.

Không để học sinh bỏ học

.

Năm học 2009-2010, lúc bắt đầu thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh (HS) bỏ học…, trên địa bàn quận Hải Châu có 51 HS bỏ học. Qua từng năm, số HS bỏ học giảm dần còn từ 2-3 em. Năm học 2013-2014 và 2014-2015, toàn bộ các trường thuộc quản lý của Phòng GD&ĐT quận không còn HS bỏ học.

Trường tiểu học Trần Văn Ơn những năm qua không chỉ hỗ trợ tích cực học sinh nghèo, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, mà thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng nhà trường (ảnh), còn thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Trường tiểu học Trần Văn Ơn những năm qua không chỉ hỗ trợ tích cực học sinh nghèo, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, mà thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng nhà trường (ảnh), còn thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Đây là thành quả của sự nỗ lực vào cuộc của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Xóa bỏ mặc cảm

Thầy giáo Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu), kể về một cậu học trò lớp 8 tên Bảo. Do ít được gia đình quan tâm nên Bảo chán học, sức học sa sút dần. Kỳ thi lên lớp, Bảo vắng mặt. Giáo viên (GV) đã đến tận nhà động viên, đưa em đến trường và đặc cách cho thi một mình một phòng sau khi các bạn đã ra về. Thương thầy cô, cậu học trò 15 tuổi cuối cùng cũng hát được một bài hoàn chỉnh, vượt qua môn thi Hát nhạc và được lên lớp.

Trường hợp của Bảo cho thấy không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà ở ngay quận Hải Châu - quận trung tâm của thành phố, thầy cô đã đến tận nhà từng HS để động viên các em đi học. Ở Hải Châu, những trường hợp này thường rơi vào các HS mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, hay lực học yếu chứ hiếm khi vì nghèo.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hải Châu, cho biết ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU vào năm 2009, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường thành lập tổ công tác theo dõi HS bỏ học nhằm điều tra, thống kê, xác định nguyên nhân và địa chỉ của từng HS thuộc diện này. Dựa trên kết quả khảo sát chất lượng đầu năm, HS có nguy cơ bỏ học vì học lực yếu sẽ được tham gia các lớp phụ đạo ngoài giờ, phụ đạo hè hoàn toàn miễn phí. Yếu môn nào thì được học thêm môn đó, thậm chí cả khối chỉ có 2-3 em học yếu nhưng nhà trường cũng mở lớp cho các em. Theo bà Hà, hiện nay, trên địa bàn quận Hải Châu có rất nhiều trường thực hiện tốt công tác phụ đạo, như Trường THCS Nguyễn Huệ, THCS Lê Thánh Tôn, THCS Trần Hưng Đạo…

Đối với những HS ít được gia đình quan tâm trong việc học, nhà trường, GV phối hợp với Đoàn TNCS và Đội TNTP Hồ Chí Minh thường xuyên động viên các em, thậm chí đến tận nhà để trò chuyện, góp ý với phụ huynh.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Theo bà Trần Thị Thúy Hà, thách thức lớn nhất trong cuộc vận động chống HS bỏ học là công tác tuyên truyền cho HS và phụ huynh. Hiện nay, tất cả cán bộ, GV, nhân viên làm công tác này đều kiêm nhiệm nên việc vừa bảo đảm chuyên môn, vừa thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TU là điều không dễ dàng. “Những HS bỏ học thường rơi vào độ tuổi THCS, “ăn chưa no, lo chưa tới”, tâm lý rất dễ xáo trộn. Vì vậy, vận động cũng phải hết sức tế nhị, không để các em càng thêm phần mặc cảm với bạn bè”, bà Hà nói.

Bà Hà cũng cho biết, trong thời gian đến, Phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các trường và chính quyền địa phương tổ chức các lớp phụ đạo, vận động, tuyên dương và khen thưởng kịp thời cho các em có tiến bộ. Đặc biệt, tình hình di dời, giải tỏa, thành lập khu dân cư mới gây ra xáo trộn dân số, nên Phòng GD&ĐT sẽ sâu sát hơn trong công tác thống kê, báo cáo, để không một HS nào trong độ tuổi phổ cập lại không đến trường.

Ngoài ra, các HS có hoàn cảnh khó khăn được địa phương hỗ trợ học bổng, phương tiện đi lại… Đối với các em trong độ tuổi phổ cập bỏ học nhưng không có điều kiện tiếp tục đến trường học tập, Phòng GD&ĐT định hướng cho các em tham gia lớp phổ cập, lớp tình thương hoặc lớp hướng nghiệp với sự hỗ trợ kinh phí của UBND quận. Năm học 2014-2015, quận Hải Châu có 10 em ở độ tuổi THCS đã tham gia các trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề hoặc ổn định cuộc sống.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.