền thoại, khi tuổi còn rất trẻ, “hồn như mây và lòng sáng như trăng”:

Ngôi trường đó đón anh về như mẹ
Đón con yêu ở lại với mình
                
Anh đã có những ngày vui rất lớn
Những ân tình tha thiết rất sâu
Mỗi lớp học là thiên đường bé nhỏ
Ôm ấp anh trong thế giới nhiệm mầu
Học trò anh tươi vui như chim sẻ
Mắt như sao tình bát ngát như sông
Anh đã cho và nhận về đầy đủ
Bao tin yêu thương mến ấm lòng.

(Tháng năm huyền thoại)      

Thầy Trần Đại Tăng kính mến, thầy “ra đi nhưng lòng còn ở đó”, để lại bao tiếc thương cho gia đình, bè bạn, học trò cũ của thầy. Mai này đây, sẽ không còn thầy “âm thầm bên cửa lớp một mình” “nhìn lá đổ trên sân trường vắng vẻ”, thầy “bỏ mà đi cứ lưu luyến không đành”. Hết rồi những ngày thầy “lang thang trên lối cỏ sân trường”, “vuốt mái tóc điểm sương”, mà chỉ còn Dư âm:

Thôi kỷ niệm đã thành thơ cay đắng
Anh hoang vu như cây cỏ trong rừng
Chiều hôm nay bên hành lang vắng lặng
Nghe con ve buồn gọi nắng trong sân.

Trong một bài thơ có tên Phù hư, thầy đã thấy trước cuộc chia tay với trần thế, đi chuyến xe cuối cùng, nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “những chuyến xe không có khứ hồi”:

Một trăm con én bay vù
Tôi ru tôi giấc phù du nao lòng
Cuối cùng cũng cuộc trăm năm
Đi về một cõi mù tăm vô thường

Đọc lại những dòng hồi ức của thầy về Trường Phan Châu Trinh, mới thấy rằng hiếm ai yêu ngôi trường này như thầy:

“Có những chiều không có giờ dạy, tôi vẫn lang thang đi bộ đến trường. Đứng một mình trên hành lang, nhìn nắng chiều xen qua các tàng cây, với những giọt lung linh trên sân. Gió thổi, dăm chiếc lá chao mình, rơi lặng lẽ bên thềm. Tiếng giảng bài từ các phòng học gần đó vang bên tai, như mơ hồ, như vời vợi. Nhớ ngày tôi bước chân vào lớp dạy, ngỡ ngàng, rụt rè... Mới đó mà đã 40 năm. Bao nhiêu vật đổi sao dời! Bao nhiêu người ra đi! Bao nhiêu người trở lại? Bao nhiêu người nhớ. Bao nhiêu người quên. Còn lại mình tôi ở đây với một trời kỷ niệm”.

Bao lứa học trò của Trường trung học Phan Châu Trinh xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt thầy giáo Trần Đại Tăng, nhà thơ Trần Hoan Trinh.

Đà Nẵng, 6-8-2015

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.